Tái cấu trúc… bóng đá

Nghe thì có vẻ to tát, nhưng đó là đòi hỏi hết sức cấp bách, cũng là đòi hỏi của đông đảo người hâm mộ đối với bóng đá nước nhà sau thất bại của đội tuyển quốc gia tại AFF Suzuki Cup 2012. Bởi nếu không cải tổ lại, bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục gây thất vọng, sẽ mãi đi vào vết xe đổ, mãi chìm trong bệnh thành tích và không biết đến bao giờ mới bứt ra khỏi cái “ao làng” để vươn xa.


5 năm trở lại đây, sau chức vô địch AFF Suzuki 2008, bóng đá Việt Nam liên tục tụt dốc. Từ ngôi vị á quân ở SEA Games 2009, tụt xuống bán kết ở AFF Suzuki Cup 2010 và SEA Games 2011; rồi năm 2012 tại AFF Suzuki Cup, bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Điều đó chứng tỏ, bóng đá Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Một dấu hỏi lớn về trách nhiệm đã được đặt ra đối với những người cầm lái “con thuyền” bóng đá Việt Nam? Đội tuyển quốc gia thì thất bại ở đấu trường khu vực; mùa giải mới trong nước có nguy cơ phải hoãn vì già nửa số CLB không thể lo nổi kinh phí để tham gia… Rõ ràng, bóng đá Việt Nam rơi vào tình trạng thê thảm như hiện nay, có lỗi lớn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).


Điều dễ nhận thấy, bộ máy của VFF trong nhiều khóa liên tục không có những con người có tầm nhìn chiến lược, hoạch định ra những kế hoạch dài hơi, bài bản cho nền bóng đá nước nhà. Có nhiều vấn đề rất cơ bản, có tính căn cơ, quyết định đến sự phát triển của cả nền bóng đá…, đã không được những người có trách nhiệm quan tâm. Đơn cử như công tác đào tạo vận động viên trẻ. Ở các giải đấu trong nước, mải chạy theo thành tích, đánh bóng thương hiệu, nên rất ít câu lạc bộ chăm lo đến công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Hay nói cách khác, khâu đào tạo cầu thủ trẻ đã bị bỏ trắng, nhưng cũng chẳng thấy lãnh đạo của VFF có ý kiến gì! Bên cạnh đó, không ít ông chủ câu lạc bộ đã gián tiếp hủy hoại các tài năng trẻ bóng đá nước nhà bằng việc họ chỉ chú tâm tung tiền mua các “sao” nội, ồ ạt nhập tịch cho các cầu thủ ngoại để phục vụ được ngay. Do vậy, các cầu thủ trẻ ít được ra sân, ít được cọ xát (do bị cầu thủ ngoại chiếm mất chỗ), khi ra đấu trường lớn dễ dàng bị “ngợp” và dễ dàng bị đánh bại. Kiểu làm bóng đá “ăn xổi”, “xây nhà từ nóc”, không chỉ tạo ra lỗ hổng lớn về lực lượng kế cận, mà còn để lại hậu quả khôn lường cho nền bóng đá nước nhà.


Kết quả của đội tuyển tại AFF Suzuki Cup 2012 đã phản ánh đúng thực trạng của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại, bởi đội tuyển quốc gia chính là tấm gương phản ánh thực lực nền bóng đá nước nhà. Nền bóng đá mạnh, đội tuyển quốc gia mạnh, nó phải được bắt nguồn từ các CLB mạnh. Hơn một thập kỷ núp dưới danh nghĩa “chuyên nghiệp”, các CLB chủ yếu sống nhờ hầu bao của các doanh nghiệp; nên khi các doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng, các ông chủ không còn mặn mà với bóng đá, thì các CLB cũng rơi vào tình trạng điêu đứng. Với nền tảng như vậy, thì làm sao mà bóng đá Việt Nam có thể phát triển bền vững được.


Vấn đề đặt ra, cần phải có sự hoạch định lại chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam; hay nói cách khác là cần phải tái cấu trúc lại nền bóng đá nước nhà. Trước mắt, cần một cuộc điều tra toàn diện, một cuộc mổ xẻ thấu đáo về nguyên nhân thất bại của đội tuyển, sau đó là một chiến lược đầu tư bài bản, có chiều sâu, trong đó chú trọng vào yếu tố con người, hoạch định lại khâu đào tạo vận động viên trẻ… Hãy lấy mô hình của Hoàng Anh Gia Lai để tham khảo. 5 năm trở lại đây, CLB “Phố núi” đã có sự kết hợp một cách bài bản, chuyên nghiệp với CLB Arsenal trong khâu đào tạo trẻ. Chắc chắn một vài năm sau, lứa cầu thủ được Hoàng Anh Gia Lai gửi sang đào tạo tại Anh, sẽ là nguồn cung cấp các cầu thủ tài năng cho đội tuyển quốc gia.



Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN