03:09 16/03/2011

Thị trường bất động sản: Có thể đối mặt với nguy cơ thoái vốn

Quý đầu tiên của năm 2011 sắp trôi qua, thị trường bất động sản dường như bình yên đứng vững nhờ vào các chỉ số kinh tế khá lạc quan

Quý đầu tiên của năm 2011 sắp trôi qua, thị trường bất động sản dường như bình yên đứng vững nhờ vào các chỉ số kinh tế khá lạc quan trong năm 2010 như: Lần đầu tiên tổng sản phẩm quốc nội vượt mức 100 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,78% và GDP tính trên đầu người tăng 10% so với năm 2009, đưa Việt Nam từ nước có thu nhập thấp trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Ngoài ra, sự bùng nổ nguồn cung về thị trường nhà ở bao gồm các căn hộ chung cư, nhà đất liền kề hay biệt thự, cùng với vô số dự án cho thuê văn phòng, mặt bằng bán lẻ hay dịch vụ khách sạn… chứng tỏ nhu cầu nhà ở là rất lớn và kéo theo việc đầu tư kinh doanh bất động sản luôn có sức hấp dẫn lớn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều quan ngại...

Những quan ngại

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, đi cùng với việc nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, tiền đồng mất giá so với đô la Mỹ, lãi suất ngân hàng tăng… thì thị trường bất động sản cũng đang lâm vào tình thế khó khăn, có thể tái diễn tình trạng giá cả không giảm và thị trường giao dịch sẽ đóng băng như năm 2008.

Thêm nhiều khu biệt thự được xây dựng tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên Hà Nội


Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ đã chỉ rõ, tình hình kinh tế hiện diễn biến phức tạp, lạm phát tăng, giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào phục vụ sản xuất cùng với giá lương thực, thực phẩm tiếp tục có xu hướng tăng cao… đang làm tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô. Chưa hết, thời gian qua, giá vàng tăng gần 35% trong khi đồng đô la Mỹ tăng gần 10% so với đồng Việt Nam và lãi suất ngân hàng luôn là “cơn ác mộng” đối với nhiều doanh nghiệp (DN). Riêng đối với lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, giá xi măng, sắt thép, nhân công cùng những biến động về tỷ giá, lãi suất ngân hàng… đang khiến giá cả bất động sản không thể hạ thấp.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, chuyên gia về lĩnh vực đất đai, phân tích: Việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là bất động sản sẽ là rào cản lớn đối với lĩnh vực này. Những DN tham gia phát triển nhà ở, các nhà thầu thi công xây dựng, nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản đều phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại (NHTM), nên chịu tác động lớn vào chính sách tiền tệ của nhà nước, chính sách tỷ giá và lãi suất. Trong tương lai gần, chỉ những nhà đầu tư thực sự có năng lực và trường vốn mới tồn tại lâu dài, còn người “non vốn” sẽ khó duy trì, thậm chí phải bán tháo hàng, thu vốn, nhất là khi tới hạn đáo nợ ngân hàng.

Một nguyên nhân nữa khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng thiếu vốn duy trì hoạt động, đó là khó có thêm một gói kích cầu nào nữa từ phía Nhà nước thông qua các khoản vay hỗ trợ lãi suất. Vốn là liệu pháp “hà hơi, thổi ngạt”, đã vực dậy không ít DN tham gia phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung trong suốt giai đoạn 2009 - 2010.

Bước đệm cho sự khởi đầu tốt đẹp


Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, không lâu nữa, chúng ta sẽ chứng kiến sự thoái vốn “tạm thời” của thị trường bất động sản cũng như sự “chết đuối” của nhiều nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính. Nhưng về lâu dài, đây là sự khởi đầu tốt đẹp để níu giá bất động sản trở về với đúng giá trị thực của mình. Xét ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản HANHUD - LAND nhận định: Thời điểm này sẽ không thể diễn ra xu hướng đầu tư theo kiểu lướt sóng. Khi lãi suất hiện tại ở mức 17-18%/năm thì không ai dám mạo hiểm vay vốn ngân hàng để kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn do thiếu vốn, thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục trở lại với mặt bằng giá cả ổn định hơn so với thời điểm trước. Một số nhà kinh doanh bất động sản cũng đưa ra nhận định, thị trường bất động sản sẽ chưa thể đóng băng ngay nếu các DN tham gia phát triển nhà ở và bất động sản nhanh chóng chuyển hướng sang phân khúc nhà ở xã hội hoặc các căn hộ chung cư giá phải chăng và “túc tắc” bán cho người tiêu dùng. Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn sắp xếp lại trật tự, tuy có biến động nhưng sẽ là bước đệm cho sự ổn định về lâu dài.

Có thể khẳng định rằng, thị trường bất động sản đang đứng trước những thách thức lớn và phải tự vận động để điều chỉnh chính mình cho phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế, đáp ứng với nhu cầu của thị trường để tiến tới mục tiêu: Phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.

Ngọc Quỳnh