01:07 20/01/2015

Thêm cơ hội vay vốn từ gói 30 nghìn tỷ

Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đang có những tín hiệu khả quan hơn ở thời điểm đầu năm khi Chính phủ nới rộng các điều kiện tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng.

Có thể nói thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đang có những tín hiệu khả quan hơn ở thời điểm đầu năm 2015 khi Chính phủ nới rộng các điều kiện tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng.

Đã dễ tiếp cận hơn

Mới đây, có thêm 10 ngân hàng được tham gia gói 30 nghìn tỷ, bao gồm Eximbank, Bảo Việt, Saigonbank, PVCombank, TienphongBank, OCB, VPBank, Seabank, NamABank và SHB, nâng tổng số ngân hàng thương mại  tham gia cho vay gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng lên tổng cộng 15 ngân hàng, đã mở ra cho DN cũng như người dân nhiều cơ hội vay gói tín dụng này.

Người dân có thể tiếp cận gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ cả khi mua nhà ở các dự án thương mại. Ảnh: Lê Hiền.


Theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Hoàng Anh Sài Gòn, vay gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng không khó như nhiều người tưởng. Quan trọng là dự án có đáp ứng đủ các tiêu chí để được vay vốn hay không. Trước đây, khách hàng gặp một số khó khăn khi làm thủ tục vay vốn, chủ yếu là từ sự thiếu thống nhất trong xét duyệt hồ sơ chứng nhận tình trạng nhà ở giữa ngân hàng và chính quyền địa phương. Hiện nay, Chính phủ đã có những quy định cụ thể giải quyết những vướng mắc này, hồ sơ vay vốn cũng ít trở ngại, chỉ cần đáp ứng đủ các giấy tờ là có thể vay được.

Công ty BĐS Hoàng Anh Sài Gòn, một trong những DN đi đầu trong việc tiếp cận gói kích cầu 30 nghìn tỷ, hiện đã chào bán ra thị trường 600 căn hộ thuộc dự án Hưng Ngân Garden (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12). Toàn bộ số căn hộ này, khách hàng đều được vay gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, trong đó đã có hơn 500 hồ sơ được giải ngân. Công ty này còn tiếp tục chào bán ra thị trường dự án căn hộ Tanibuilding Sơn Kỳ 1 (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú), trong đó, phần lớn các căn hộ tại đây đều thỏa mãn điều kiện để vay gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ… Điều này cho thấy, những khó khăn trong việc tiếp cận gói tín dụng này đã dần được tháo gỡ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HOREA): Đến thời điểm hiện nay, chỉ mới có 2 doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh là công ty Hoàng Quân và công ty Thủ Thiêm được vay 658 tỷ đồng từ gói tín dụng ưu đãi trong tổng số 11 đơn vị xin vay là còn quá ít so với nhu cầu thực của các doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, gói tín dụng 30.000 tỷ chỉ mới giải ngân đạt khoảng hơn 14% là quá thấp, quá chậm so với kỳ vọng. Hiện nay,  Hiệp hội vẫn tiếp tục đề xuất Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2015, với hy vọng sẽ tạo hiệu ứng tích hơn cho thị trường BĐS.

Ông Lê Minh Khánh - Giám đốc kinh doanh, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long:

Việc mua nhà từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, ngoài xác nhận các vấn đề liên quan khách hàng, chủ đầu tư dự án và ngân hàng cần hợp tác để cho khách hàng vay vốn. Phía chủ đầu tư cần có kế hoạch phát triển sản phẩm rõ ràng, giao nhà đúng hẹn, sản phẩm tốt được kiểm chứng trên thị trường. Phía ngân hàng cho vay cũng cần phải là ngân hàng uy tín, giải quyết thủ tục nhanh chóng… Như vậy, khách hang sẽ dễ dàng hơn trong việc mua nhà từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh:

Mục tiêu của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là nhằm giải hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà ở. Nếu việc giải ngân nhanh hơn và đặc biệt là tập trung cho người mua nhà vay thì đã tạo được tác động rất lớn, rất hiệu quả cho thị trường. Tuy nhiên, đến nay kết quả giải ngân quá thấp, quá chậm và không đạt như kỳ vọng. Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hiện chỉ có thời hạn giải ngân đến hết ngày 1/6/2016, Hiệp hội hiện đã kiến nghị kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng đến năm 2018 nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ khi ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện sẽ cụ thể hóa chính sách tài chính hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, và người thu nhập thấp đô thị khi mua nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, theo tinh thần Nghị định 188 về phát triển nhà ở xã hội và Luật nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Tạo cơ hội tiếp cận gói vay và dự án

Các chuyên gia kinh tế nhận định, dù điều kiện để tiếp cận vốn vay từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã thông thoáng hơn trước, không còn ràng buộc là nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại, không còn phải khống chế về diện tích dưới 70m2, nhưng không phải dự án nào khách hàng cũng có thể tiếp cận gói vay này. Vấn đề này đòi hỏi các DN phải chủ động làm cầu nối giữa khách hàng với ngân hàng, coi việc hỗ trợ tài chính cho khách hàng là điều kiện tiên quyết để bán được sản phẩm, giúp khách hàng vay được tiền. Vì thực tế, người dân vẫn rất “lờ mờ” về thông tin cũng như cách tiếp cận gói tín dụng này.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, gói kích cầu 30.000 tỷ đồng của Chính phủ trong thời gian qua nghe rất “thơm”, nhưng “ăn” không được. Thực tế, DN khó khăn về vốn nhưng xây dựng nhà xong không bán được. Người muốn vay thì vay không được do không đủ điều kiện vay. Người có thu nhập đủ theo điều kiện vay thì không có nhu cầu mua nhà thu nhập thấp… Cứ như vậy, cả DN lẫn người thu nhập thấp, mặc dù đều có nhu cầu, nhưng vẫn không tiếp cận được. Muốn khơi thông nguồn vốn, kích thị trường bất động sản phát triển thì Chính phủ nên khoán cho từng địa phương để tự xem xét cân đối cho vay.

Thực tế, một trong những vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai giải ngân gói tín dụng hỗ trợ thị trường là từ khâu xác nhận tình trạng nhà ở hoặc thu nhập của người dân có nhu cầu vay vốn mua nhà. Đây là phần việc của địa phương, đòi hỏi mỗi địa phương cụ thể phải có những chính sách, cách làm hiệu quả để thông thoáng hơn quá trình giải ngân nguồn vốn này. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng: Hiện nay, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho các phòng công chứng để giải quyết cho người có nhu cầu công chứng nhà ở hình thành trong tương lai. Việc xác nhận thực trạng nhà ở đi vay trong gói 30 nghìn tỷ, UBND Thành phố đã chỉ đạo cho các quận, huyện, từ đó chỉ đạo các xã phường thực hiện việc này cho người dân. Các quận, huyện cần nhanh chóng tìm ra biện pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi cho khách hàng có đủ điều kiện vay vốn, hạn chế tình trạng vốn ngân hàng nằm chờ chỉ vì những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, giấy tờ.

Ông Minh chia sẻ thêm: Thực tế, việc giải ngân chậm còn có nguyên nhân là do người dân vẫn chưa nắm được đầy đủ thông tin về những điều kiện để vay vốn từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ. Vì rằng, đối tượng cho vay đã được mở rộng hơn. Chẳng hạn, người dân hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh nhưng chỉ có sổ KT3, không có tài sản thế chấp, nếu thuộc đối tượng của chương trình này theo quy định tại Thông tư 07, Thông tư 11 và Thông tư 32, thì người dân có thể vay tiền ngân hàng để mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp mà không cần tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp chính là căn nhà mà người dân sẽ vay để mua (tài sản hình thành trong tương lai). Tuy nhiên hiện nay người dân trên địa bàn thành phố không phải ai cũng nắm được những thông tin này. Vì vậy, các ngành chức năng, cần tuyên truyền một cách hiệu quả hơn đến với người dân.


L. Hiền – T. Quang