Nạn hooligan - vết thương chưa lành của bóng đá thế giới

Bạo lực bóng đá tại Nga hiện nay khiến ta nhớ lại một giai đoạn đen tối của lịch sử bóng đá thế giới - những năm 1980 - giai đoạn mà bạo lực sân cỏ bùng nổ.


Tháng này của 30 năm trước, hơn 150 CĐV Anh bị bắt giữ vì hành vi phá hoại, đánh nhau và trộm cắp tại Luxembourg. Vụ bạo loạn đã gây ra tổn thất tới 100.000 bảng Anh cho những người dân địa phương. Tiếp sau đó, đội bóng Spurs đã bị Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) xử phạt sau khi để xảy ra vụ việc bạo lực tại Rotterdam khiến 30 CĐV phải nhập viện vì bị đâm và nhiều thương tích khác. Preston North End trở thành CLB nổi tiếng khi ấy bởi các CĐV gồm phần lớn là những kẻ mang tư tưởng bạo lực và là nỗi khiếp đảm cho CĐV các đội khác. Các quan chức bóng đá châu Âu khi đó đã phải ngồi lại bàn thảo để tìm cách ngăn chặn cái mà họ gọi là “nạn khủng bố bóng đá”.

 

Nạn bạo lực bóng đá những năm 1980 là giai đoạn đen tối của lịch sử bóng đá thế giới.


Đó là một số sự kiện tiêu biểu về nạn côn đồ trong bóng đá hooligan - một phần của bóng đá Anh những năm 1980. Hooligan nhanh chóng trở thành vấn nạn của bóng đá thế giới, và mức độ nghiêm trọng nhất là ở Anh quốc. Những trận đấu ở Anh từ thập niên 1950, đặc biệt là các trận derby, luôn chứa mùi bạo lực. Sau khi xuất hiện ở Anh, nạn bạo lực trong và ngoài sân cỏ bắt đầu xuất hiện ở những khu vực khác. Từ Pháp đến Italia và một loạt các nước Nam Âu. Nam Mỹ cũng không tránh khỏi cơn bão Hooligan.


Sau một loạt những cuộc chiến giữa nạn bạo lực và cơ quan chức trách, nạn bạo lực giống như một vết loét, cứ tiếp tục lan dần và gây ra rất nhiều lo ngại. Mùa giải 2011-2012 tại Anh là mùa giải có số vụ bắt giữ liên quan đến bóng đá ít kỷ lục. Thế nhưng thống kê cho mùa giải 2012-2013, con số này đã tăng thêm 4%. Tính tới nay đã có 2.456 vụ bắt giữ có nguyên nhân những tranh chấp trong bóng đá từ những trận đấu ở các giải đấu tại Anh. Còn theo thống kê của các nguồn tin châu Âu thì đã có hơn 100.000 người Anh đi xem các trận đấu của các đội tuyển Anh thi đấu ở các quốc gia khác trong khuôn khổ Champions League và Europa League. Trong đó, sau 44 trận đấu, mới chỉ có 20 CĐV bị bắt giữ.


Nạn bạo lực trong bóng đá được lý giải là cổ động viên hành động phản ứng lại các chủ sở hữu CLB có ý định thương mại hóa môn thể thao vua. Với lý do này, ở các giải đấu có tính thương mại cao như Premier League, bạo lực bóng đá lại càng trở nên gay gắt. Những người khác lại cho rằng, cần có những biện pháp quản lý cứng rắn hơn với rượu bia và nạn phân biệt chủng tộc.


Trong bản nghiên cứu về stress trong ấn phẩm “Khó khăn cho kinh doanh - Những ảnh hưởng của nạn bạo lực bóng đá tới các CLB bóng đá chuyên nghiệp ở Anh” lần đầu tiên phân tích tác động của nạn bạo lực bóng đá với thành tích và vấn đề tài chính của các CLB. Điều thú vị là họ phát hiện thấy trong giai đoạn từ năm 1984-1994, bạo lực bóng đá thậm chí có ảnh hưởng tích cực tới thành tích trong ngắn hạn của các đội tuyển có CĐV côn đồ.

Có thể hiểu trong giai đoạn này, chính mối đe dọa từ các CĐV thích gây rắc rối đã ảnh hưởng tới tâm lý thi đấu cả đội bóng đối phương, đe dọa các CĐV đối phương và cũng khiến cho các quan chức bóng đá trở nên dễ bị áp lực. Tuy nhiên, xét về dài hạn, các đội bóng đều gặp rắc rối về tài chính khi mất doanh thu bán vé do các CĐV lo sợ đến an ninh của họ và chi phí dành cho an ninh sân cỏ cũng cao hơn.


Cho đến nay, chưa ai dám khẳng định nạn bạo lực bóng đá tại Anh đã được loại bỏ hoàn toàn. Bằng cách này hay cách khác, vẫn có những bài hát chế giễu đội bạn trên khán đài trong các trận derby. Đó có thể là nguyên nhân cho các vụ bạo lực kế tiếp trong một ngày nào đó.

 

Lê Sơn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN