02:11 28/02/2011

Thị trường chứng khoán: Tại sao tăng giá?

Quy luật chung trên thị trường chứng khoán (TTCK) là khi Nhà nước thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, thị trường sẽ bắt đầu một chu kỳ giảm điểm cho đến khi chính sách tiền tệ được nới lỏng.

Quy luật chung trên thị trường chứng khoán (TTCK) là khi Nhà nước thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, thị trường sẽ bắt đầu một chu kỳ giảm điểm cho đến khi chính sách tiền tệ được nới lỏng.


Nhưng với TTCK Việt Nam, vào phiên cuối tuần trước (25/3), khi Chính phủ công bố thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng”, thị trường lại tăng điểm. Điều này được lý giải ra sao và hiện tượng tăng điểm trái quy luật này có bền vững?

Rủi ro vẫn tiềm tàng

Theo các nhà phân tích, với hàng loạt chính sách điều chỉnh tiền tệ (tăng tỉ giá lên 9,3%), giá một số mặt hàng chiến lược như điện, xăng dầu… tăng, sức ép lạm phát sẽ còn tác động trong một vài tháng tới. Điều này đồng nghĩa, những tác động mang tính “rủi ro” và khó lường đối với TTCK vẫn còn. Đây mới là dự báo rủi ro ở trong nước, các rủi ro này mới chỉ chiếm 50%, còn 50% rủi ro nữa là từ tình hình thế giới. Ví như bất ổn tại khu vực Trung Đông có thể đẩy giá dầu, giá vàng tăng. Nợ công của Mỹ và khu vực châu Âu có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Việc Chính phủ vừa ra Nghị quyết về ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp không ít nhà đầu tư (NĐT) lạc quan TTCK sẽ tăng mạnh trở lại. Nhưng ông Lê Trung Dũng, Phòng phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, với chính sách thắt chặt tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố và đang thực thi (nâng lãi suất tái chiết khấu từ 9% lên 11%; giảm cung tiền 100.000 tỉ đồng, giảm chi từ ngân sách 10%...), có thể thấy để có tiền kinh doanh hay đầu tư trong năm 2011 là cực kỳ khó khăn.


Hơn nữa, NHNN còn xác định sẽ tiếp tục siết chặt tiền tệ trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản. “Những lạc quan ban đầu của các NĐT với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô sẽ sớm qua đi, thay vào đó là thực tế: TTCK chưa thể khởi sắc bởi nguồn tiền sẽ ngày càng cạn kiệt, các chỉ số kinh tế vĩ mô (lạm phát, GDP, xuất nhập khẩu…) chưa đẹp để tạo động lực cho chứng khoán tăng giá…”, ông Dũng nhận định.

Đầu tư bằng niềm tin?

Từ cơ sở rằng, sự vận động của TTCK thường đi trước kinh tế vĩ mô khoảng 6 tháng, chị Nguyễn Thúy Bình, NĐT tại sàn chứng khoán Mêkông – Hà Nội cho rằng, với chính sách điều hành kinh tế vĩ mô mà Chính phủ vừa công bố, nếu thực thi hiệu quả thì chỉ 3 tháng sau đó kinh tế vĩ mô sẽ ổn định (tức thị trường tiền tệ, lạm phát không còn nhấp nhổm) và 3 tháng tiếp theo, các tín hiệu tốt (lạm phát giảm, lãi suất giảm, sản xuất có dấu hiệu khởi sắc…) sẽ bắt đầu xuất hiện, tạo động lực thực chất cho TTCK tăng điểm. “Đánh cược với rủi ro (tính đến nay cũng không còn nhiều) thì đây là thời điểm đầu tư thích hợp nhất.


Còn khi mọi chuyện đã rõ ràng mới đầu tư thì chẳng những phần lợi nhuận sẽ ít mà còn gặp rủi ro, bởi chính những NĐT chấp nhận mạo hiểm mua vào lúc này sẽ chốt lời khi các tin tốt rõ ràng!”, chị Bình nói.

Với quan điểm thận trọng, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Sao Việt cho rằng, tâm lý những NĐT bắt đáy vào những lúc thị trường rơi vào trạng thái “lao dốc” – (VN-Index giảm mạnh và nhiều phiên liên tiếp) là do họ tin vào lý thuyết “Thị trường hiệu quả”, mua vào trong những phiên giảm mạnh với niềm tin là tất cả thông tin đã phản ánh vào giá. Tuy nhiên, tình hình vĩ mô khó ổn định chỉ trong vài ngày, tâm lý của NĐT trên toàn thị trường vẫn còn đang bất an, nên các NĐT bắt đáy cũng thường có tâm lý chốt lời ngay hoặc cắt lỗ ngay nếu thị trường diễn ra không đúng dự kiến.

Với hiện tượng VN-Index tăng điểm khi Chính phủ công bố chính sách "thắt lưng buộc bụng" và Ngân hàng Nhà nước công bố siết chặt tiền tệ, ông Dũng cho rằng, đó là do VN-Index đã bị giảm điểm mạnh trước các thông tin bất ổn ồ ạt xuất hiện như biến động tỉ giá, lạm phát tăng, lãi suất cao, cùng lúc Nhà nước điều chỉnh tăng các mặt hàng chiến lược và các mặt hàng này sẽ gây áp lực lên lạm phát…


Nhưng khi Chính phủ tuyên bố bằng tất cả các nguồn lực và công cụ sẽ tập trung bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát với các giải pháp công bố rất trọng tâm, đúng hướng đã làm dấy lên niềm tin trong các NĐT nên họ quay lại mua vào. “Tuy nhiên, việc VN-Index tăng điểm phiên cuối tuần trước chỉ là hiện tượng NĐT bắt đáy khi thấy các cổ phiếu đã giảm giá vài phần trăm so với trước. Và có thể, hiện tượng tăng điểm của VN-Index sẽ còn được duy trì thêm vài phiên do hiệu ứng niềm tin vẫn tác động. Nhưng khi giá CP đã tăng lại vài phần trăm và hiệu ứng thông tin đã nhạt thì mọi chuyện sẽ quay trở lại xuất phát điểm!”, ông Dũng nói.

Xuân Hương