07:10 10/07/2014

Thi đại học kết thúc suôn sẻ

Qua hai đợt thi của kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm 2014 kết thúc. Đánh giá chung của dư luận: Hai đợt thi đã diễn ra suôn sẻ, an toàn, đúng quy chế. Đề thi và công tác chuẩn bị thi được đánh giá tốt.

Qua hai đợt thi của kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm 2014 kết thúc. Đánh giá chung của dư luận: Hai đợt thi đã diễn ra suôn sẻ, an toàn, đúng quy chế. Đề thi và công tác chuẩn bị thi được đánh giá tốt.

Chuẩn bị tốt, thi kỷ luật, an toàn

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD - ĐT, hai đợt đầu kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, mọi sai sót được xử lý kịp thời. Trong hai đợt thi này, chủ yếu các trường tổ chức thi và sử dụng kết quả chấm thi là các trường ĐH trong và ngoài công lập. Các trường CĐ có tổ chức thi sẽ chủ yếu thi vào đợt 3 tới đây.

Làm nên mùa thi nghiêm túc, an toàn có sự nỗ lực từ rất sớm của các trường và các cụm thi. Theo báo cáo của các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, tại các địa phương, các Sở GD- ĐT, các cụm thi liên trường cũng như chính quyền các địa phương có tổ chức thi... đã chuẩn bị rất chu đáo. Rút kinh nghiệm đợt 1 kỳ thi tuyển sinh, nhiều trường có nhiều sai sót trong giấy báo thi khiến hội đồng thi phải sửa chữa nhiều, các thí sinh, nếu có sự không trùng khớp về thông tin cá nhân với thông tin trong giấy báo thi, phải báo cáo hội đồng thi để sửa chữa kịp thời trước ngày thi, hoặc trước giờ thi vào ngày hôm sau. Tại Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ, chính quyền địa phương đã huy động các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh tại địa phương mình, dự phòng tất cả các tình huống có thể xảy ra như lũ lụt, ùn tắc giao thông, an toàn thực phẩm. Đáng lưu ý, năm nay các trường tổ chức thi đã giảm được đáng kể các điểm thi xa, do số hồ sơ ảo giảm đáng kể. Tỷ lệ thí sinh đến thi so với số hồ sơ đăng ký dự thi của đợt 1 là 77,4% và đợt hai là trên 75% - khá cao.

Đề thi vừa sức khiến các thí sinh thi xong rất phấn khởi. Ảnh: Phương Vy - TTXVN


Trong suốt 2 đợt thi, các hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của quy chế thi tuyển sinh; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời. Cũng trong suốt 2 đợt thi, các địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện,… tiếp tục triển khai hoạt động tích cực, có hiệu quả: tham gia phân luồng giao thông; giúp đỡ, hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi; phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi; hỗ trợ nhà trọ giá rẻ, xuất ăn miễn phí; đưa đón thí sinh đến các địa điểm thi... Các trường đại học cũng có những hoạt động hỗ trợ hiệu quả cho thí sinh như: Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) đã chuẩn bị 2.000 chỗ ở giá rẻ để phục vụ thí sinh ở xa. Đại học Thủy Lợi (Hà Nội) chuẩn bị hội trường lớn có đầy đủ điều hòa, nước uống… làm chỗ nghỉ ngơi cho phụ huynh ngồi trong lúc chờ thí sinh thi. Hầu như tất cả các trường đều huy động sinh viên tình nguyện túc trực tại khu vực thi để hỗ trợ thí sinh và người nhà.

Đề thi được đánh giá cao

Những năm gần đây, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được dư luận đánh giá cao bởi ra theo hướng mở, không buộc học sinh phải nhớ nhiều một cách máy móc hoặc học thuộc lòng mà khuyến khích tính sáng tạo của học sinh, có liên hệ thực tiễn cuộc sống. Công tác đề thi đã được Bộ GD - ĐT chuẩn bị từ nhiều tháng trước, đến nay có thể khẳng định đề được bảo mật tuyệt đối, không có sai sót. Những mục tiêu đối với đề thi như bám sát chương trình, vận dụng được kiến thức đã học bậc phổ thông, gắn kết với cuộc sống vẫn được tiếp tục phát huy.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đề thi có tính phân loại tốt, cấu trúc đề linh hoạt không cứng nhắc chia hai phần riêng - chung như mọi năm mà có sự lồng ghép. Nội dung một số đề thi được đánh giá là mới lạ, đặc biệt là đề Vật lý khi có hình vẽ trong phần câu hỏi - thí sinh dựa vào đó trả lời. Đề thi các môn tự nhiên có tính phân loại cao, trong khi đề các môn xã hội được ra theo hướng mở. Đề thi môn Địa lý có nêu nội dung liên quan tới chủ quyền biển đảo - một vấn đề thời sự và rất ý nghĩa đối với thế hệ trẻ hiện nay. Với đề thi này, thí sinh không còn “học vẹt” mà được thể hiện hiểu biết của mình song song với trình bày quan điểm, nhận định về “vấn đề nóng” của đất nước - một hình thức giáo dục tinh thần trách nhiệm công dân rất hiệu quả. Cách ra đề này cũng tránh tình trạng học vẹt mà khơi gợi được tư duy và khả năng vận dụng của học sinh.

Với cách ra đề như hiện nay, mặt bằng điểm chuẩn chung dự kiến sẽ là nhiều điểm trung bình trở lên - một sự chuẩn bị cho việc hợp nhất hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ) trong các năm tới.


PV (Tổng hợp)