11:06 12/11/2014

Thêm chính sách phát triển nghề công tác xã hội - Bài 1

Đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) đã thực hiện được 4 năm, nhưng vẫn được coi là mới lạ. Nhiều người, trong đó có cả những người đang nắm cương vị quản lý, cũng chưa hiểu hoặc hiểu không đầy đủ về nghề này.

Đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) đã thực hiện được 4 năm, nhưng vẫn được coi là mới lạ. Nhiều người, trong đó có cả những người đang nắm cương vị quản lý, cũng chưa hiểu hoặc hiểu không đầy đủ về nghề này. Tiến độ triển khai Đề án 32 vẫn gặp không ít khó khăn do chưa được chú trọng về cơ chế và chính sách cho người làm nghề CTXH.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Có mặt tại cơ sở bán trú của Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em tàn tật, mồ côi Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi chứng kiến trên 200 trẻ em tàn tật tại đây được các thầy, cô giáo tận tình chăm sóc, dạy dỗ. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó cơ sở bán trú tại trung tâm, cho biết, tại đây có nhiều em đang theo học bị khuyết tật, mắc chứng tự kỷ… Bằng cả tình thương, tâm huyết và sự tận tâm với nghề mà các thầy, cô giáo đã luôn cố gắng giúp các em được học tập, phục hồi chức năng để có thể hòa nhập với cuộc sống như bao trẻ khác. “Ngoài giờ học văn hóa, trẻ còn được cho chơi những trò chơi tập thể, mang tính sáng tạo. Từ đó, giúp các em có khả năng nhận thức, giao tiếp, những kỹ năng hữu dụng trong sinh hoạt hàng ngày để có thể tự phục vụ bản thân...”, cô giáo Trần Thị Vy cho biết.

Những người làm nghề công tác xã hội đã góp phần giúp các em nhỏ tật nguyền hòa nhập xã hội.



Theo Tổ chức UNICEF tại Việt Nam, nghề CTXH đem đến những lợi ích vô cùng to lớn đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, khó hòa nhập cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, hiện dịch vụ CTXH ở Việt Nam chủ yếu được cung cấp dưới hình thức hỗ trợ tiền mặt, vật chất hoặc chăm sóc trong các trung tâm bảo trợ xã hội và thường mang tính dự án, không liên tục, độ bao phủ nhỏ. Theo đó, Đề án 32 ra đời sẽ khắc phục những hạn chế trên, một khi nó được triển khai rộng đều trên cả nước. Đây sẽ là bước tiến lớn trong chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó cơ sở bán trú, Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật, mô côi Thị Nghè:

Xây dựng khu vui chơi gắn với giáo dục Thực hiện Đề án 32 của Chính phủ, trung tâm đã xây dựng được mô hình khu vui chơi tăng vận động cho trẻ khuyết tật, một lớp giáo dục trị liệu và một lớp hướng nghiệp dạy nghề. Mục đích là để tăng cường giáo dục trị liệu cũng như nâng cao trách nhiệm chăm sóc giáo dục trẻ theo Đề án 32. Hướng tới, trung tâm sẽ phát triển khu vui chơi tăng vận động hơn nữa với diện tích khoảng 1.300 m2, đồng thời trang bị thêm các thiết bị đồ chơi để phục cho các đối tượng trẻ khuyết tật tại trung tâm và các trẻ xung quanh của TP đến vui chơi. Trong tương lai, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng một bể bơi để hỗ trợ việc giáo dục phục hồi chức năng cho trẻ.

Có thể thấy, sau khi triển khai Đề án 32 giai đoạn 2010 - 2020, đến nay, công tác đào tạo nghề CTXH đã được triển khai tại hơn 40 trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Bên cạnh đó, có trên 32 trung tâm CTXH cấp tỉnh mới được thành lập, nâng tổng số cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH lên khoảng 430 cơ sở với số cán bộ nhân viên đang làm việc gần 10.000 người. Theo ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đề án đang từng bước khẳng định vai trò và tầm quan trọng của nghề CTXH.

Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, địa phương có mật độ dân số cao, lại là trung tâm của khu vực nên nhu cầu nghề CTXH ở TP Hồ Chí Minh rất lớn. Hiện thành phố có khoảng 400.000 người cao tuổi, 44.352 người tàn tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng trên 130.000 hộ gia đình nghèo và khoảng trên 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước… Theo đó, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án 32, TP Hồ Chí Minh đã hình thành nên mạng lưới nhân viên làm CTXH phủ khắp thành phố. Đội ngũ nhân viên làm CTXH dần được củng cố và hoàn thiện đạt yêu cầu về chất lượng, gắn với sự phát triển hệ thống cơ sở, cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp.

Tuy nhiên, theo ông Lê Chu Giang, với số lượng đối tượng yếu thế trên địa bàn rất lớn nhưng đội ngũ làm CTXH hiện nay chỉ có trên 5.000 người với trên 90 cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chữa bệnh - giáo dục lao động xã hội và các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, có 30 cơ sở công lập, còn lại là các tổ chức xã hội và cá nhân thành lập. Do đó, để hội nhập sâu với thế giới, yêu cầu thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cũng đòi hỏi phát triển nghề CTXH một cách chuyên nghiệp.

Còn ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để giúp các em hòa nhập cộng đồng không phải dễ dàng chút nào. “Thực tế cho thấy, việc truyền đạt kỹ năng cho trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu các giáo viên, nhân viên CTXH thiếu những kỹ năng đặc biệt để hướng dẫn các em. Bên cạnh tình thương và trách nhiệm, các nhân viên CTXH còn phải luôn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Mặt khác, do đội ngũ nhân viên chính thức không nhiều nên các cơ sở trung tâm phải xây dựng đội ngũ cộng tác viên”, ông Trung nói.

Trong khi đó, theo phản ánh của các trung tâm bảo trợ ở các tỉnh, một số vấn đề về phụ cấp, những chính sách như ưu đãi nghề chưa có nên lực lượng cộng tác viên tham gia CTXH với tinh thần giúp đỡ là chính. “Do đối tượng của các cơ sở, trung tâm rất phức tạp, thậm chí là nguy hiểm như những người bị tâm thần, nghiện ma túy… nên những người làm cộng tác viên cũng gặp nguy hiểm khi tiếp xúc. Do đó, trung tâm rất cần sự quan tâm của lãnh đạo về cơ chế chính sách để làm cho mạng lưới cộng tác viên ngày càng mạnh hơn”, bà Huỳnh Thị Ngọc Báu, PGĐ Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH tỉnh Long An, chia sẻ.

Ông Võ Công Nhân, GĐ Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH tỉnh Bến Tre, cho biết: Trước tình hình các ban, ngành chưa ban hành cụ thể về các chính sách cho nhân viên CTXH ở các địa phương nên trung tâm sẽ sử dụng số công chức nhân viên xã hội, số các cán bộ là các ban, ngành, đoàn thể ở tại địa phương để tham gia CTXH. Điều đó có thể cán bộ CTXH không chuyên nhưng không còn giải pháp khác. Còn theo chị Mai Thị Hồng Xuân, Phụ trách phòng Nghiệp vụ của Trung tâm Cung cấp dịch vụ xã hội tỉnh Bến Tre, mặc dù làm CTXH chủ yếu ở cái tâm, nhưng để có được mạng lưới cộng tác viên, tỉnh Bến Tre đang cố gắng tìm kinh phí hỗ trợ các anh em cộng tác viên để họ có điều kiện cộng tác tốt hơn.

Nhiều trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH cũng cho biết, ngoài những khó khăn về “con người” thì cơ sở vật chất tại các trung tâm vẫn còn thiếu và yếu, không đáp ứng tốt trong việc chăm sóc các đối tượng đặc biệt. Đơn cử như tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Long An, y sĩ Bạch Văn Kiều, Phó trưởng phòng Y tế chăm sóc, cho biết: Đối tượng ở đây chủ yếu là bệnh nhân tâm thần. Thế nhưng, điều kiện trung tâm và trang thiết bị y tế hiện nay còn nhiều giới hạn. Bởi với những bệnh nhân kích động, thường phải có biện pháp là có giường cố định và phòng riêng biệt để cắt cơn nhưng trung tâm hiện nay vẫn chưa có, vì thế công tác chăm sóc bệnh nhân cá biệt gặp rất nhiều khó khăn.

Hải Yên

Bài cuối: Đầu tư đào tạo nhân lực chuyên nghiệp