06:13 04/06/2012

Thi tốt nghiệp THPT: Đề Toán rõ ràng và đòi hỏi tư duy cao

Sáng 4/6, thí sinh cả nước đã hoàn tất môn thứ năm là môn Toán của kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2012. Đánh giá chung của các giáo viên và học sinh cho rằng, đề Toán khá dễ với học sinh có học lực khá và giỏi, vừa sức đối với học sinh trung bình.

Sáng 4/6, thí sinh cả nước đã hoàn tất môn thứ năm là môn Toán của kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2012. Đánh giá chung của các giáo viên và học sinh cho rằng, đề Toán khá dễ với học sinh có học lực khá và giỏi, vừa sức đối với học sinh trung bình. Đề toán khá hay, có khả năng phân loại được thí sinh.

 

Thí sinh ở Hà Nội cho rằng: với 5 câu, trong đó có nhiều câu nhỏ nên các em dễ đạt điểm 5. Tuy nhiên, thí sinh có học lực trung bình khó đạt điểm cao. Những thí sinh thi khối A tỏ ra khá thoải mái. Nguyễn Thành Trung - trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: em thi khối A nên thấy đề Toán năm nay khá dễ, em làm trọn vẹn bài thi và vẫn còn thời gian kiểm tra lại bài làm.

 

Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) trao đổi bài sau khi kết thúc thi môn Toán. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

 

Lê Minh Hằng - học sinh trường Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, dù không ôn thi đại học môn Toán và sức học môn này của em bình thường, nhưng em nhẩm tính sẽ đạt điểm cao hơn mức trung bình vì kiến thức đều nằm trong chương trình học nên không đánh đố thí sinh.

 

* Ghi nhận tại các hội đồng thi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như hội đồng thi THPT Võ Thị Sáu, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Bùi Thị Xuân… thí sinh tranh thủ đến hội đồng thi từ rất sớm để tránh ùn tắc giao thông trong ngày đầu tuần. Đến hết buổi thi đầu tiên dù vào giờ cao điểm, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong, tình nguyện viên và người dân địa phương tại các điểm thi THPT Bùi Thị Xuân, THPT Võ Thị Sáu… đã tích cực hỗ trợ thí sinh và phụ huynh di chuyển, không gây ùn tắc giao thông.

 

Kết thúc buổi thi môn Toán, em Hứa Hương Nhi, học sinh THPT Trưng Vương và Tiêu Thảo Nhi, học sinh THPT Bùi Thị Xuân lạc quan cho biết, đề thi toán tương đối dễ, em làm hết bài. Theo em, các câu hỏi rõ ràng, không gây hiểu nhầm, không đánh đố. Đối với các câu hỏi vẽ đồ thị và phương trình tiếp tuyến, học sinh học lực trung bình có thể hoàn tất trong thời gian ngắn. Nhi nói: “Đề thi toán phù hợp với các học sinh từ trung bình trở lên”. Với kết quả cuối năm lớp 12 đạt học lực khá, em Nhi cũng tự tin lấy được 10 điểm môn Toán.

 

Thầy Lâm Hoàng Quốc, giáo viên môn Toán, THPT Võ Thị Sáu nhận định, đề thi năm nay hay hơn năm trước. Năm trước nhiều thí sinh hoàn tất bài thi trong khi còn dư thời gian nhiều, nhưng năm nay, các thí sinh làm dư thời gian ít hơn. Thầy nhận xét, đề thi có câu vừa sức cho học sinh trung bình trở lên, nhưng bên cạnh đó cũng có những câu đòi hỏi sự tư duy, vận dụng kiến thức thật kỹ và thận trọng thì mới đạt được điểm tuyệt đối, ví dụ như phần II, câu 3 với câu hỏi liên quan đến giá trị nhỏ nhất và lớn nhất. Với câu này, thí sinh cần nắm kiến thức, nếu chỉ học qua loa, chủ quan thì không làm được trọn vẹn 1 điểm trong câu hỏi này.

 

* Tại Quảng Trị, sau khi kết thúc môn Toán, kì thi Tốt nghiệp THPT theo nhận định chung của nhiều học sinh đề Toán năm nay bám sát chương trình ôn tập, chuẩn kiến thức kĩ năng cơ bản, không quá khó, dễ đạt điểm trung bình nhưng khó đạt điểm cao do có nhiều câu khó đối với học sinh có học lực trung bình và học sinh vùng dân tộc miền núi.

 

Em Trần Thị Hoài, lớp 12D8, Trường THPT Phan Chu Trinh cho biết: Nhìn chung đề vẫn khó, như câu 2, câu 3 đòi hỏi phải tư duy cao, mất thời gian suy nghĩ và tính toán mới làm được. Nhiều bạn học lực trung bình khó làm được bài tốt, chỉ đạt khoảng 50 - 60% đề thi. Tuy nhiên, đề thi bám sát chương trình ôn tập, trong đó có nhiều câu dễ ăn điểm như câu 5a, câu 1, câu 4.

 

Theo thầy Trần Đức Thuận, Phó Trưởng phòng THPH, Trưởng bộ môn Toán, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: Mức độ đề thi phù hợp với thời lượng làm bài và trình độ của đại đa số học sinh, chỉ cần nắm vững kiến thức cũng như kĩ năng cơ bản là học sinh có thể vượt qua điểm 5 hoặc điểm 6, thông qua các câu 1; câu 2; câu 3; câu 4/a1/b1; câu 5. Đặc biệt, riêng câu 2.3 về "giá trị nhỏ nhất" mặc dù hoàn toàn không khó với học sinh khá giỏi nhưng hình thức và yêu cầu của bài toán sẽ làm cho đa số học sinh có học lực trung bình lúng túng. Đây là câu có tính chất phân loại và kích thích sự sáng tạo của học sinh.

 

TTXVN/Tin tức