Thành lập Công ty VPF:Nhân sự cũ, cơ chế mới?

Ngày 14/12, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ tiến hành đại hội cổ đông. Như vậy, công ty quản lý bóng đá này sẽ kịp hoạt động trước ngày mùa giải mới khởi tranh.

Dự kiến, Phó Chủ tịch VFF, ông Phạm Ngọc Viễn sẽ đảm trách vị trí Giám đốc điều hành VPF.


Tại đại hội lần đầu tiên này, các cổ đông sẽ thông qua điều lệ công ty, bàn thảo định hướng, chiến lược phát triển công ty, sửa đổi quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Bắt đầu từ mùa giải 2012, công ty VPF sẽ là cơ quan trực tiếp tổ chức quản lý và điều hành hoạt động bóng đá chuyên nghiệp trong nước. Trong hoạt động, VPF chịu sự quản lý nhà nước về thể dục thể thao của Tổng cục TDTT, của Bộ VH,TT&DL, chịu sự quản lý về hoạt động chuyên môn bóng đá của LĐBĐVN, quản lý kinh tế của UBND thành phố Hà Nội. Theo phân bổ, LĐBĐVN (VFF) là cổ đông lớn nhất với 35,4% số vốn điều lệ; 14 CLB tại V-League đóng góp 54,6% vốn; 10 CLB hạng Nhất đóng góp 10% còn lại.

Các nhân sự chủ chốt bao gồm chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc… sẽ được quyết định tại đại hội cổ đông sắp tới. Ngay sau đại hội, VPF sẽ lập tức có bộ khung nhân sự cấp lãnh đạo. Dự kiến, Phó Chủ tịch VFF, ông Phạm Ngọc Viễn sẽ đảm trách vị trí Giám đốc điều hành. Hai Phó Giám đốc dự kiến là ông Dương Nghiệp Khôi và ông Phạm Phú Hòa. Đáng lưu ý là có khả năng sẽ mời cựu Phó Chủ tịch VFF Trần Duy Ly tham gia vào VPF.

“Chiếc ghế nóng” có ý nghĩa thành bại của VPF là vị trí Giám đốc điều hành - ông Phạm Ngọc Viễn là người đã viết đề án bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cách đây 10 năm. Việc tiến cử ông Phạm Ngọc Viễn vào công việc điều hành trực tiếp bóng đá Việt Nam với hy vọng ông là người hiểu “chân tơ kẽ tóc” bản đề án bóng đá chuyên nghiệp của ông sẽ giúp việc điều tiết sự phát triển của V-League cũng như các giải đấu của quốc gia diễn ra hợp lý để góp phần nâng cao trình độ bóng đá nước nhà. Bên cạnh đó những vị trí Trưởng ban trọng tài nhiều khả năng là ông Dương Vũ Lâm, cũng từng là Phó chủ tịch VFF. Như vậy, phần lớn "quan chức" của VPF vẫn là những người cũ. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn việc cải thiện nền bóng đá Việt Nam có rơi vào tình trạng bong bóng, hay "bình mới, rượu cũ"?

Với lực lượng nhân sự cũ, người hâm mộ chỉ còn biết hi vọng ở cách quản lý mới của VPF. Cơ chế quản lý linh hoạt của VPF sẽ được thông qua Hội đồng quản trị trong những ngày tới. Nếu Giám đốc điều hành không hoàn thành tốt công việc điều tiết các giải đấu trong nước thì sẽ bị thay thế ngay. Trong quá trình diễn ra các giải đấu, nếu có vấn đề phát sinh, Hội đồng quản trị sẽ họp điều chỉnh ngay. Như vậy, khi có bất cứ một vấn đề gì, cơ chế mới sẽ cho phép VPF xử lý một cách linh hoạt, cả nhân sự và chuyên môn. Từ việc bỏ phiếu của Hội động quản trị sẽ tạo nên tính đồng thuận trong mỗi quyết định của VPF. Đó là căn cứ cho những đổi mới mang tính đột phá cho nền bóng đá trong nước.

Dự kiến, bộ máy hoạt động VPF sẽ cần có hơn 20 nhân viên. Tuy nhiên đến thời điểm này, công tác tuyển dụng chưa thể triển khai và gặp một số khó khăn về tài chính. Sau khi chính thức hoạt động, VPF sẽ có trụ sở trong tòa nhà của LĐBĐVN tại Mỹ Đình, Hà Nội.

T.L

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN