08:08 05/08/2014

Thêm một bác sĩ Nigeria nhiễm virus Ebola

Một bác sĩ người Nigeria tham gia điều trị cho bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm Ebola ở Lagos, thành phố đông dân nhất của nước này, đã bị nhiễm loại virus nguy hiểm trên.

Một bác sĩ người Nigeria tham gia điều trị cho bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm Ebola ở Lagos, thành phố đông dân nhất của nước này, đã bị nhiễm loại virus nguy hiểm trên. Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu ngày 4/8 thông báo các xét nghiệm y tế đã xác nhận bác sĩ này có phản ứng dương tính với virus Ebola.

 

Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm dịch sốt Ebola tại bệnh viện Donka ở Conakry, Guinea ngày 25/6. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Ông Chukwu cho biết một bác sĩ khác, người cũng đã điều trị cho bệnh nhân trên và cũng có những triệu chứng nhiễm virus, vẫn đang đợi kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, 70 người được cho là đã tiếp xúc với bệnh nhân trên cũng đang được theo dõi, trong đó có 8 người được cách ly bao gồm cả 3 người có những triệu chứng liên quan đến virus Ebola.


Hai bác sĩ trên từng chăm sóc cho Patrick Sawyerr, bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm virus Ebola ở Lagos và đã qua đời vì dịch bệnh này cách đây gần 2 tuần. Người đàn ông 40 tuổi này làm việc cho Bộ Tài chính Liberia, được xác định bị lây nhiễm virus từ người chị gái trước khi bay từ Monrovia tới Lagos để tham dự một hội nghị do Cộng đồng Kinh tế Tây Phi tổ chức.


Cuối tuần trước, Chính phủ Nigeria đã thông báo rằng sẽ không đóng cửa biên giới nếu tình hình không trở nên cấp thiết. Bộ trưởng Nội vụ nước này, ông Abba Moro cho rằng việc đóng cửa biên giới là một giải pháp cực đoan có thể kéo theo nhiều hậu quả. Ông cho biết thêm hiện các nhân viên y tế Nigeria, Cơ quan Nhập cư Nigeria và toàn bộ giới quan chức y tế nước này đang nỗ lực khắc phục tình hình dịch bệnh tại khu vực biên giới.


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi bùng phát hồi tháng 2 vừa qua tại Tây Phi, đến nay virus Ebola đã khiến 826 người tử vong, trong khi khoảng 1.440 người nhiễm bệnh. Bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, số ca nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên tại khu vực này do các điều kiện yếu kém về chăm sóc y tế.


Khuẩn Ebola lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1976, được đặt tên theo một con sông nhỏ ở CHDC Congo, gây sốt xuất huyết ở bệnh nhân với tỷ lệ tử vong cao. Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa. Bệnh nhân nhiễm Ebola do tiếp xúc với máu và dịch thể của một số loài động vật, chủ yếu là khỉ và một loài dơi lớn thuộc họ Megachiroptera.

 

TTXVN/ Tin tức