Vẫn là người Thái

Một lần nữa đội tuyển Việt Nam đã không thể vượt qua Thái Lan, đành phải ôm hận và chấp nhận trắng tay trước đối thủ cả lượt đi lượt về tại vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á.


Bình tĩnh nhìn nhận, đội tuyển của chúng ta thất bại trước người Thái, chỉ làm nhiều người buồn chứ ít nuối tiếc, bởi các cầu thủ xứ chùa Vàng có nền tảng thể lực, kỹ thuật cá nhân, tư duy chiến thuật hơn các cầu thủ của chúng ta rất nhiều. (Xem tiếp trang 2)

Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan (không chỉ ở vòng loại World Cup 2018 đang diễn ra), nhưng có một nguyên nhân hết sức cơ bản là bóng đá Việt Nam chưa có một nền tảng vững chắc. Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, một lãnh đạo của Tổng cục Thể dục Thể thao nói đại ý: Chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt. Chúng ta mới chỉ chú trọng tới các yếu tố tiền thưởng, lên giây cót tinh thần cầu thủ, sự lạc quan đám đông; mà quên tập trung vào một chiến lược đầu tư bài bản, hợp lý; sự tương tác, hiến kế của nhiều thành phần trong xã hội. Thế nên, việc đội tuyển của chúng ta thua Thái Lan cũng là kết cục hợp lý... Còn lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng thừa nhận rằng, ai cũng biết phải làm lại từ nền tảng để đội tuyển mạnh và nền bóng đá phát triển, nhưng không thể đốt cháy giai đoạn và không phải cứ đổ tiền vào là chúng ta có tất cả.

Cũng cần phải nhắc lại, bóng đá Việt Nam đã từng nhiều lần đối đầu với Thái Lan ở trận chung kết tại các giải đấu khu vực Đông Nam Á. Nhưng thực tế, so với đội bóng xứ chùa Vàng , chúng ta còn thua xa về đẳng cấp. Vẫn biết, không thể nóng vội khi đưa ra những cải tổ nhằm giúp bóng đá Việt Nam rút ngắn khoảng cách về trình độ với các nền bóng đá mạnh ở châu lục và thế giới. Nhưng việc chúng ta có thể làm và cần phải làm, đó là chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo các cầu thủ trẻ. Muốn làm được điều này, VFF và các câu lạc bộ không thể mãi tính chuyện ăn sổi, mà cần có chiến lược đào tạo bài bản cũng như thường xuyên tổ chức các giải đấu ở nhiều lứa tuổi để có cơ hội tìm kiếm nhân tài.

Theo dõi các giải bóng đá hàng đầu thế giới, họ thường có các giải đấu giàu tính cạnh tranh từ hệ thống các CLB. Điển hình như Nhật Bản, có rất nhiều giải đấu gồm: U15, U16, U17, U18, U19, U20, U23 và đội tuyển quốc gia. Với Thái Lan, họ có các tuyến từ 10-12 tuổi cho đến đội tuyển quốc gia được đào tạo rất bài bản và chuyên nghiệp. Trong khi đó, với bóng đá Việt Nam, ngoài giải đấu V.League, các giải đấu khác chưa được chú trọng. Đã vậy, V.League thì èo uột, mất dần sinh khí, nhiều trận đấu thật thật, giả giả khiến khán giả ngày càng mất lòng tin. Các CLB thì trong tình cảnh “ăn đong”, chật vật đi tìm nhà tài trợ. Thậm chí có CLB còn không biết mình liệu có còn tồn tại đến mùa sau. Không có nhiều câu lạc mạnh, cầu thủ xuất sắc, ổn định về phong độ, thì làm sao có được một đội tuyển mạnh. Trong bối cảnh như vậy, thì huấn luyện viên ngoại giỏi cỡ nào sang Việt Nam cũng đành bó tay mà thôi.

Vấp ngã thì phải đứng dậy! Vấn đề đặt ra cho bóng đá Việt Nam là phải làm gì để thực hiện những mục tiêu lớn trong tương lai? Còn rất nhiều việc phải làm trước khi tính tới việc có mặt ở các giải đấu lớn trong tương lai. Theo quan điểm của nhiều người, đội tuyển Việt Nam thất bại trước Thái Lan cũng không hoàn toàn là bức tranh màu xám. Mà đó là sự cảnh tỉnh cần thiết để những người làm bóng đá nước nhà dũng cảm nhìn vào sự thật, thay cho vẻ hào nhoáng của danh hiệu.
Yến Nhi
Đội tuyển Việt Nam vẫn chưa dứt "duyên nợ" với Thái Lan
Đội tuyển Việt Nam vẫn chưa dứt "duyên nợ" với Thái Lan

Tối 13/10, trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đã diễn ra trận đấu bóng đá giữa Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển Thái Lan. Đây là trận đấu thuộc lượt thứ 4 của bảng F nằm trong khuôn khổ Vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN