Thêm một cách tiếp cận bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam

Nhân dịp Tết cổ truyền Nhâm Thìn 2012 và tiến tới kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2012), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Rồng trên cổ vật” nhằm giới thiệu tới khách tham quan trong và ngoài nước một cách tiếp cận mới về bản sắc văn hóa của dân tộc, để du khách hiểu rõ hơn về hình tượng rồng trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam.

“Rồng trên cổ vật”

Theo TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hơn 60 hiện vật có trang trí hình rồng được lựa chọn trong trưng bày lần này có niên đại từ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn (khoảng thế kỉ VII trước công nguyên) đến thế kỉ I, II sau công nguyên, qua thời kỳ đỉnh cao - rồng thời Lý - cho đến đầu thế kỷ XX, với các chất liệu đa dạng, theo đặc trưng của từng thời kỳ như đá, gốm, đất nung, đồng, vàng, bạc, giấy.

Ấn Khảm văn chi tỷ khắc hình rồng.


Trên mỗi hiện vật, chủ đề “Rồng” được khai thác theo một phương thức khác nhau, tạo nên một không gian văn hóa đa chiều. Và con rồng trong các hiện vật không chỉ là sản phẩm vật chất được tạo nên bởi bàn tay nghệ nhân, mà còn chứa đựng quyền uy, sức mạnh của những triều đại phong kiến Việt Nam.

Rồng trong Văn hóa Đông Sơn được thể hiện trên chất liệu đồng, gồm mũi giáo niên đại cách nay 2500 – 2000 năm (trước CN) và rìu, gương và bích (bùa đeo) trang trí các con vật linh được tìm thấy ở Nghi Vệ, Bắc Ninh, có niên đại thế kỷ II-III.

Họa tiết rồng thời Lý có đặc trưng mình trơn, thân uốn cong nhiều vòng uyển chuyển, mềm mại và nhỏ dần về phía đuôi. Hình tượng rồng Việt Nam thời kỳ này tượng trưng cho quyền uy tối thượng của các đấng Thiên tử, là linh vật của vua chúa nên gắn với đời sống hoàng tộc. Nhiều họa tiết rồng được sử dụng trang trí trong các công trình kiến trúc bằng đất nung hay gốm men như gạch xây tháp, rồng trang trí trên đô cửa bằng đá niên đại năm 1057, lấy từ chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh)...

Xuất hiện không nhiều, nhưng hiện vật thời Lê-Trần lại mang đặc trưng riêng, uy nghi đường bệ, khắc trên quai võng, hoặc trên các hiện vật trang trí trên bàn đạp yên ngựa với chất liệu đồng, hoặc rồng trang trí trong công trình kiến trúc với chất liệu đá...

Hiện vật thời Nguyễn xuất hiện số lượng đông đảo và nhiều chất liệu khác nhau từ vàng, bạc, đồng, gốm đến giấy (sắc phong thần), nhưng nhiều nhất vẫn là chất liệu vàng dùng chế tác ấm, hộp đựng trầu, tượng rồng, sách bằng vàng... Trong số hiện vật vàng, nổi bật có ấn Khảm văn chi tỷ và ấn Sắc mệnh chi bảo (năm Minh Mệnh thứ 8).

Đặc biệt, trưng bày “Rồng trên cổ vật” lần này còn giới thiệu với người xem hình tượng rồng trong văn hóa Chămpa (thế kỷ XVII – XVIII) qua vương miện bằng vàng của hoàng hậu và đầu võng bằng đồng...

Rồng - biểu tượng linh thiêng của người Việt

Rồng vốn là biểu tượng linh thiêng và quyền lực, song lại rất gần gũi với đời sống con người. Rồng cũng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “con rồng cháu tiên” của người Việt. Rồng còn tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (bệ rồng, mình rồng). Hình tượng rồng Việt Nam được định hình cùng với quá trình hình thành nhà nước sơ khai. Dưới thời Hùng Vương với đặc thù cư dân nông nghiệp ven các con sông lớn, “rồng” được hình dung qua con vật thân dài có vẩy như cá sấu còn gọi là “giao long”.

Từ thế kỷ I đến thế kỷ X, hình tượng rồng được thể hiện mềm mại, thể hiện yếu tố nước gắn với văn hóa nông nghiệp, nên rồng thân bò sát phù hợp để diễn tả độ mềm mại, tính chất lượn sóng của nước hoặc hình tượng rồng được chuyển thành thân thú như hổ, sói... để đề cao uy quyền của giai cấp thống trị. Bước sang thời kỳ quân chủ, rồng tượng trưng cho quyền uy tối thượng của các đấng Thiên tử, là linh vật biểu trưng của vua chúa nên hình tượng rồng gắn chặt với đời sống hoàng tộc. Thời Lý, hình ảnh "rồng bay lên" - Thăng Long còn được đặt tên cho đất đế đô, tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc. Rồng thời Lý với mình trơn, thân uốn cong nhiều vòng uyển chuyển, mềm mại và nhỏ dần về phía đuôi. Rồng thời Trần uy nghi đường bệ, xuất hiện cặp sừng và đôi tay. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy với thân rồng lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Trịnh - Nguyễn được nhân cách hóa, đưa vào đời thường như hình rồng mẹ cùng bầy rồng con quây quần; rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi. Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng; khi ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ Thọ, rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ Thọ...

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, hình tượng rồng đã được hình thành, biến đổi và in dấu đậm nét trên các hiện vật lịch sử mà các nhà khoa học đã nghiên cứu phát hiện, sưu tầm, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Với trưng bày “Rồng trên cổ vật” trong năm Rồng, khách tham quan sẽ có thêm một cách tiếp cận bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Phương Lan

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN