“Tấn công” tốp 5 thế giới


Nhiều chuyên gia đánh giá, với sức cờ như hiện nay, mục tiêu lọt vào tốp 5 kỳ thủ hàng đầu thế giới với Quang Liêm không phải là một nhiệm vụ quá khó khăn. Chỉ có điều, thành công luôn tỷ lệ thuận với sự đầu tư. Trong khi đó, những thành công của kỳ thủ người TP.HCM thời gian qua chủ yếu là do “tự thân vận động”.

Kỳ thủ Lê Quang Liêm. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Bảo vệ thành công ngôi Á quân giải Siêu đại kiện tướng Dortmund với chuỗi 10 trận bất bại, Quang Liêm đang khiến cả làng cờ Việt Nam cũng như những người hâm mộ anh không khỏi khâm phục. Dù tham dự giải với tư cách đương kim Á quân và đang là ĐKVĐ Aeroflot, nhưng so với các đối thủ, Lê Quang Liêm (hạng 27 thế giới) vẫn chỉ là hạt giống số 4.

Có thể kể đến 3 kỳ thủ đứng trên Quang Liêm ở BXH thế giới là Wladimir Kramnik (Nga, hạng 5 thế giới), Ruslan Ponomariov (Ukraine, hạng 10 thế giới) và Nakamura (Mỹ, hạng 6 thế giới). Ngoài ra, thần đồng người Hà Lan Anish Giri (hạng 40 thế giới) cũng từng là Đại kiện tướng cờ vua trẻ nhất trong lịch sử thế giới. Thế nhưng, bằng bản lĩnh cũng như phong cách chơi cờ độc đáo của mình, Quang Liêm đã khiến các đối thủ phải kính nể bởi không một ai “nock out” được anh, ngay cả những người nằm trong tốp 5 thế giới. Thành công tại giải, khiến tất cả phải thừa nhận, ngoài tố chất đặc biệt, thì nỗ lực vươn lên của kỳ thủ này, chính là yếu tố đã giúp Quang Liêm có được đẳng cấp như hiện nay.

Liên tiếp những giải gần đây, Quang Liêm đều thi đấu thành công, dù anh vẫn còn rất trẻ so với những kỳ thủ hàng đầu thế giới. Thường thì các VĐV cờ vua chỉ bước lên đỉnh cao nhất của mình ở khoảng từ 23-28 tuổi nên vị trí 27 thế giới hiện tại của Quang Liêm vẫn chưa phải là đỉnh cao nhất, khi Liêm hiện mới chỉ 20 tuổi. Theo đánh giá của Phó chủ tịch Liên đoàn cờ Việt Nam Đặng Tất Thắng, với sức cờ hiện nay, Quang Liêm hoàn toàn có khả năng “tấn công” vào tốp 5 thế giới, nếu như được đầu tư xứng đáng.

Với thể thao, thi đấu cọ xát quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giúp một VĐV tiến bộ. Ai cũng biết như vậy, nhưng chính sách chia đều kinh phí cho vài chục môn đã làm thành tích của VĐV dừng lại mà lẽ ra họ có thể tiến bộ rất nhanh. Đơn cử như năm 2011, cả bộ môn cờ cũng chỉ được phê duyệt kinh phí có khoảng 80.000 USD phục vụ việc tập huấn thi đấu quốc tế, trong khi công tác xã hội hóa lại đang rất hạn chế.

Dù Quang Liêm đang rất được bộ môn cờ tạo điều kiện, nhưng đóng góp lớn nhất vẫn là sự đầu tư của đơn vị chủ quản và đặc biệt là gia đình. TP.HCM luôn dành cho kỳ thủ này sự ưu tiên đầu tư cao, nhất là việc tập huấn thi đấu nước ngoài, với kinh phí tối thiểu 30.000 USD/năm.

Về phía gia đình, Liêm được tạo điều kiện thuê thầy giỏi và tham dự các giải đấu lớn với kinh phí tự túc. Thế nhưng, sự đầu tư từ phía gia đình cũng chỉ mang lại hiệu quả nhất định ở một thời điểm nào đó, bởi không phải lúc nào, nguồn tài chính cũng đảm bảo mãi được. Ngoài vai trò định hướng, thì việc làm sao có một cơ chế thuận lợi nhằm thu hút nguồn thu từ xã hội hóa là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, nếu Quang Liêm được một vài doanh nghiệp “đỡ đầu”, thì kỳ thủ này sẽ chỉ còn tập trung tối đa cho vấn đề chuyên môn của mình.

Anh Chi

 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN