V-League: “Ngoại binh” cản lối “nội binh”?

Không có gì bất ngờ, thị trường chuyển nhượng giữa mùa giải V - League 2014 tiếp tục là đất diễn của các cầu thủ nước ngoài và cầu thủ nhập tịch. Nhờ thể hình và thể lực vượt trội, lực lượng ngoại binh là ưu tiên hàng đầu của các HLV cho mục tiêu riêng của mỗi CLB: Với đội bóng này là duy trì phong độ trong cuộc đua tới ngôi vô địch, với đội bóng khác là nhằm chạy trốn nguy cơ xuống hạng.


Ngoại binh là... lẽ sống


Cho tới thời điểm này, Thanh Hóa vẫn tạo nên một cuộc đua hấp dẫn ở nhóm đầu với “đại gia” Becamex Bình Dương và đương kim vô địch Hà Nội T&T. Để củng cố tham vọng giành chức vô địch lần đầu tiên trong lịch sử CLB, đội bóng xứ Thanh đã gây sốc khi tăng cường liền một lúc 4 ngoại binh trong giai đoạn chuyển nhượng giữa mùa (từ ngày 22/4 - 19/5). Trong số này, có 3 cầu thủ nhập tịch là Đinh Văn Ta, Hoàng Vissai (từ XM The Vissai Ninh Bình), Đặng Amaobi (tự do) và tiền đạo cao kều Slobodan Dincic tới từ Serbia.

 

Phần nhiều sức mạnh của Thanh Hóa đến từ các cầu thủ nhập tịch.


Về phần Hà Nội T&T, do đã sở hữu một đội hình chất lượng ngay từ vạch xuất phát của mùa giải, nên họ chỉ tập trung vào việc gia cố vị trí xung yếu: Trung tâm hàng phòng ngự. Và cũng không ngạc nhiên khi HLV Phan Thanh Hùng lựa chọn phương án ngoại binh: Daneil Cyrus mới đến thế chỗ Sami Gallagher. Với chiều cao 1,92 m và là tuyển thủ Trinidad & Tobago, Cyrus được mô tả là “mảnh ghép cuối cùng” trong chiến dịch bảo vệ danh hiệu vô địch của đội bóng Thủ đô.


Sự kiện XM The Vissai Ninh Bình bỏ giải cách đây hơn 1 tháng vì scandal cá độ đã gây ra những xáo trộn lớn tại V - League 2014. Ngoài việc làm thay đổi cả quy định về lên/xuống hạng của giải đấu, sự “tháo chạy” của các cầu thủ Ninh Bình khỏi “con tàu đắm”, còn làm kích cầu thị trường chuyển nhượng, đặc biệt liên quan đến các ngoại binh. Sau khi Thanh Hóa lấy Đinh Văn Ta và Hoàng Vissai, đến lượt Hùng Vương An Giang cũng “xâu xé” dàn ngoại binh của Ninh Bình, bằng cách chiêu mộ Patiyo Tambwe. Tiền đạo người Congo này được kỳ vọng là mũi nhọn giúp An Giang thoát khỏi đáy bảng xếp hạng, không phải đá play - off với đội xếp thứ 3 ở giải hạng Nhất để xác định suất thứ 14 (cuối cùng) tham dự V - League 2015.


Cũng ở tình thế chênh vênh như An Giang, Đồng Tâm Long An buộc phải gửi gắm số phận của mình vào các ngoại binh mới, trong đó có Sim Woon Sub, người từng được xem là “báu vật” của Ninh Bình. Tiền vệ người Hàn Quốc là 1 trong 3 ngoại binh vừa gia nhập Long An, bên cạnh Oseni Ganiyu Bolaji và Dzravko Dragicevic.


Một cầu thủ đáng chú ý nữa tháo chạy khỏi Ninh Bình là Voinea Petrisor. HLV Nguyễn Hữu Thắng của Sông Lam Nghệ An là một người rất khắt khe trong việc lựa chọn ngoại binh, nên có thể coi cầu thủ người Romania là một niềm hy vọng của đội bóng xứ Nghệ ở giai đoạn cuối mùa giải, bổ khuyết cho hàng công của SLNA - vốn đã mất đi Nguyễn Trọng Hoàng về tay Bình Dương hồi đầu mùa.


Lo cho lứa trẻ


Nhiều đội bóng khác cũng chọn cách tuyển mộ ngoại binh, nhằm tăng cường sức mạnh cho giai đoạn nước rút của mùa giải. Đó là trường hợp của SHB Đà Nẵng, với sự xuất hiện của cặp tân binh Zbrun Matias Jose - Bernado Mariano Jhonatan. Đó là QNK Quảng Nam, với sự gia nhập cựu Vua phá lưới V - League Almeida và trung vệ Alex...

Thanh Hóa hiện có thể tung ra sân cùng lúc 8 ngoại binh, mà vẫn “né” được quy định hạn chế cầu thủ ngoại của các nhà tổ chức giải, vì thực tế là Thanh Hóa đang sở hữu tới 5 cầu thủ nhập tịch. Giải chỉ hạn chế số lượng cầu thủ ngoại ra sân cùng thời điểm ở mỗi trận đấu (tối đa 3 cầu thủ), chứ cầu thủ nhập tịch thì... vô tư.


Xu hướng mua sắm cho thấy, phần lớn các đội bóng V - League đều đang chờ đợi vào sự khác biệt tới từ ngoại binh. Nhìn khắp sân chơi V - League, đội nào cũng đang sở hữu ngoại binh ở những vị trí quan trọng trên sân, nhất là ở vị trí trung vệ và tiền đạo. Cách làm bóng đá thực dụng kiểu doanh nghiệp đó đang tiếp tục hủy hoại cơ hội phát triển của cầu thủ trẻ Việt Nam.


Chẳng đâu xa, những chân sút tốt nhất của U23 Việt Nam tại SEA Games 27 vừa qua đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội khẳng định tại CLB. Theo đó, ngay cả khi SHB Đà Nẵng vừa thanh lý hợp đồng với “sát thủ” Gaston Merlo, thì Hà Minh Tuấn vẫn tiếp tục phải mài đũng quần trên ghế dự bị, trước sự cạnh tranh của các tân binh là Bernado và Zbrun. Về phần mình, Mạc Hồng Quân đã phải rời Thanh Hóa, vì không thể so được với “tòa tháp” Dincic cao tới 1,96 m...


Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đã phải thừa nhận sau khi kết thúc lượt đi V - League 2014, rằng giải đấu đang rất hiếm tài năng mới, trẻ trung và hứa hẹn. Việc phát hiện tài năng trẻ còn khó khăn hơn gấp bội ở giải hạng Nhất. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển tài năng trẻ, ảnh hưởng tới chất lượng của các đội tuyển quốc gia. Nhưng trớ trêu thay, VPF vẫn đang mở cửa cho xu thế sử dụng ngoại binh, đặc biệt là cầu thủ nhập tịch.


Chỉ còn 1 năm nữa là tới SEA Games 28 - Singapore 2015, số phận của lứa cầu thủ U23 Việt Nam tiếp theo đang phụ thuộc nhiều vào những quyết sách kịp thời của lãnh đạo VPF, cũng như của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.


Bài và ảnh: Song Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN