07:09 23/07/2011

Thêm bạn

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa tiến hành chuyến công du ba ngày đến Ấn Độ (18-20/7), quốc gia có vị thế quan trọng ở châu Á. Trong chuyến đi này, bà Hillary đã dành cho Ấn Độ rất nhiều lời "có cánh" như “Ấn Độ có tiềm năng để định hình tương lai khu vực châu Á – Thái Bình Dương”...

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa tiến hành chuyến công du ba ngày đến Ấn Độ (18-20/7), quốc gia có vị thế quan trọng ở châu Á. Trong chuyến đi này, bà Hillary đã dành cho Ấn Độ rất nhiều lời "có cánh" như “Ấn Độ có tiềm năng để định hình tương lai khu vực châu Á – Thái Bình Dương” và “Ấn Độ cần nâng cao vai trò lãnh đạo ở châu Á”. Đó chính là sự mở đầu của Ngoại trưởng Mỹ trước khi đi thẳng vào vấn đề Mỹ cần gì ở Ấn Độ.

Đầu tiên chính là sự chia sẻ gánh nặng với Mỹ tại Nam Á, nơi mà Oasinhtơn đang phải đối mặt với thách thức đối ngoại lớn - cuộc chiến chống khủng bố tại Pakixtan và Ápganixtan. Chính vì mục đích này nên khi Ấn Độ quan ngại nguy cơ Nam Á rơi vào bất ổn do ảnh hưởng từ việc Mỹ rút quân, Ngoại trưởng Hillary đã ngay lập tức khẳng định “Mỹ sẽ không bỏ rơi Ápganixtan”.

Điều thứ hai là đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương thông qua việc hai nước ký Hiệp định sử dụng tối đa về quân sự. Về mặt văn bản, đây là thỏa thuận mở đường cho các tập đoàn vũ khí lớn của Mỹ bán khí tài hiện đại cho Ấn Độ và giúp các nhà thầu Mỹ giành được các hợp đồng độc quyền xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Còn về thực tế, không chỉ dừng lại ở lợi ích này, mục tiêu lớn hơn của Oasinhtơn là muốn có thêm một đồng minh có sức nặng ở châu Á.

Đối với bất đồng còn tồn tại giữa Mỹ - Ấn Độ là vấn đề khí thải nhà kính, Ngoại trưởng Mỹ tỏ ra khá mềm dẻo khi chỉ đưa ra lời kêu gọi Ấn Độ đi theo những biện pháp thân thiện hơn với môi trường và không đưa ra một áp lực nào buộc quốc gia đồng minh tiềm năng này phải thuận theo quan điểm của Mỹ.

Chuyến đi Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ được phương Tây đánh giá là thành công. Tuy nhiên, từ những “thành công” của bà Hillary, có thể thấy rằng thay vì luôn muốn tìm cách giữ vị trí “hàng đầu” trong các vấn đề quốc tế như trước kia, nước Mỹ đang thể hiện cách tiếp cận khác để “thêm bạn, bớt thù”, với hy vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng mà nước này đang phải chịu đựng.

Cẩm Tuyến