09:14 25/09/2014

Thế 'tiến thoái lưỡng nan' của Mỹ trong chiến dịch tiêu diệt IS ở Syria

Chiến dịch không kích mà Mỹ và đồng minh đang triển khai nhằm vào các tay súng IS ở Syria có thể khiến lực lượng này suy yếu. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh nên hành động nhanh chóng để đảm bảo rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad không có cơ hội lấp đầy khoảng trống do chiến dịch không kích tạo ra.

Sau khi liên minh chống IS được hình thành và chiến dịch không kích được khai hỏa, ngay lập tức Mỹ lâm vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan": Làm thế nào để phá hủy căn cứ địa của IS mà không tạo ra cơ hội thuận lợi cho quân chính phủ Syria ở dưới mặt đất lấp đầy khoảng trống?

Máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh Arập cuối cùng cũng đã xuất hiện trên bầu trời Syria trong nỗ lực "nhổ tận gốc" IS.


Theo nhận định của Viện Nghiên cứu An ninh-Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), chiến dịch không kích mà Mỹ và đồng minh đang triển khai nhằm vào các tay súng thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở bên trong lãnh thổ Syria có thể khiến lực lượng cực đoan có vũ trang này ngày càng suy yếu. Tuy nhiên, RUSI cho rằng, Mỹ và đồng minh nên hành động nhanh chóng nhằm đảm bảo rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad không có cơ hội lấp đầy những khoảng trống do chiến dịch không kích tạo ra.

Một năm trước, Mỹ đột ngột hủy kế hoạch tấn công Syria. Quyết định này đã gây thất vọng cho các phe phái đối lập vẫn đang tìm cách lật đổ ông Assad. Giờ đây, máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh Arập cuối cùng cũng đã xuất hiện trên bầu trời Syria trong nỗ lực "nhổ tận gốc" IS.

Như vậy, sau một năm, mục tiêu của chiến dịch không kích do Mỹ và đồng minh triển khai đã thay đổi: đó là IS chứ không phải lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad. Thành phố Raqqa ở miền Đông Syria được coi là "tổng hành dinh" của IS.

Câu hỏi đặt ra là liệu ông Assad có hoan nghênh chiến dịch không kích nhằm vào kẻ thù của Syria hay không? Chính quyền Syria sẽ được lợi gì khi Mỹ và đồng minh chỉ tiến hành không kích mà không đưa quân tham chiến trên bộ? Mục tiêu lâu dài của chiến dịch không kích này là gì?

Trước hết, thành phần tham gia chiến dịch ít nhiều cũng nói lên nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra một liên minh rộng lớn trong thế giới Arập. Thật sự ấn tượng khi thấy cả Bahrain, Jordan, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất đều trực tiếp có mặt hoặc gián tiếp hỗ trợ.

Sự vắng mặt của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - khiến nhiều người thất vọng. Tuy nhiên, Ankara có thể sẽ thay đổi ý định sau cuộc gặp giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề phiên thảo luận chung Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 ở New York. Từ trước tới nay, các nước Arập do dòng Hồi giáo Sunni nắm quyền hoặc chiếm đa số vẫn theo đuổi chính sách chống lại chế độ Assad và hậu thuẫn lực lượng nổi dậy Syria. Vì vậy, sự tham gia của họ trong chiến dịch không kích IS có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng được coi là một thành công về chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama.

Sau khi liên minh chống IS được hình thành và chiến dịch không kích được khai hỏa, ngay lập tức Mỹ lâm vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan": Làm thế nào để phá hủy căn cứ địa của IS mà không tạo ra cơ hội thuận lợi cho quân chính phủ Syria ở dưới mặt đất lấp đầy khoảng trống?

Tàu sân bay George H. Bush trên Vịnh Persique, nơi xuất kích các chiến đấu cơ tấn công mục tiêu IS tại Syria.


Câu chuyện về mục tiêu không kích tưởng chừng đơn giản lại khá phức tạp và nhạy cảm. Một số phe phái đối lập ở Syria sẽ phản đối việc Mỹ mở rộng mục tiêu không kích, không chỉ nhằm vào IS mà cả các nhóm khác như Khorasan, Jabhat al-Nusra...

Washington cáo buộc các nhóm này có dính líu đến mạng lưới al-Qaeda với âm mưu tấn công nước Mỹ. Trong trường hợp Mỹ tranh thủ tấn công các nhóm Hồi giáo cực đoan mà không phải là IS, thì liên minh với các nước Arập có nguy cơ tan vỡ.

Theo nhận định của giới chức Mỹ, Chính phủ Syria hiện không thể duy trì sức mạnh ở một số khu vực, đặc biệt là sau khi để mất căn cứ không quân al-Tabqa vào tay IS. Mỹ cũng tính toán rằng 5.000 quân nổi dậy Syria mà họ cam kết huấn luyện ở Saudi Arabia có thể lấp đầy khoảng trống, chứ không phải chính quyền Assad.

Tuy nhiên, phe đối lập Syria hiện nay quá yếu để có thể làm chủ chiến trường sau khi Mỹ và đồng minh tiến hành không kích. Vì thế, cơ hội sẽ được mở ra cho quân chính phủ Syria trong nỗ lực khôi phục quyền kiểm soát tại các khu vực từng rơi vào tay lực lượng nổi dậy. Mỹ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: hoặc làm ngơ, hoặc mở rộng chiến dịch không kích nhằm ngăn chặn quân chính phủ Syria chớp cơ hội.

Không đưa quân tham chiến trên bộ sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Mỹ và đồng minh. Vì vậy, họ có thể chỉ nhắm đến mục tiêu làm suy yếu IS, và đảm bảo rằng Syria không còn là căn cứ địa quan trọng, tạo bàn đạp cho IS triển khai hoạt động ở Iraq. Dường như, giới chức quân sự Mỹ quyết định không thực hiện những biện pháp nhằm phá hủy hệ thống phòng không của Syria trước khi khai hỏa chiến dịch chống IS.

Tuy nhiên, phát biểu với một số nhà báo Mỹ hồi tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định rằng, nếu Tổng thống Assad kháng cự, thì "ông sẵn sàng ra lệnh cho Không quân Mỹ xóa sổ hệ thống phòng không của Syria".

Theo ông Obama, "hành động như vậy chỉ dẫn đến một kết cục: ông Assad tự lật đổ chính mình". Phải chăng đã có thỏa thuận ngầm giữa ông Obama và ông Assad? Nếu "án binh bất động", ông Assad có thể sẽ trụ lại. Còn nếu ngược lại, chiến dịch không kích IS sẽ được mở rộng với nhiều mục tiêu mới. Đó là lý do tại sao Mỹ sẽ tính đến những phương án "tiên hạ thủ vi cường", tranh thủ hành động để nhanh chóng chiếm thế thượng phong trong chiến dịch không kích IS.


TTK