Trên từng cây số với EURO

Nhằm cung cấp cho khán giả, độc giả những thông tin "mắt thấy, tai nghe" xung quanh Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2012, hai nhóm phóng viên TTXVN được biệt phái chia thành hai mũi sang tác nghiệp tại Ba Lan và Ucraina, với sự hỗ trợ của những "thổ công" là phóng viên thường trú tại Mátxcơva đi theo nhóm Ucraina và tôi (Văn Long- Trưởng Phân xã TTXVN tại Đức- TT) đang "nằm vùng" tại Béclin được điều sang Ba Lan để tác chiến cùng với hai đồng nghiệp là phóng viên truyền hình và phóng viên tin từ trong nước sang.


Đã từng rong ruổi "trên từng cây số" tới 10 địa điểm tổ chức World Cup cách đây 6 năm tại Đức để đưa tin, viết bài, nên tôi hiểu được rằng đây là một dịp may tác nghiệp hiếm có, rất thú vị, nhưng cũng rất vất vả.

Phóng viên TTXVN tác nghiệp ở trung tâm Krakow.


Mặc dù đã hoạt động nhiều năm tại địa bàn Đức và đã tới nhiều nước châu Âu khác, nhưng cảm giác lần đầu tiên đi sang Ba Lan, nước láng giềng phía Đông của Đức bằng ô tô cũng là lạ, nhất là khi đi qua chiếc cầu biên giới bắc qua sông Oder, lúc nhìn thấy biểu tượng EU và dòng chữ "Cộng hòa Ba Lan" thì biết mình đã qua biên giới sang nước bạn. Ngoài ra, không hề có kiểm soát giấy tờ, hành lý, vì Ba Lan cũng đã gia nhập Hiệp định Schengen.


Cho tới nay, Đức mới thu lệ phí đường xa lộ đối với xe tải, nhưng nhiều nước châu Âu khác đã thu lệ phí đối với các loại xe và cách thu mỗi nước cũng rất khác nhau: Tại Cộng hòa Séc, người ta phải chủ động rẽ vào các trạm, mua tem "lệ phí xa lộ" cho khoảng thời gian tối thiểu là 10 ngày để dán lên cửa kính xe ô tô, nếu không có thể bị cảnh sát giao thông kiểm tra và phạt. Trong khi đó tại Ba Lan, chặng đường từ biên giới Đức với Vácxava chưa phải hoàn toàn là đường xa lộ, nhưng đoạn đường xa lộ tới Poznan, ở khoảng giữa Béclin và Vácxava, người ta đã phải trả lệ phí cho mấy chặng với cách trả cũng khác nhau: Lúc thì bấm máy tự động lấy vé và hết chặng thì đưa nhân viên thu ngân để tính tiền nộp, chặng khác thì cứ thế nộp tiền theo quy định của từng chặng.

Tác giả (áo sẫm màu) cùng hai Giáo sư Thành và Hùng trước nhà hàng Hà Nội ở Wroclaw.


Mặc dù chặng đường từ Béclin đi Vácxava chưa đầy 600 km, nhưng thời gian đi cũng khá lâu, vì mới khoảng một nửa được "xa lộ hóa", trong khi nhiều đoạn mới được xây dựng hoặc đang tiếp tục được xây dựng nên "Dì Navi", cách gọi đùa ở Đức đối với máy định vị, chỉ đường theo hệ thống GPS, không xác định được đường đi và chỉ lung tung, làm chúng tôi cũng bị lạc mất một đoạn. Không chỉ trên đường đi, vào tới Vácxava, nhiều con đường cũng bị chặn lại để xây dựng, kể cả khi EURO đã khai mạc cho thấy công việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn như EURO chẳng dễ dàng chút nào, nhất là khi nhiều nước châu Âu đang lâm vào khủng hoảng.


Mặc dù trước đó còn im lìm, nhưng tới ngày khai mạc EURO, không khí Vácxava sôi động hẳn lên với màu cờ, sắc áo Đỏ - Trắng tràn ngập khắp nơi. Đặc biệt, sau khi rời Vácxava, qua Poznan, chúng tôi tới Wroclaw, thành phố lớn thứ tư Ba Lan, đúng vào ngày mà đội bóng Ba Lan đứng trước trận đấu "định mệnh" với nước láng giềng Séc. Cả thành phố như đang lên cơn sốt EURO với hàng đoàn người từ khắp nơi kéo về, mang theo cờ, khăn áo, vừa đi vừa hô: "Polska! Polska!" (Ba Lan! Ba Lan!). Chúng tôi nhận ra một điều thú vị là mặc dù cổ động viên Séc cũng sang rất đông để ủng hộ đội nhà, nhưng cổ động viên của hai đội đối xử với nhau khá thân thiện, không hề tỏ ra hiềm khích hoặc thù địch với nhau như đối với cổ động viên Nga mấy ngày trước đó. Thậm chí tại quán Hà Nội, một quán ăn của người Việt nằm trên đường từ trung tâm thành phố tới sân vận động, chúng tôi còn bắt gặp một nhóm cổ động viên Séc và Ba Lan ngồi cùng và mời nhau uống bia.


Quan sát các chuyến tàu điện chở người theo hướng sân vận động trước khi trận đấu diễn ra, chúng tôi nhìn thấy các toa tàu cũng bị nhún nhảy theo điệu nhảy của các cổ động viên chật ních trong toa.


Nhưng sau khi đội chủ nhà Ba Lan thất bại trước đội tuyển Séc và bị loại khỏi giải, không khí cả thành phố như chùng xuống, các cổ động viên ra về vẻ mặt buồn thiu.


Hôm sau, chúng tôi lại lên đường đi Krakow, cố đô của Ba Lan. Mặc dù không có trận đấu nào được tổ chức ở Krakow, nhưng nhiều đội đã chọn Krakow làm đại bản doanh trong thời gian diễn ra EURO. Krakow là một thành phố đẹp với con sông Wisla uốn khúc ngay bên cạnh đồi Wawel, bên trên là lâu đài của nhà vua xưa kia được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gotik. Theo truyền thuyết, một hoàng tử can đảm đã từng tiêu diệt một con rồng hung ác, trừ hại cho dân và sau đó xây dựng ngay trên hàng rồng một tòa lâu đài còn tồn tại cho tới ngày nay. Krakow cũng nổi tiếng là một trung tâm giao thương trên "Con đường hổ phách" năm xưa giữa biển Ban Tích và Địa Trung Hải.


Chúng tôi dự kiến sẽ về lại Vácxava và đi tiếp lên Gdanck, thành phố cảng bên bờ Ban Tích, nơi sẽ diễn ra trận đấu vòng tứ kết giữa Đức và Đan Mạch, cũng như trận đấu ở vòng bán kết.


Nhưng có một điều không thể không nhắc tới là cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Hiện nay, có khoảng 40.000 người Việt tại Ba Lan, trong đó phần đông đã có cuộc sống ổn định, nhiều người có cuộc sống sung túc, thành đạt. Chúng tôi đã may mắn có dịp gặp gỡ hai nhà khoa học Việt Nam là những người được Tổng thống Ba Lan đích thân trao quyết định phong hàm giáo sư là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Thành, hiện là Giáo sư trường Đại học Công nghệ Wrocslaw, Giáo sư Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Giáo sư Tiến sĩ Trần Vình Hùng, Giáo sư Viện Nhiệt độ thấp, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Tại Vácxava, chúng tôi đặt "Đại bản doanh" tại nhà anh Nguyễn Thường Kiệt, một doanh nhân thành đạt, để từ đó có thể yên tâm tỏa đi các nơi quay video, chụp ảnh, làm tin, viết bài. Vợ chồng anh Kiệt cũng như nhiều sinh viên, doanh nhân mà chúng tôi gặp khác đều rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong việc cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho chúng tôi tác nghiệp được thuận lợi. Thế mới biết, tình đồng hương ở những nơi xa xứ thật đáng quý và đáng trân trọng.

Văn Long – Đặc phái viên TTXVN tại Ba Lan

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN