SEA Games 29: Việt Nam đứng thứ 3 chung cuộc, hoàn thành 'chỉ tiêu vàng'

Đoàn thể thao Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công với nhóm các môn trọng điểm đã hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu đặt ra. Các VĐV Việt Nam đã để lại rất nhiều dấu ấn, nhiều khoảnh khắc, nhiều cảm xúc đáng nhớ trong những ngày thi đấu quyết liệt trên đất Malaysia.

Đội tuyển điền kinh nữ Việt Nam ăn mừng sau khi về đích với chiếc HCV nội dung chạy tiếp sức 4x100m. Ảnh: TTXVN

Kết thúc một SEA Games nhiều cảm xúc của thể thao Việt Nam. Ấn tượng nhất chính là những VĐV của đội tuyển điền kinh Việt Nam. Với đa số những tân binh lần đầu tham dự đấu trường thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng đã tạo nên một cơn lốc khi đạt cột mốc lịch sử với 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ. Những Lê Tú Chinh, Vũ Thị Ly, Nguyễn Thị Oanh đã để lại dấu ấn đẹp đẽ trong những ngày thi đấu của mình. Để rồi, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam vượt qua Thái Lan tại một kỳ SEA Games, vươn lên dẫn đầu ở môn thể thao nữ hoàng.

Nguyễn Thị Huyền đoạt Huy chương vàng chạy vượt rào 400m nữ. Ảnh: TTXVN

Thành công ngoài mong đợi của điền kinh là thành quả xứng đáng từ chiến lược đầu tư đúng hướng, trọng tâm, dựa trên một lực lượng hùng hậu, thiện chiến nhất từ trước tới nay.

VĐV Dương Văn Thái ăn mừng sau khi về đích giành HCV nội dung 800m nam, một trong những nội dung thể hiện sự thống trị của điền kinh Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đó là sự tỏa sáng ở nội dung chạy ngắn 100m, 200m của “Nữ hoàng điền kinh” mới Lê Tú Chinh, hay sự khẳng định sự thống trị ở 3 nội dung 400m, 400m rào và 4x400m tiếp sức. Bên cạnh đó, là những thành tích ấn tượng ở cự ly trung bình, 5.000m, nhảy cao, nhảy xa, nhảy 3 bước và đặc biệt là tấm HCV lịch sử của đội tiếp sức 4x100 nữ, khi lần đầu tiên đánh bại Thái Lan để phá kỷ lục SEA Games.

HCV của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Ảnh: TTXVN

Đội tuyển bơi lội cũng đã đóng góp 10 tấm HCV với đầu tầu là kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Với 8 HCV, 2 HCB tại SEA Games 29, phá 4 kỷ lục Đại hội, “Viên đạn bạc” Nguyễn Thị Ánh Viên đã trở thành một tượng đài mới và nắm giữ những kỷ lục vô tiền khoáng hậu về thành tích của Thể thao Việt Nam tại đấu trường khu vực.

Cùng với đó là màn thi đấu ấn tượng của VĐV mới 15 tuổi Kim Sơn khi giành HCV, phá kỷ lục ở nội dung môn bơi là 400m hỗn hợp. Nguyễn Huy Hoàng cũng làm được điều xuất sắc ở nội dung 1.500m cá nhân hỗn hợp.

Tại Sea Games lần này, đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã giành tấm HCV lịch sử sau khi đánh bại Singapore ở chung kết nội dung đồng đội nam - nội dung danh giá nhất trong môn bóng bàn. Đây là HCV đồng đội nam đầu tiên trong lịch sử bóng bàn Việt Nam.

Đội tuyển bóng bàn nam với tấm HCV SEA Games lịch sử.

Thể dục dụng cụ nam cũng giành tới 5/7 HCV ở của Đại hội. Hay tấm HCV, phá kỷ lục gây “sốc” của Văn Vinh ở môn cử tạ (đánh bại đối thủ đang là Á quân Olympic), còn đấu kiếm cũng đã không có đối thủ ở những nội dung thế mạnh.

Có thể khẳng định, đây là thành công rất ấn tượng của thể thao Việt Nam tại SEA Games sau nhiều năm hầu như phụ thuộc vào các môn võ thuật.

Bên cạnh những thành công mỹ mãn, chúng ta vẫn có những tiếc nuối không đạt được dù trong kỳ vọng là phải được hơn thế.

Có thể nhắc đến thất bại của tay vợt số 1 của cầu lông nam Việt Nam Nguyễn Tiến Minh khi không thể vượt qua trận bán kết để vào tranh ngôi nhất, nhì ở một kỳ SEA Games. Đây là kỳ SEA Games  cuối Tiến Minh tham dự với quyết tâm đoạt một thành tích để đời cho cầu lông nước nhà.

Dù sở hữu những vị trí cao nhất tại nhiều giải đấu quốc tế nhưng võ sỹ “Độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất vẫn chưa thể một lần sở hữu HCV SEA Games. Và việc thi đấu không thành công lần này của nhà võ sỹ từng 7 lần vô địch thế giới ở hạng cân 57 kg khiến người hâm mộ phải luyến tiếc.

Sự sa sút khó hiểu của nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng và phần nào đó là Taekwondo, hay thất bại của đội bóng đá nam U22 Việt Nam khiến người hâm mộ thể thao Việt Nam không ít lần phải rơi nước mắt.

SEA Games 29, nơi có vinh quang và hạnh phúc, có niềm tự hào Việt Nam, có những giọt nước mắt vỡ òa thăng hoa, có tình đồng đội gắn kết. Nơi đó, cũng có những nuối tiếc, những bài học kinh nghiệm quý báu trong hành trình vươn mình của thể thao Việt Nam. Những nỗ lực của những VĐV Việt Nam là rất trân trọng.

Trưa 30/8, lực sĩ Hoàng Tấn Tài đã giành HCĐ nội dung cử tạ hạng 85kg nam với tổng cử là 322kg. Đây là huy chương cuối cùng của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Kết thúc SEA Games 29, Đoàn Việt Nam xếp thứ 3 chung cuộc với 58 HCV, 50 HCB, 60 HCĐ.

Bảng tổng sắp huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29:

L.Sơn/Báo Tin Tức
SEA Games 29: Bữa tiệc sắc màu khép lại kỳ đại hội thành công
SEA Games 29: Bữa tiệc sắc màu khép lại kỳ đại hội thành công

Sau hơn 10 ngày tranh tài, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 (SEA Games 29) đã chính thức khép lại với lễ bế mạc hoành tráng diễn ra vào tối 30/8 tại sân vận động Bukit Jalil ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN