Mùa giải V-League 2015 nhiều hứa hẹn

Trước giờ V-League 2015 khởi tranh, Becamex Bình Dương tiếp tục là ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch, người ta vẫn chờ đợi những bất ngờ nhằm giúp cho V-League có thể lôi kéo người hâm mộ đến sân.

Những ứng viên vô địch

Đương kim vô địch Bình Dương vẫn là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch mùa giải này. Họ vừa đoạt Siêu cúp quốc gia mà không cần sử dụng những cầu thủ rất nổi tiếng là Tấn Tài, Công Vinh. Mùa giải này, đội bóng đất Thủ Dầu Một sẽ còn mạnh hơn nữa nếu có thêm những ngôi sao này.

Bình Dương cũng là đội bóng hiếm hoi ở Việt Nam hầu như không chịu chút ảnh hưởng nào từ cuộc khủng hoảng kinh tế trong bóng đá nội. Họ vẫn rầm rộ mua sắm, vẫn đưa về những ngôi sao nổi tiếng nhất, đắt giá nhất. Nhìn vào danh sách đăng ký, ở cả 3 tuyến đều là những cầu thủ có chất lượng. Bình Dương đã chi hơn 20 tỷ đồng tiền thưởng cho chức vô địch V-League và vừa qua, họ còn đưa về sân Gò Đậu nhiều bản hợp đồng giá trị như Công Vinh, Xuân Thành, Xuân Luân... Với nguồn tài chính không dưới 70 tỷ đồng, Bình Dương tiếp tục là đối thủ đáng gờm ở mùa giải 2015.

Bình Dương vẫn là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. Ảnh: CTV


Cuộc đua tranh chiếc cúp vô địch với Bình Dương mùa này vẫn là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Mùa giải trước, đây cũng là những đội có khả năng ngăn cản Bình Dương xưng vương. Tuy nhiên, so với mọi năm, cả Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng đều không có những thay đổi đáng chú ý nào. Có thể thấy là chiến lược đầu tư của họ đã thay đổi, họ đang chuyển hướng sang sự ổn định và đầu tư cho thế hệ trẻ, giống cách HAGL đang làm.

Nhưng đáng chú nhất có lẽ là đội bóng đất mỏ Than Quảng Ninh. Năm 2014, sân Cẩm Phả được xem là “chảo lửa nóng nhất” V-League. Mùa này, với sự tài trợ của Công ty khai thác khoáng sản vàng Hà Giang, đội bóng đất mỏ hiện nổi lên như là “đại gia” ở V-League. Nếu ở mùa giải 2014, Than Quảng Ninh gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, thậm chí có thời điểm các cầu thủ đã đình công vì chưa được trả tiền lót tay, thì nay, đội bóng chủ sân Cẩm Phả đã thực sự ổn định. Với ngân quỹ lên đến 70 tỷ đồng, họ giữ chân được hàng loạt ngôi sao và vừa qua mua thêm những tên tuổi như Hồng Quân, Quang Hải. “Làn gió mới” mang tên Than Quảng Ninh đang khiến bức tranh V-League bớt đi sự đơn điệu ở góc độ tài chính, khi họ có thể sánh ngang với Bình Dương hay Hà Nội T&T, những đại gia lâu năm của bóng đá Việt Nam.

Mùa giải năm nay còn đáng chú ý với giàn cầu thủ U19 Hoàng Anh Gia Lai. Việc đôn lứa cầu thủ trẻ lên chơi V-League 2015, HAGL đã gây được sự chú ý của người hâm mộ với cơn sốt từ những cái tên Công Phượng, Tuấn Anh... Đây chính làn gió tươi mới của mùa giải này.

Vẫn là mục tiêu trụ hạng


Có lẽ, ngay chính NHM đất Cảng cũng không thể hình dung nổi, đội bóng Hải Phòng lại có sự đi xuống khó tin về tài chính. Giai đoạn 2008 - 2013, Hải Phòng nổi tiếng về sự chịu chi với những khoản tiền khoảng 50 - 60 tỷ đồng/năm. Đây là cái tên đáng nể trên thị trường chuyển nhượng, cũng như ở khía cạnh chi trả lương, thưởng. Thế nhưng, mùa giải vừa qua và hiện nay, đội bóng đất Cảng đối mặt nhiều khó khăn về tài chính.


Kể từ khi bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, chưa bao giờ Hải Phòng tiết kiệm chi tiêu như mùa này. Tiền lót tay cho các bản hợp đồng phần lớn chỉ quanh quẩn ở mức 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/mùa. Sở dĩ, đội bóng đất Cảng kiệm chi là bởi họ đang gặp khó khăn về kinh tế do nhiều nhà tài trợ đã rút và giờ Hải Phòng sống bằng “bầu sữa” của thành phố. Thu nhập từ tiền bán vé cũng giảm đáng kể trong năm vừa rồi. Sau khi Vicem không còn tài trợ cho đội bóng nữa, Hải Phòng chuyển đổi cơ chế hoạt động và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tiền. Đến nay, họ vẫn đang gồng mình để có được 35 tỷ đồng, đúng như yêu cầu của BTC V-League 2015.

Trong khi đó, SLNA cũng quay cuồng với nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”. Đội bóng xứ Nghệ không phải chi trả tiền lót tay cho cầu thủ nội và đang tính đến phương án chỉ dùng một ngoại binh để giảm số tiền phải chi. Lãnh đạo CLB này cho rằng số tiền 35 tỷ đồng cho 1 năm hoạt động là cả ước mơ của đội bóng nên họ phải tính toán chi ly để có thể duy trì đội bóng. Bất lợi cho SLNA là mùa giải 2015 họ phải mất khoản tiền lớn cho việc mua sắm trang phục tập luyện và thi đấu, bởi nhà tài trợ Kappa đã nói lời chia tay khi V-League 2014 khép lại.

Sau 20 năm, bóng đá Cần Thơ đã tạo nên bước ngoặt mới khi lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi chuyên nghiệp. Trong thành phần đội Xổ số Kiến thiết Cần Thơ chơi V-League mùa giải mới còn kể đến Đức Linh, trung vệ từng đá cho Xuân Thành Sài Gòn và Ninh Bình, tiền vệ Lê Văn Thắng từng khoác áo U23 quốc gia và tuyển quốc gia. Đây là những cầu thủ còn rất trẻ nhiều tiềm năng, sẽ là lực lượng nòng cốt của Cần Thơ trong mùa giải mới. Còn sớm để nói về những chuẩn bị của đội bóng Tây Đô cho mùa giải mới, nhưng với những gì đã đạt được, người hâm mộ Tây Đô đang kỳ vọng đội Cần Thơ sẽ trụ vững ở sân chơi V-League và là hiện tượng của mùa giải năm nay.


Lê Sơn (TTXVN)


V-League 2015 giới thiệu nhà tài trợ chính
V-League 2015 giới thiệu nhà tài trợ chính

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) đã được giới thiệu là nhà tài trợ chính cho Giải bóng đá vô địch quốc gia 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN