U23 Việt Nam sau SEA Games 26: Phải chăng là ảo tưởng?!

Từng được coi là ƯCV cho chức vô địch nhưng U23 Việt Nam đã phải rời Inđônêxia với nỗi thất vọng tràn trề. Giới chuyên môn và dư luận đánh giá, vị trí thứ 4 phản ánh đúng thực lực của thầy trò HLV Falko Goetz, thậm chí là có phần may mắn. Vậy phải chăng những người quản lý và cả dư luận đã ảo tưởng khi mong mỏi việc U23 Việt Nam giành chức vô địch?!

Thứ 4 là phải!

Nhìn cái cách Thành Lương và đồng đội chơi lăn xả trong trận bán kết gặp Inđônêxia hẳn không mấy ai có thể trách đội bóng của chúng ta. Bởi dẫu gì họ cũng đã đá hết mình. Chỉ có điều, non kinh nghiệm, yếu lực lượng và tư duy chiến thuật kém nên U23 Việt Nam đã thua toàn diện. Có chăng là tỷ số thua 1-4 trước Mianma ở trận tranh HCĐ thì khiến nhiều người bất ngờ. Như chính HLV Falko Goetz nói, đây là trận thảm bại nhất của U23 Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây trước Mianma. Có lẽ đã lâu rồi mới có đối thủ ghi đến 4 bàn vào lưới đội tuyển của chúng ta.

U23 Việt Nam (phải) luôn hụt hơi trong những pha tranh chấp tay đôi.
Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN


HLV Falko Goetz dường như chưa có đủ thời gian để hiểu các học trò, chưa thể hiểu thực trạng bóng đá trẻ ở Việt Nam. Ông thầy này càng không thể hiểu bóng đá khu vực. Chính vì vậy, HLV Falko Goetz dường như “điếc không sợ súng”. Đình Tùng vẫn chưa được sử dụng tối đa kinh nghiệm của chân sút hàng đầu V-League. Trọng Hoàng vẫn còn ở xa so với phong độ của anh trong màu áo SLNA. Thành Lương vẫn chưa thường xuyên dạt vào trong để làm nhiệm vụ chuyền bóng. Và một nền thể lực chưa ai biết là đã được tích lũy nhiều như thế nào. Cách của HLV Falko Goetz tiếp tục nhồi thể lực và xáo tung đội hình suốt vòng đấu bảng cũng phần nào cho thấy sự lúng túng.

Cho đến lúc này, hẳn vị HLV này hiểu rằng điểm yếu của U23 Việt Nam bộc lộ là thể lực, kinh nghiệm va chạm, thể hình. Mà điều này không thể khắc phục chỉ bằng một vài đợt tập trung. Không thực sự hiểu các học trò nên HLV Falko Goetz cùng chưa đưa ra được sự chỉ đạo nào sắc sảo. Lối chơi của U23 Việt Nam quá đơn giản. Chính vì vậy, chỉ 1-2 trận là đã bị đối thủ bắt bài. Trong khi đó, khả năng dứt điểm của các tiền đạo lại yếu kém hơn bao giờ hết. Trong một cái mớ “bùng nhùng”, dường như HLV Falko Goetz đang chẳng biết điều chỉnh nó như thế nào. Nếu nghĩ theo cách đó, việc giành vị trí thứ 4 cũng là may mắn!

Thêm cơ hội cho các cầu thủ trẻ

Một đội bóng không thể vô địch nếu chỉ có một điểm sáng như Thành Lương. Ngay cả trung vệ kỳ cựu Long Giang cũng để dính thẻ đỏ ở một trận vô thưởng vô phạt đã cho thấy kinh nghiệm thi đấu non kém. Ngoài Văn Quyết, Thành Lương, Trọng Hoàng hay Đình Tùng là vị trí ở giải chuyên nghiệp được đá chính thức, cơ bản còn lại là dự bị ở các đấu trường quốc nội. Lực lượng của U23 Việt Nam mang đến SEA Games 26 có quá nhiều cầu thủ trẻ tuổi. Người hâm mộ còn quá lạ lẫm bởi nhiều cái tên chưa hề xuất hiện ở V-League, hoặc thường ngồi ở ghế dự bị. Thậm chí, có cầu thủ còn đá giải U21. Nếu đem so với các kỳ SEA Games trước, lực lượng mỏng, năng lực chuyên môn không được bằng. Kinh nghiệm thi đấu quốc tế của các cầu thủ không nhiều và rất thất thường. Khi cần thể hiện bản lĩnh, sự tỉnh táo thì lại bộc lộ sự hớ hênh khiến dẫn đến những kết cục bất lợi. Điều này được thể hiện ở những pha vào bóng rất thô bạo ở trận gặp U23 Inđônêxia. Hoặc chỉ khi U23 Lào, U23 Mianma đẩy nhanh nhịp độ trận đấu, những đường chuyền đã gần như không còn chính xác. Phần lớn các tuyển thủ đều nhanh chóng hụt hơi do thiếu tính kết dính. Qua đó chứng tỏ sự bấp bênh, non kém về chuyên môn. Việc chuẩn bị, tập huấn vài tháng trước giải là không đủ để khắc phục những yếu kém mang tính căn bản.

Thực trạng này đã đặt ra vấn đề đào tạo cầu thủ trẻ ở các CLB trong nước còn đang bị xem nhẹ. Hoặc cách thức sử dụng cầu thủ trẻ chưa được quan tâm. Do tính cạnh tranh quá lớn nên không chỉ ở V-League, ngay cả giải hạng nhất cầu thủ trẻ cũng ít có cơ hội ra sân, phải nhường chỗ cho các cầu thủ ngoài hoặc những tên tuổi lớn. Hạn chế này có một phần trách nhiệm của những người quản lý bóng đá khi chưa ý thức hết được những tác động lâu dài của việc phát triển tự phát. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng giải hạng nhất không cho đăng ký cầu thủ ngoại, cầu thủ nội cũng cần giới hạn độ tuổi. Hoặc chí ít thì cũng cần có quy định về tỷ lệ cầu thủ dưới 23 tuổi có mặt trong mỗi trận đấu. Chỉ như vậy mới có thể tạo môi trường để các cầu thủ trẻ có cơ hội tích lũy kinh nghiệm và nhanh chóng trưởng thành hơn.

Thanh Lâm
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN