Một World Cup “mê” công nghệ

FIFA đang áp dụng nhiều công nghệ mới trong mùa World Cup này. Ngoài công nghệ goal-line và công nghệ sơn xịt tự mất màu mà khán giả đã được xem qua truyền hình, còn rất nhiều những công nghệ mới mà các hãng ra sức giới thiệu và các đội bóng sử dụng.

Bóng Brazuca từ Adidas

Mang trong mình vẻ đẹp bí ẩn của xứ sở Samba, Brazuca là quả bóng thế hệ thứ 12 do hãng Adidas sản xuất nhằm phục vụ cho World Cup.


Còn nhớ vào năm 2010, tại Nam Phi, FIFA từng tuyên bố rằng tương lai của World Cup sẽ được quyết định bởi công nghệ thiết kế trái bóng rất mới. Quả bóng Jabulani được Adidas cho ra mắt như một đột phá trong công nghệ thể thao. Không may là mọi cố gắng của họ đã không thuyết phục được người hâm mộ và các cầu thủ. Thủ môn Brazil Julio Cesar gọi nó là “bóng hàng chợ”. HLV Fabio Capello thì tuyên bố đó là “quả bóng kém nhất” bởi sự khó đoán định đường đi của trái bóng.

Chính vì lẽ đó, tại Brazil 2014, Adidas giới thiệu một quả bóng hoàn toàn mới mang tên Brazuca. Khác với Jabulani có 8 mảnh, bóng Brazuca nặng 437gram, có tỷ lệ thấm nước chỉ 0,2%. Nó cũng là trái bóng đầu tiên có 6 mặt để tăng tính đối xứng. Trái bóng Brazuca chỉ có 6 miếng ghép hình bánh lái gắn với nhau và Adidas cho biết, hình dạng của đường may mới cho phép trái bóng có sự chính xác về mặt khí động lực học, cũng như đường bay ổn định đúng theo mong muốn của các cầu thủ.

Độ sâu các đường may của Janulani vào khoảng 0,48 mm, trong khi độ sâu này của Brazuca là 1,56 mm. Bên cạnh đó, tổng độ dài của các đường may trên Jabulani vào khoảng 203 cm và độ dài này ở Brazuca là khoảng 327 cm. Với các đường may sâu hơn và dài hơn, Brazuca trở nên giống trái bóng khâu truyền thống hơn. Các bài kiểm tra trong hầm gió cũng ủng hộ khẳng định này.

Trải qua các đợt kiểm tra kéo dài hơn 2 năm rưỡi, với sự tham gia của hơn 600 cầu thủ hàng đầu thế giới và 30 đội bóng ở 10 quốc gia thuộc 3 lục địa, Brazuca là trái bóng được kiểm tra gắt gao nhất của Adidas, không ngoài mục đích đảm bảo Brazuca thích hợp với mọi điều kiện thi đấu.

Áo và tất làm mát cầu thủ


Nike, Adidas và Puma lần lượt trang bị giầy và quần áo cho 27 trong tổng số 32 đội bóng tại World Cup. Mỗi hãng lại công bố những cải tiến để tăng cường khả năng trình diễn trên sân bóng cho các đội tuyển, đặc biệt dưới cái nóng và độ ẩm cao của Brazil.

Ghana là đội bóng được trang bị từ đầu tới chân bởi Puma. Puma đã là nhà tài trợ trang phục thể thao cho Ghana kể từ năm 2005 cho tới nay và hãng này cũng được đội bóng “lục địa đen” ưa chuộng bởi luôn biết cách tôn trọng nền văn hóa của đất nước này bằng cách đưa lên áo đấu những họa tiết đặc trưng của đất nước tới từ châu Phi. Nhưng quan trọng hơn cả là về mặt công nghệ, Puma đã đưa công nghệ mới để tăng cường sức chịu đựng của cơ thể cũng như sự dẻo dai của các vùng cơ.

Adidas đã triển khai giải pháp cấp nguồn làm mát trước adiPower là áo và tất để đảm bảo cho các cầu thủ chơi bóng với năng suất tối đa. Áo làm bằng chất liệu 94% polyester và 6% cotton, được làm mát trước khi mặc và được dùng trong luyện tập cho các cầu thủ hoặc để mặc trước và sau khi thi đấu giúp cầu thủ duy trì nhiệt độ mát mẻ trong 15 hoặc 20 phút sau khi mặc. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ có cho 9 đội bóng sử dụng đồ Adidas và được hãng tài trợ là được hưởng lợi.

Nike là nhà tài trợ trang phục thi đấu cho đội tuyển Mỹ, sử dụng công nghệ mới Dri-FIT để cải thiện nhịp thở của các vận động viên cũng như có khả năng phù hợp với mọi hình dáng cơ thể của các VĐV. Nike cũng trang bị công nghệ làm mát tương tự Adidas cho các đội tuyển mà họ tài trợ áo đấu, tuy nhiên công nghệ này cũng chẳng mấy phát huy tính hiệu quả đặc biệt là với việc chống lại độ ẩm cao. Bằng chứng là cầu thủ đội tuyển Mỹ Jozy Altidore đã phải rời trận ngay từ những phút đầu khi gặp chấn thương kheo được cho là liên quan đến vấn đề thời tiết.

Sự thay đổi của những đôi giày bóng đá



Cộng thêm vào đó là công nghệ thời trang dựa trên việc lựa chọn màu sắc, đặc biệt là màu giày. Những chiếc giày to lớn, nặng nề không còn được cầu thủ bóng đá ưa chuộng nữa. Thay vào đó họ cần đôi giày thể thao với kiểu dáng đẹp và được chế tạo bằng các công nghệ tốt nhất nhằm hỗ trợ tối đa cuộc chơi trên sân cỏ.

Nắm bắt được xu hướng đó, tại World Cup 2014, các hãng sản xuất đồ thể thao nổi tiếng mang đến các mẫu giày mới nhất với công nghệ tiên tiến nhất.

Hãng Nike vừa công bố mẫu giày Mercurial Superfly với phương pháp dệt three-knit nhằm tối thiểu hóa lượng vật liệu giúp đôi giày mỏng hơn. Điều này cho phép khoảng cách giữa bàn chân và quả bóng gần hơn nhằm tăng cường "cảm giác bóng" cho cầu thủ khi tiếp xúc. Mẫu giày còn được áp dụng kỹ thuật Dynamic Fit Collar giúp cổ đôi giày vừa vặn với cổ chân nhằm mang lại cảm giác tự nhiên nhất cho cầu thủ. Phần đinh tán được tăng cường ở gót chân giúp cầu thủ đứng vững hơn cũng như gia tăng lực ở mỗi cú sút. Cristiano Ronaldo là cầu thủ quảng bá cho mẫu giày này.

Giầy Adidas năm nay có tên là Battle Pack và Samba. Trong khi Battle Pack phối màu đen trắng là bộ sưu tập chính thức cho World Cup thì Samba lại là dòng sản phẩm nhiều màu sắc.

Công nghệ ngày một phát triển và người ta đang nghĩ tới một tương lai, có thể là trong World Cup 2018, công nghệ cao trong ngành y tế có thể giúp chữa lành các vết thương ngay tại sân đấu.

Minh Đăng
Thủ thành Tim Howard đi vào lịch sử
Thủ thành Tim Howard đi vào lịch sử

Mặc dù phải vào lưới nhặt bóng đến 2 lần và đội nhà thất bại 1-2 trong cuộc đối đầu tại vòng 1/8 với "Quỷ đỏ" Bỉ rạng sáng ngày 2/7, nhưng thủ môn kỳ cựu của đội tuyển Mỹ Tim Howard đã được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN