11:06 18/11/2014

Theo đuổi đến cùng các vấn đề chất vấn

Trước khi tiến hành phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất, đánh giá lại lời hứa của các bộ trưởng trong các kỳ chất vấn trước.

Trước khi tiến hành phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất, đánh giá lại lời hứa của các bộ trưởng trong các kỳ chất vấn trước.

Bán khách sạn để hỗ trợ ngư dân

Sáng 17/11, sau khi nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn (mời xem toàn văn Báo cáo trên website: baotintuc.vn), Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Báo cáo này. Đa số các đại biểu cho rằng, việc đánh giá lại những chất vấn và trả lời chất vấn từ các kỳ họp trước là một nội dung quan trọng, cần tiến hành trong các kỳ họp tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN



Trong buổi sáng, nhiều ý kiến tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và phòng chống tham nhũng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trả lời ý kiến của các đại biểu ngay tại phiên thảo luận.

Về nông nghiệp, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: “Nước ta có lợi thế tự nhiên cho nông nghiệp, gồm cả nông nghiệp, ngư nghiệp… nhưng vẫn chưa có lời giải cho bài toán tổng thể về nông nghiệp”.

“Lâu nay, chúng ta nói rất hay về việc nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, nhưng sản xuất cho ai, bằng cách nào thì chưa nói được… đây là những câu hỏi ngành nông nghiệp cần phải làm rõ. Hay việc có những mặt hàng ngành nông nghiệp có thể sản xuất được, nhưng giá thành lại quá cao. Chưa kể, bài ca được mùa mất giá, mất giá được mùa cứ tiếp diễn”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Về ngư nghiệp, ông Lịch cho biết, cần có giải pháp hỗ trợ ngư dân, không để ngư dân đánh bắt như kiểu hiện nay, kỹ thuật kém, bị chèn ép giá. Hiện cả nước có 5 trung tâm hỗ trợ, đánh bắt nghề cá nhưng cần có một trung tâm tổng hợp đủ mạnh hỗ trợ ngư dân trong việc đánh bắt. Chúng ta có thể bán khách sạn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội để làm trung tâm nghề cá đủ mạnh hỗ trợ ngư dân.

Cùng quan điểm này, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) kiến nghị: “Trong thời gian qua, việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, Chính phủ đã nỗ lực đàm phán với nhiều nước, nhưng nông dân vẫn khó tiêu thụ nông sản. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể trong việc phát triển thị trường, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp”.

Bên cạnh đó, có một vấn đề khiến nông dân đang rất bức xúc đó là tình trạng vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu giả tràn lan trên thị trường nhưng “Hiệu quả phòng chống chưa cao, chuyển biến rất chậm. Việc thanh tra, kiểm tra rất ít, cần tăng cường kiểm tra, quyết liệt hơn để người nông dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, việc quản còn trồng chéo nên cần có cơ quan quản lý làm đầu mối để giải quyết những việc này thì mới chuyển biến được”, đại biểu Tính nói thêm.
Trả lời ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: “Chương trình tam nông được triển khai trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo thành phong trào lan rộng, cải thiện đời sống nông dân ở khu vực nông thôn”.

Liên quan đến vấn đề an ninh lương thực, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Chúng ta đã đảm bảo nguồn cung dồi dào, có lượng xuất khẩu đủ cho 100 triệu người khác tiêu dùng trên thế giới. Nhưng thu nhập của người dân nghèo, một số hộ vẫn chưa được đảm bảo. Vì vậy, chúng ta tiếp tục duy trì năng lực sản xuất lương thực và thực phẩm. Quan tâm hơn tới việc nâng cao thu nhập, đặc biệt những hộ khó khăn, đảm bảo họ có lương thực”.

Về vấn đề chuyển đổi đất lúa sang trồng những loại cây khác cho thu nhập cao, Bộ trưởng cho biết, trước yêu cầu của nông dân, Chính phủ đã có chính sách giúp nông dân ở những vùng trồng lúa có thể chuyển đổi sang các cây trồng khác nếu họ xác định được có thu nhập cao hơn.

Chống tham nhũng vẫn còn hạn chế

Trong phiên thảo luận, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm, góp ý. Theo các đại biểu, mặc dù quyết tâm chính trị của chúng ta rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của cử tri đặt ra.

Trước ý kiến chất vấn của một số đại biểu đề nghị cho biết về kết quả xử lý vụ việc liên quan đến nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Đồng chí Trần Văn Truyền thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư. Ban Bí thư đã có chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm báo cáo kiểm tra. Khi nào có kết luận và chỉ đạo của Ban Bí thư thì Thanh tra Chính phủ sẽ có báo cáo trước Quốc hội.

Theo các đại biểu, trong đấu tranh chống tham nhũng, ngoài việc xử lý nghiêm thì phải xây dựng lòng tin với dân. “Có cán bộ nói, chúng tôi không đòi đưa, mà do dân cứ đưa. Vì dân không còn niềm tin, họ sợ nếu anh không có tiền thì sẽ không chữa bệnh cho họ. Đưa tiền không phải vì họ kính nể, mà vì họ không có lòng tin vào cán bộ”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận định.

Cũng đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng: “Cần phải có những cách làm, thể chế để thay đổi mạnh mẽ. Vấn đề chạy chức chạy quyền là thực trạng tồn tại trong nhiều năm qua. Nếu không làm quyết liệt, không khui từ việc lớn nhất, cấp cao nhất thì khó giải quyết được”.

“Trước đây dư luận phản ánh phải có hàng trăm triệu mới có một suất biên chế. Nhưng vừa qua, Thanh Hóa tiến hành thi công chức, làm rất quyết liệt, không có chuyện tiêu cực. Bộ Giao thông Vận tải, Tư pháp, tỉnh Quảng Ninh,… đã làm công khai minh bạch. Do vậy, nếu làm nghiêm chỉnh thì ngăn chặn được ngay tiêu cực này”, đại biểu Nam nói.

Trả lời những ý kiến của các đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã đưa ra nhiều con số để chứng minh hiệu quả của ngành mình.

“Từ kỳ họp thứ 7 đã kết luận 5 nội dung tồn tại, chúng tôi đã thực hiện khá tốt nhưng vẫn cần tiếp tục thực hiện. Trong đó, hai nhiệm vụ chính sẽ là giải quyết khiếu nại, tố cáo, mà chủ yếu liên quan tới đất đai phức tạp, kéo dài. Hai là giải pháp phòng tham nhũng” ông Tranh nói.

Theo ông Tranh, năm 2014 đã phát sinh 81.000 đơn khiếu nại, giảm 74%, vụ việc giảm 9,8%. Nhưng số vụ khiếu nại phức tạp, đông người vẫn còn phức tạp. Về phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, mặc dù có sự nỗ lực rất cao của toàn hệ thống chính trị.

Theo ông Tranh, năm 2014, Ban phòng chống tham nhũng đã ban hành kế hoạch hành động trọng tâm làm định hướng, tổ chức hội nghị để đánh giá và đề ra giải pháp chống tham nhũng, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đẩy nhanh việc xét xử các vụ án tham nhũng trọng điểm dư luận quan tâm.

Ngoài ra, Chính phủ đã có ngay Nghị quyết về phòng chống tham nhũng, có chính sách với người tố cáo. Chính phủ cũng nêu ra 9 giải pháp phòng chống tham nhũng, từ chỉ đạo cho tới phòng ngừa, xử lý.

Hữu Vinh