Rối như canh hẹ!

Những giải đấu quốc tế đã cận kề, vậy mà cuộc tìm kiếm ông thầy ngoại mới của VFF thì vẫn chưa thể đi đến hồi chót. Còn trên sân cỏ nội, mùa giải "chính chuyên" đầu tiên dù khép lại lượt đi, nhưng còn đó những dấu hỏi to đùng từ chuyện chuyên môn tới công tác tổ chức, điều hành. Chẳng hề quá lời khi ví Bóng đá Việt hiện tại với... bát canh hẹ!

1
. Hãy bắt đầu với đấu trường trong nước, khi mà mùa giải 2011 được đặt nhiều kỳ vọng bởi đây là lần đầu tiên những quy định về chuyên nghiệp mà AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á) yêu cầu được áp dụng cho cả 14 đội bóng tham dự V-League, cái sân chơi số 1 trong hệ thống thi đấu quốc gia.

Nói một cách hình ảnh hơn, thì tại mùa giải 2011, các đội bóng tham dự V-League đều "xuất phát đồng hàng" khi đều phải chuyển qua mô hình doanh nghiệp với những tiêu chí cụ thể từ mức kinh phí hoạt động, đến cơ sở vật chất, lẫn công tác quản lý, điều hành. Và có vẻ như sự thay đổi ấy thực chất chỉ là hình thức nhưng cũng đã tác động ít nhiều đến bức tranh chuyên môn của giải. Nếu so với 10 mùa trước, luôn phải chứng kiến sự thống trị của một đại gia từ ngay vạch xuất phát đến khi về đích, thì rõ ràng, lượt đi V-League 2011 là cuộc đua với rất nhiều biến động đến khó lường. SLNA, đội bóng không được đánh giá cao trước giải bất ngờ vô địch sớm một vòng, hàng loạt các tên tuổi lớn khác rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng mà việc cựu vương ĐT.LA xếp ở đáy bảng xếp hạng là bằng chứng. Có lẽ cũng đã từ rất lâu, tính trong sạch của các trận cầu trong nước lại ít bị nghi ngờ đến thế.

Công tác trọng tài, một trong những vấn đề “nóng”
ở lượt đi.

Tính cạnh tranh là có thật. Tuy nhiên, nếu soi kỹ vào từng trận cầu, thì tiếc rằng, đó không hề bước tiến mới về chuyên môn mà thực chất lại là sự tụt lùi đáng quan ngại. SLNA không thật đã "hay" nếu so với chính họ, nhưng trong bối cảnh hàng loạt các đại gia tự đánh mất mình, thì việc đội bóng xứ Nghệ lên ngôi âu cũng là điều dễ hiểu. Rồi dù cuộc cạnh tranh về thứ hạng trở nên gay gắt hơn, cái sân chơi này vẫn cứ bộc lộ những điểm đen cố hữu. Đó là cuộc tranh cãi bất tận về công tác điều hành cũng như năng lực thực sự của các trọng tài mà chẳng vòng đấu nào là không có rắc rối cùng những hệ lụy liên quan. Là sự xuống cấp về văn hoá sân cỏ khi bạo lực thì vẫn tràn lan trong lối chơi của từng đội bóng còn trên khán đài lại là "cơn mưa đô la âm phủ" của các CVĐ Hải Phòng nhằm "đáp trả" cái quyết định tăng giá vé ngược đời của BTC sân Hàng Đẫy. Và không thể không nhắc đến những cuộc "trảm tướng" đã trở thành thứ "đặc sản" của V-League sớm bùng phát tại ĐT.LA, B. Bình Dương, HA.GL... mà nguyên nhân không gì khác là căn bệnh chạy theo thành tích trước mắt.

V-League 2011 đang trở nên nóng một cách bất thường, bất thường tới cái mức, chả ai dám dự báo điều gì khi phía trước vẫn còn đến 13 vòng đấu nữa.

2.
Trong khi sân chơi nội ngày càng khó lôi kéo được khán giả đến sân, dù đó từng là niềm tự hào của V-League, thì câu chuyện khác đang trở thành điểm nóng của Bóng đá Việt suốt nửa mùa giải đã qua, chỉ tiếc, đó lại là "điểm nóng" chẳng mấy vui vẻ gì - Cuộc tìm kiếm ông thầy mới cho đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Calisto bất ngờ nói lời chia tay để đi sang đất Thái, rồi đã 2 tháng trôi qua, tận tới lúc này, khi mà ông thầy người Bồ trở lại Việt Nam trong chuyến du đấu cùng CLB mới - Muang Thong United để gặp nhà vô địch V-League Hà Nội T&T trong khuôn khổ vòng đấu bảng AFC Cup, cuộc tìm kiếm người kế nhiệm của VFF vẫn đang còn bế tắc. Trở lại với 2 tháng trước, khi mà trên bàn của VFF có hàng chục bộ hồ sơ thầy ngoại xin ứng thí, rồi ngay cả phương án xài thầy nội lần đầu cũng được lãnh đạo Liên đoàn xem xét, tính toán nghiêm túc thì dường như cái tên của vị thuyền trưởng mới sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Vậy mà không dưới 3 cái hẹn đã trôi qua trong vòng chỉ hơn 2 tháng ấy, cuộc tìm kiếm vẫn cứ mơ hồ, bất chấp những giải đấu quốc tế đã trở nên cận kề.

Thực ra thì không hẳn là VFF không dồn lực cho cuộc tìm kiếm vị thuyền trưởng mới, chỉ có điều là đã qua hơn một thập kỷ và "xài" đến gần chục ông thầy ngoại, nhưng từ cách nghĩ đến cách làm thì vẫn cứ "ngu ngơ" như thủa ban đầu. Hết tranh cãi về thầy ngoại hay thầy nội, tới khi chỉ còn 2 ứng cử viên cuối lọt vào vòng chung kết thì nội tình của Liên đoàn vẫn cứ phân hóa bởi những luồng ý kiến khác nhau thay vì chuyện cùng ngồi lại để sàng lọc lấy gương mặt khả thi nhất. Chưa hết, vào cuối tháng 4 vừa qua, khi mà người hâm mộ những tưởng cựu HLV trưởng CLB Hertha Berlin, Falko Goetz đã chắc chắn được bổ nhiệm sau khi đáp ứng đủ từ mức lương đến khả năng chuyên môn, thì bỗng... Stoichkov xuất hiện tại Hà Nội. Danh tiếng của cựu ngôi sao bóng đá quốc tế người Bungari cùng thông tin úp mở về một vị tỷ phú nào đó muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua con đường "ngoại giao bóng đá" khiến tất cả lại thêm phen "nháo nhào".

Cho đến lúc này, chẳng ai rõ thực hư, còn VFF vẫn chắc như đinh đóng cột - Đầu tháng 5 này công bố danh tính ông thầy ngoại mới. Chỉ có điều, dù ông thầy ngoại kia có là ai đi nữa thì sau cuộc tìm kiếm kéo quá dài sẽ là thách thức, thậm chí là áp lực không hề nhỏ bởi tới tháng 7 này đã khởi tranh vòng loại Olympic London 2012 và World Cup 2016!

Vũ Minh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN