12:08 20/12/2011

Thi tốt nghiệp THPT 2012: Phải siết chặt coi thi nếu bỏ “thi cụm chấm chéo”

Đề xuất bỏ “thi cụm, chấm chéo” trong dự thảo Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) đăng tải để xin ý kiến nhận được nhiều đồng tình.

Đề xuất bỏ “thi cụm, chấm chéo” trong dự thảo Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) đăng tải để xin ý kiến nhận được nhiều đồng tình. Tuy nhiên, một số lãnh đạo Sở, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, cần siết chặt phần coi thi hơn để chất lượng kỳ thi tốt nghiệp được đảm bảo.

Làm thủ tục cho thí sinh tại phòng thi Hội đồng thi Trường THPT số 1 Bát Xát (Lào Cai) năm học 2010 - 2011. Ảnh : Phạm Hậu - TTXVN


Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 dự kiến sẽ không bắt buộc tổ chức thi theo hình thức cụm trường (một hội đồng coi thi gồm ít nhất 3 trường); việc tổ chức chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương như đã thực hiện vài năm qua dự kiến sẽ bãi bỏ. Thay vào đó, giám đốc Sở GD - ĐT được giao quyền chủ động quyết định thành lập các hội đồng coi thi và chấm thi tại địa phương; có thể chủ động thành lập các đoàn thanh tra công tác coi thi tại địa bàn bởi từ kỳ thi năm 2012, Bộ GD - ĐT dự kiến không sử dụng lực lượng thanh tra ủy quyền.

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp thì những vấn đề này sẽ được tiếp tục bàn thảo tại Hội nghị tuyển sinh năm 2012 (tháng 1/2012). Sau đó, Thông tư sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT mới chính thức được ban hành. Tuy nhiên, ngay sau khi dự thảo thông tư được đăng tải với những điểm mới này nhiều địa phương đã bày tỏ sự đồng tình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường chỉ đạo khâu coi thi và hậu kiểm nhằm đảm bảo chất lượng thi tốt nghiệp.

Theo dự thảo này, Bộ GD – ĐT vẫn là đơn vị ra đề thi mang tính chất quốc gia. Bộ sẽ giao cho giám đốc các Sở GD – ĐT tự tổ chức cách thức thi phù hợp với từng địa phương. Các Sở cũng được chủ động tổ chức chấm thi, nhưng phải đảm bảo yêu cầu chấm chéo bài thi tự luận giữa các trường trong tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ không còn thanh tra ủy quyền của Bộ mà địa phương phải tự lập các đoàn thanh tra.

Trước thông tin này, trao đổi với Tin Tức, ông Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Tĩnh đồng tình với những thay đổi của Bộ GD – ĐT. Ông Hào cho rằng: “Việc Bộ giao quyền cho địa phương tự tổ chức kỳ thi là hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ tăng chỉ đạo khâu coi thi và hậu kiểm. Bỏ thi cụm và chấm chéo sẽ không còn tình trạng tổ chức thi cồng kềnh, tiết kiệm được thời gian, kinh phí cho cả bộ máy, giáo viên đỡ vất vả hơn. Việc tổ chức thi theo cụm trường tổ chức 3 năm nay khiến không ít địa phương với địa hình miền núi vất vả. Như tỉnh Hà Tĩnh, có nơi học sinh phải đi 30 – 40 km để tới điểm thi”. Ông Nguyễn Khắc Hào cũng khẳng định việc lo ngại về chuyện chất lượng tốt nghiệp là suy nghĩ chủ quan. Bởi “Sở GD – ĐT kết hợp với UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng tốt nghiệp. Tất nhiên, Bộ sẽ phải tăng cường khâu coi thi, tăng cường chỉ đạo sát sao để có kỳ thi an toàn, nghiêm túc”, ông Hào cho biết.

Thầy Nguyễn Đắc Hồi, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) nói: “Tôi đã có hơn 30 năm trong nghề và trải qua những đợt chấm thi thì thấy, việc chấm chéo mà Bộ áp dụng trong 3 năm qua gần như không có tác dụng nhiều. Bởi, với đề thi ở mức trung bình thì tỉnh nào chấm tỉnh đó vẫn có hiệu quả như chấm chéo.Tôi thấy để địa phương làm là hợp lý và cần phải siết chặt khâu coi thi”.

Ông Đặng Thành Sang, Giám đốc Sở GD – ĐT Bình Dương cho rằng, việc giao quyền cho địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp muốn đảm bảo khách quan thì cần phải có sự tập huấn, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho mỗi cán bộ coi thi. Nếu khâu coi thi tốt kết hợp với phần thanh kiểm tra của Bộ GD – ĐT chắc chắn sẽ có một kỳ thi nghiêm túc, tránh tình trạng có sự chênh lệch về tỷ lệ tốt nghiệp giữa các tỉnh.

Trong một buổi trao đổi về những đổi mới trong giáo dục trung học phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 về cơ bản sẽ giao quyền cho địa phương nhiều hơn. Từ trước Bộ đã làm quá nhiều việc rồi. Tuy nhiên, Bộ sẽ siết chặt việc thanh kiểm tra, coi thi nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn. Đồng thời, Bộ sẽ mạnh tay xử lý với những địa phương nào vi phạm. Như vậy việc giao quyền không phải là địa phương thích làm gì thì làm mà phải có sự giám sát của Bộ.

Lê Vân