Quần vợt Việt Nam: Dậm chân tại chỗ

Một nghịch lý với quần vợt Việt Nam (QVVN) trong nhiều năm gần đây là quần vợt phong trào phát triển như vũ bão, nhưng lực lượng quần vợt chuyên nghiệp, thành tích cao lại cứ... dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Điều đó khiến môn banh nỉ Việt Nam chỉ loanh quanh một vài giải trong nước, còn ra quốc tế thì cầm chắc thất bại.

Nghịch lý

Đã có một thời gian, quần vợt được coi là môn thể thao quý tộc và chỉ những người giàu mới có thể chơi. Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của xã hội, quần vợt ngày càng được phổ cập rộng rãi. Người ta nói vui rằng ở Việt Nam bây giờ, nhà nhà chơi quần vợt, người người chơi quần vợt. Theo thống kê, trên cả nước có khoảng trên 3.000 sân quần vợt, thu hút hàng vạn người thuộc đủ mọi lứa tuổi tham gia tập luyện môn thể thao này.

Phần lớn các VĐV quần vợt của Việt Nam phải tự trang trải kinh phí khi tham gia các giải đấu quốc tế. Ảnh: Ngọc Trường-TTXVN


Tuy nhiên, đó chỉ là hoạt động mang tính nghiệp dư, mạnh ai nấy chơi. Trong một thời gian dài, những người làm công tác đào tạo và phát triển bộ môn quần vợt của Liên đoàn QVVN đã không có sự đầu tư và định hướng cụ thể. Phải đến nhiệm kỳ khoá V (từ năm 2010 - 2015), Liên đoàn QVVN mới thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế này.

Hoạt động của bộ môn còn chồng chéo nên QVVN nhiều năm qua hầu như không có sự khởi sắc. Tại các giải VĐQG, quanh đi quẩn lại vẫn là những gương mặt cũ và dù chưa thi đấu cũng đã biết rõ thứ hạng. Đã thế, gần như những tay vợt đó đều phải bỏ tiền túi để ra nước ngoài tập luyện, thi đấu. Ví như, VĐV Thùy Dung được gia đình đầu tư đi Thái Lan, Mỹ tập huấn dài ngày, tham dự nhiều giải đấu mở rộng của Mỹ. VĐV Hoàng Thiên, Đài Trang cũng được gia đình bỏ ra số tiền lên tới cả triệu USD để thuê HLV, tập huấn nước ngoài và thi đấu nhiều giải quốc tế. Các cây vợt nước ngoài được tài trợ là chuyện... bình thường. Còn ở Việt Nam, vẫn chưa có một tay vợt nào tìm được hợp đồng tài trợ. Thế nên, chuyện gia đình của Hoàng Thiên vẫn đều đặn móc tiền túi cho con đi du đấu nước ngoài sẽ còn tiếp diễn.

Chính vì lý do đầu tư cho môn thể thao này quá đắt nên quần vợt chuyên nghiệp Việt Nam nhiều năm qua vẫn chỉ dừng lại ở mức phát hiện tài năng là chính. Còn khi đã trưởng thành, đa số các tài năng đó đều lụi dần.

Tương lai mờ mịt

QVVN đang “dậm chân” tại chỗ, hay không muốn nói là đang... thụt lùi. Trong khi các nước láng giềng như Trung Quốc hay Thái Lan đã có những tay vợt chơi trong các giải Grand Slam của thế giới, thì tại các giải đấu quốc tế nhỏ tổ chức trong nước, các tay vợt Việt Nam cũng không mấy khi giành được thành tích cao. Trong khi đó, môi trường để phát triển của các nước này cũng hơn hẳn Việt Nam. Hàng năm các nước như Thái Lan, Malaixia... có đến hàng chục giải Futures, vài giải Challenger, thậm chí là cả giải ATP World Tour 250 để cho các tay vợt trong nước “mở mang tầm mắt”. Một thực tế là trình độ của các tay vợt Việt Nam với khu vực vẫn còn khoảng cách quá xa và giải đấu nào có mặt các tay vợt ngoại, thì các VĐV Việt Nam lại... tụt hạng.

Để phát triển quần vợt đỉnh cao, không còn cách nào khác là phải sớm triển khai chủ trương xã hội hóa đối với môn thể thao này để khơi dậy sự ủng hộ và đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các gia đình. Qua đó, các VĐV sẽ có được sự đầu tư tốt nhất, đặc biệt là các VĐV trẻ. Cần có thầy giỏi cũng như điều kiện cơ sở vật chất tập luyện tốt để nâng cao trình độ chuyên môn cho các VĐV, đặc biệt là cơ chế phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa Liên đoàn với các cơ quan chức năng, tạo ra nhiều sân chơi có sức cạnh tranh.

Những vấn đề trên đều được Ban chấp hành khoá V (2010 - 2015) Liên đoàn QVVN nhìn nhận và hứa sẽ sớm triển khai, tuy nhiên, thời gian và cách làm như thế nào thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

ANH CHI


 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN