05:09 18/05/2011

Thị trường chứng khoán đối mặt với 5 yếu tố bất lợi

Xét từ diễn biến kinh tế vĩ mô, trong khoảng 3 – 6 tháng tới, TTCK vẫn chưa có cơ hội tăng điểm. Thậm chí, CP trên thị trường vẫn có khả năng giảm thêm khoảng 10 – 15% nữa bởi tác động của chính sách siết chặt tiền tệ.

Hơn 5 tháng qua, thị trường chứng khoán (TTCK) chưa một lần có sóng tăng. 98% cổ phiếu trên thị trường liên tục giảm giá.


Hơn 5 tháng qua, thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm. Ảnh: Lê Phú

Theo các chuyên gia phân tích, dù giá CP trên thị trường đã xuống mức thấp hơn cả lúc VN-Index rơi về 235 điểm (đầu năm 2009) nhưng TTCK Việt Nam vẫn đứng trước 5 yếu tố bất lợi khiến CP còn giảm giá.

Trước hết là tác động của chính sách siết chặt tiền tệ. Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách này sẽ được duy trì đủ lâu để đảm bảo kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trên thực tế, 4 tháng đầu năm, chỉ số lạm phát (CPI) của Việt Nam đã ở mức 9,64% (riêng tháng 4 lên tới 3,32%). Như vậy, việc CPI vẫn đứng ở mức cao trong khi các yếu tố tác động đến CPI (chủ quan và khách quan) vẫn khó lường. Từ việc siết chặt tiền tệ, các nguồn vốn khan hiếm, sức cầu trên TTCK sẽ ngày càng suy yếu. Điều này cũng lý giải cho việc vì sao giá CP trên thị trường được coi là khá rẻ nhưng sức cầu vẫn không xuất hiện.

Thứ hai, do lãi suất vay vốn đứng ở mức cao (22-26%), các hoạt động của nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn từ nay đến cuối năm, nên phần lớn các nhà phân tích đều chung quan điểm, thị trường vẫn tiềm ẩn khả năng giảm điểm khi có tin xấu. Khuyến nghị của các nhà phân tích càng khiến các NĐT ngại rủi ro. Tâm lý không dám mạo hiểm cũng xuất phát từ thực tế 3 tháng đầu năm, khi lãi suất vẫn ở mức dưới 20%, giá CP cũng được coi là rẻ, phù hợp cho việc mua vào chờ cơ hội thị trường có sóng. Tuy nhiên, hết lớp này đến lớp khác, các NĐT mua vào đều bị lỗ. Do đó, phần lớn NĐT đều chọn cách đứng ngoài cuộc bảo toàn vốn, chờ thời.

Thứ ba, trong khi các NĐT liên tục bị thua lỗ kể từ đầu năm thì lãi suất huy động của ngân hàng đã bất ngờ vọt lên mức rất cao (19 – 20%/năm). Điều này khiến kênh gửi tiết kiệm lại trở thành kênh đầu tư sinh lời an toàn và hấp dẫn. Các nhà phân tích cho rằng, lãi suất huy động sẽ còn duy trì ở mức cao và chưa dễ kiểm soát được mức tăng CPI. Nhận định này khiến không ít NĐT chứng khoán quay sang phương án rút tiền từ tài khoản chứng khoán sang gửi tiết kiệm.

Thứ tư, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2011 của các doanh nghiệp niêm yết phản ánh, hầu hết các doanh nghiệp đều sụt giảm lợi nhuận từ 60 – 80% so với cùng kỳ. Vẫn theo các nhà phân tích, quý I là giai đoạn các doanh nghiệp còn có doanh thu từ hàng tồn với giá vốn trước đó. Bước vào quý II, các doanh nghiệp phải sản xuất, kinh doanh với giá vốn mới (lãi suất mới, giá nguyên liệu tăng…) trong khi thị trường tiêu thụ thu hẹp, khả năng kết quả kinh doanh quý II và III/2011 sẽ kém hơn quý I. Nếu những tháng cuối năm, kinh tế vĩ mô chưa phát tín hiệu sáng thì với kết quả quý II và III là lỗ thì giá CP không thể giữ vững như mức hiện nay.

Thứ năm, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc. Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc phân tích Công ty Quản lý Quỹ SHF cho rằng, lo ngại nhất thời điểm này là các NĐT bất động sản không bán được hàng. Khi không bán được BĐS, các NĐT có thể phải cắt lỗ trên TTCK vì tính thanh khoản thị trường này luôn có. Với tình cảnh sức cầu trên TTCK yếu như hiện nay, chỉ cần lượng nhỏ CP bung ra bán giá sàn cũng đủ gây hiệu ứng tiêu cực với thị trường.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, nỗ lực kiểm soát lạm phát chưa đạt hiệu quả và dự báo lạm phát tháng 5 vẫn khá cao khiến lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Vì vậy chính sách tiền tệ sẽ chỉ được nới lỏng từ từ để giảm bớt khó khăn cho khu vực sản xuất. Ngay cả khi lạm phát giảm bớt trong năm nay, TTCK vẫn khó có động lực để có một đợt hồi phục mạnh như đầu năm 2009. Chỉ có thể kỳ vọng vào kịch bản TTCK sẽ từng bước hồi phục cùng với sự hồi phục của kinh tế vĩ mô.

Xuân Hương