11:15 10/11/2015

Thêm bằng chứng chỉ ra phòng bí mật ở hầm mộ Tutankhamun

Kết quả quét hồng ngoại bước đầu cho thấy hầm mộ của Pharaoh Tutankhamun có thể chứa căn phòng bí mật là nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti.


Khung cảnh bên trong hầm mộ của Pharaoh Tutankhamun, cho thấy hai bức tường có khả năng mở lối đến hai căn phòng bí mật.

Trong một tuyên bố của Bộ Cổ vật Ai Cập, một nhóm các nhà khoa học đã tìm ra những manh mối đầu tiên chỉ dẫn đến căn phòng bí mật bên trong hầm mộ của Pharaoh Tutankhamun bằng phương pháp ghi nhiệt độ bằng tia hồng ngoại trên bề mặt bức tường nghi vấn.

Theo Bộ trưởng Mamdouh al-Damaty, “phân tích đầu tiên chỉ ra sự hiện diện của một khu vực khác biệt về nhiệt độ trên bức tường phía bắc”. Lời giải thích khả dĩ cho việc này là có sự tồn tại của một khu vực mở đằng sau bức tường.

Phát hiện này phù hợp với giả thuyết được đưa ra trước đó của nhà khảo cổ học Nicholas Reeves về việc khu hầm mộ của vị Pharaoh vương triều thứ 18 khả năng có chứa 2 căn phòng bí mật. Cửa dẫn vào hai căn phòng này đã bị trát vữa và vẽ lên trên.

Theo nhà khảo cổ học Reeves, 2 cánh cửa này hai trong số nhiều manh mối chỉ đến việc khu hầm mộ ban đầu được xây dựng cho Nefertiti, vị nữ hoàng qua đời vào năm 1331 trước công nguyên. Bà là hoàng hậu của Pharaoh Akhenaten và Tutankhamun được cho là con của Akhenaten với một người vợ khác của ông.

Nếu giả thuyết của nhà khảo cổ học Reeves được chứng minh là đúng, đây sẽ đền đáp xứng đáng cho công cuộc tìm kiếm của ông. Nhà khoa học này đã dành tâm huyết tìm lăng mộ của Nữ hoàng Nefertiti từ ngày ông còn là giám đốc của dự án Những hầm mộ hoàng gia Amarna trong giai đoạn năm 1998 – 2002.

Trong một tuyên bố, ông từng nói: “Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng Nefertiti có thể được chôn cất đâu đó trong Thung lũng của các vị Vua. Sẽ tuyệt biết bao nếu tìm thấy hầm mộ của bà, bởi vì đây không chỉ là một nhân vật có vai trò rất quan trọng trong lịch sử, thời đại của bà còn là thời kì của nghệ thuật tráng lệ đỉnh cao”.

Trong bản nghiên cứu công bố gần đây của mình, ông Reeves cho rằng sau khi băng hà, Nữ hoàng Nefertiti được an táng rồi sau đó lối vào căn phòng chứa hài cốt của bà bị bịt lại và vẽ đè lên. Cũng theo nhà khảo cổ Reeves, có nhiều hình ảnh trong hầm mộ của Pharaoha Tutankhamun phản ánh những nhân vật có gương mặt sở hữu những đường nét ban đầu có liên quan đến việc mô phỏng hình ảnh của Nữ hoàng Nefertiti.

Ngoài ra, kích thước và quy hoạch của khu hầm mộ này cũng là một bằng chứng khác khiến các nhà khảo cổ học đặt ra nghi vấn. Chỉ với 4 căn phòng, hầm mộ của Tutankhamun nhỏ hơn tất cả các hầm mộ của các pharaoh khác. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục cuộc điều tra để đưa ra kết quả chính xác cuối cùng.

Anh Tiếu (Theo National Geographic)