Thể thao Việt Nam 2012:Chia tay những tượng đài

Họ là những người đã đóng góp nhiều chiến tích vẻ vang cho thể thao nước nhà. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau mà nói lời chia tay với các đội tuyển quốc gia. Dù vậy, tất cả họ vẫn mãi được xem là tượng đài của thể thao Việt Nam.

Lời chia tay cảm động

Đã 2 kỳ SEA Games liên tiếp, Nguyễn Đình Cương không có đối thủ ở đường chạy 800 m, 1.500 m. SEA Games 26 kết thúc chỉ với tấm HCĐ, nhưng đó cũng là món quà đầy ý nghĩa của chân chạy quê Ninh Bình, trước khi chính thức nói lời chia tay sự nghiệp quốc tế.

VĐV Nguyễn Đình Cương chia tay bằng một hành động đẹp.


Nhiều người không biết chuyện, đã trách Cương thi đấu không đúng sức mình tại SEA Games 26, để chỉ nhận tấm HCĐ an ủi. Thế nhưng, ít ai biết trước SEA Games, Cương đã gặp chấn thương. Cũng ít ai biết, Cương không đặt nặng mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch, mà chạy chiến thuật cho đàn em Dương Văn Thái, người sau đó đã giành tấm HCV thay Cương ở đường chạy 800 m.

Hành động đó thể hiện tinh thần đồng đội, tinh thần “thượng võ” trong thể thao. Cho nên dù Nguyễn Đình Cương không bảo vệ được ngôi vô địch của mình, thì trong lòng người hâm mộ thể thao cả nước, Nguyễn Đình Cương xứng đáng được nhận tấm HCV cho lòng cao thượng. Tấm HCĐ Cương giành được, cũng ý nghĩa chẳng kém gì tấm HCV.

Đã 31 tuổi, Cương cũng hướng cho mình một con đường khác khi chia tay đội tuyển quốc gia. Cương sẽ tập trung học nốt khoa điền kinh tại Trường ĐH TDTT Đà Nẵng. Dù vậy, Cương cho biết, anh sẽ chạy cho tỉnh Ninh Bình đến hết năm 2014 mới nghỉ hẳn nghiệp VĐV, trước khi cầm tấm bằng HLV trong tay.

24 tuổi mới bước vào giảng đường

Kình ngư Nguyễn Hữu Việt khoe: “Giờ tôi đã là sinh viên rồi nhé!”. Cái câu này nghe lạ mà quen. 6 năm trước, với tấm HCV SEA Games đầu tiên, Hữu Việt cũng được đặc cách vào Trường ĐH TDTT. Thế nhưng guồng quay của những chuyến tập huấn xa nhà và trên hết là trách nhiệm với quốc gia, buộc anh phải gác lại niềm mơ ước giảng đường. Giờ thì niềm mơ ước đó đã thành sự thật, dù hơi muộn so với bạn bè cùng trang lứa như người đồng đội Đỗ Huy Long.

Vẫn biết đã chọn nghiệp thể thao là phải chấp nhận hy sinh, thế nhưng có những hy sinh rất thầm lặng chỉ có những VĐV mới hiểu được. Gần chục năm ở trên tuyển là ngần ấy thời gian phải xa gia đình. Có những năm tập huấn ở Trung Quốc, Hữu Việt chỉ về nước tham dự giải VĐQG rồi lại trở lại. Việc thăm gia đình vì thế cũng trở nên xa xỉ, chứ nói gì đến chuyện tình cảm nam nữ. Ngay cả dịp Tết, khi bạn bè được ở bên gia đình người thân, thì Hữu Việt và các đồng đội phải xuống nước tập luyện ngay từ ngày mùng 1. Hữu Việt đã mang lại rất nhiều chiến tích cho bơi lội nước nhà. Anh là kình ngư đầu tiên giành HCV tại đấu trường khu vực và từng lọt vào top 6 VĐV hàng đầu châu Á. Hữu Việt cũng là kình ngư đầu tiên giành HCV ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp. Thành công của Hữu Việt đã đặt viên gạch đầu tiên cho bơi lội nước nhà. Giờ thì anh có thể yên tâm giải nghệ, khi đã có đàn em Hoàng Quý Phước gánh vác trọng trách.

Làng súng vắng “lão” xạ thủ

Hơn 30 năm cầm súng, giành hơn 200 tấm HCV các loại, anh sở hữu một bảng thành tích mà còn lâu mới có xạ thủ Việt Nam nào đuổi kịp. Dù vẫn còn rất sung sức, nhưng “lão” xạ thủ vẫn phải nói lời chia tay để nhường cơ hội cho lớp trẻ. Vắng Mạnh Tường trong vai trò một đàn anh dẫn dắt các đàn em trong đội tuyển, nhưng xạ thủ Bộ Công an vẫn là chỗ dựa khi giờ đây, anh chuyển sang công tác huấn luyện. Đầu năm mới, tin vui liên tiếp báo về với thể thao Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là tấm vé tham dự Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Sự chia tay của Mạnh Tường, đã có lớp trẻ kế cận. Điều đó chắc chắn sẽ khiến anh thấy vui lắm...

Bài và ảnh: ANH CHI

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN