11:20 05/11/2014

Thêm hai sự kiện ngô biến đổi gen được công nhận an toàn sinh học

Ngày 3/11/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức công bố phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho hai sự kiện ngô biến đổi gen (BĐG) tại Việt Nam, bao gồm GA21 của công ty TNHH Syngenta Việt Nam và NK603 của công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto).

Ngày 3/11/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức công bố phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho hai sự kiện ngô biến đổi gen (BĐG) tại Việt Nam, bao gồm GA21 của công ty TNHH Syngenta Việt Nam và NK603 của công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto).

Các sự kiện ngô BĐG được cấp Giấy chứng nhận An toàn Sinh học nêu trên đều mang đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ. Thông tin chính thức được đăng tải tại Cổng thông tin An toàn sinh học: http://antoansinhhoc.vn/Noi-dung/Bo-Tai-nguyen-va-Moi-truong-cap-Giay-chung-nhan-an-toan-sinh-hoc-doi-voi-ngo-bien-doi-gen-mang-su-kien-NK603-va-GA21-/2453183

Cỏ dại là một trong những đối tượng chính cạnh tranh dinh dưỡng dẫn đến thiệt hại năng suất cây trồng. Trong điều kiện canh tác ngô tại Việt Nam, thời gian canh tác thường rơi vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 9) với áp lực cỏ dại rất lớn. Nông dân thường sử dụng thuốc trừ cỏ hoặc làm đất trước khi gieo hạt để hạn chế vấn đề này. Tuy nhiên, tập quán này còn nhiều nhược điểm như thiệt hại năng suất do tác động của thuốc trừ cỏ lên chính cây trồng và tình trạng rửa trôi, xói mòn đất do cày xới đất vào thời điểm mùa mưa.

Tính trạng chống chịu thuốc trừ cỏ đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả kiểm soát cỏ dại bởi nông dân có thể phun thuốc trừ cỏ gốc glyphosate trực tiếp trên ruông ngô trước và sau khi trồng, mà không gây ảnh hưởng đến cây ngô do sự biểu hiện của protein chuyển nạp EPSPS – protein có áp lực cao với glyphosate –từ đó giúp cây chống chịu với thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất này đồng thời hạn chế phát thải khí nhà kính và hiện tượng xói mòn do quá trình làm đất.

Trên thế giới, công nghệ BĐG chống chịu thuốc trừ cỏ đã được chứng minh là mang lại hiệu quả lâu dài trong việc tăng thu nhập cho nông dân, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Trong giai đoạn 1996-2012, thu nhập tăng thêm nhờ ứng dụng ngô BĐG chống chịu thuốc trừ cỏ trên toàn cầu là hơn 5 tỉ đô la Mỹ. Lợi nhuận tăng thêm này đến từ hai nguồn chính: Thứ nhất, tăng năng suất cây trồng (14%) và thứ hai, giảm chi phí sản xuất (86%)(ISAAA, 2014). Cũng trong giai đoạn này, lượng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên ngô BĐG cũng đã giảm 203 triệu kg. Tính riêng trong năm 2012, canh tác cây trồng BĐG đã góp phần đáng kể vào việc giảm khí thải nhà kính với hơn 27 tỉ kg carbon dioxide đã được “tiết kiệm” khi không bị thải vào môi trường. Lượng khí thải giảm được này tương đương với việc “chặn” thành công 11,9 triệu xe ô tô lưu thông trên đường trong 1 năm(theo báo cáo của PG Economics, 2014).

Việc cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học lần này đã theo đúng các trình tư, thủ tục được quy định tại Việt Nam (Nghị định số 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật BĐG, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật BĐG, Thông tư 08/2013/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng BĐG) và tuân thủ các chuẩn mực về đánh giá hồ sơ và chứng nhận an toàn sinh học được công nhận trên thế giới. Hai sự kiện ngô BĐG NK603 và GA21 đã được chấp thuận là an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học sau quá trình thẩm định kỹ lưỡng và khoa học bởi tổ tư vấn và Hội đồng An toàn sinh học Quốc gia.

Hai sự kiện ngô BĐG lần này được công nhận an toàn sinh học trước đó đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Như vậy, với việc công nhận an toàn sinh học lần này, các giống ngô BĐG nói trên đã đủ điều kiện canh tác tại Việt Nam.

Kể từ năm 1996 đến nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới đã thông qua và công nhận về pháp lý cho việc canh tác cây trồng BĐG và nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thực phẩm có nguồn gốc BĐG. Một số quốc gia trong số đó bao gồm: Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Ag Argentina, Australia, Philippines, South Africa, India, Mexico, Japan, South Korea, New Zealand, Liên minh Châu Âu, Uruguay, Colombia, Honduras, và Việt Nam. Các tổ chức quốc tế; hàng loạt cơ quan quản lý khoa học và pháp lý có uy tín trên thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Nông Lương Quốc tế (FAO), Viện Khoa học Hoàng Gia (Vương quốc Anh), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (Hoa Kỳ), Viện Dinh Dưỡng Hoa Kỳ, Viện Y Khoa Pháp và Hiệp Hội Y tế Anh đã công nhận tính an toàn của cây trồng BĐG.

Công nghệ sinh học, cụ thể hơn là cây trồng BĐG được khẳng định là thành tự khoa học nổi bật của thế kỷ và được ủng hộ mạnh mẽ bởi cộng đồng khoa học trên toàn cầu. 25 người từng nhận giải Nobel và khoảng 3400 nhà khoa học trên toàn thế giới đã chứng minh rằng đây là giải pháp giúp cải thiện nông nghiệp và môi trường một cách hữu hiệu và an toàn.

V.D