“Miền đất dữ”

Vicem Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ phải xuống chơi ở giải hạng nhất khi chỉ có 11 điểm qua 18 vòng đấu, đứng chót bảng xếp hạng. Chưa bao giờ, người hâm mộ bóng đá đất Cảng lại thất vọng về đội bóng của họ đến vậy. Càng thất vọng hơn, bóng đá Hải Phòng đang để lại tiếng xấu với những hành vi phi thể thao cả trong và ngoài sân cỏ. Không ít đội bóng và trọng tài ở V.League gọi sân Lạch Tray là “Miền đất dữ” mỗi khi họ phải đặt chân tới đây.

HLV bất lực khi con tàu “Titanic” Vicem Hải Phòng đang dần chìm.


Một thời để nhớ

Người hâm mộ có lẽ không thể quên thời oanh liệt của bóng đá Hải Phòng ở thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước. Gần một phần tư thế kỷ, Hải Phòng được đánh giá là một trong ba trung tâm bóng đá lớn của cả nước, với 4 đội bóng thi đấu ở hạng A (hạng cao nhất ở thời điểm đó) là Xi măng Hải Phòng, Cảng Hải Phòng, Công an Hải Phòng và Điện lực Hải Phòng. Khó có thể quên những tên tuổi lớn đã làm nên vinh quang cho bóng đá đất Cảng, với những biệt danh mà người hâm mộ đã đặt cho họ như Túc “gù”, Dịp “sếu”, Kim “nhện”, Công “khoèo”, Hùng “sói”, Nam “kính coong”, Cường “quái, Việt “hói”, Quang “ổi”, Định “con”, Đức “di”, Thành “C”, anh em nhà Lê Quang Long, Lê Quang Ninh… Những năm tháng đó, ngoài sân chính là Lạch Tray, Hải Phòng còn có 3 sân khác đủ tiêu chuẩn thi đấu là Golan, sân Cảng và sân Máy Tơ.

 

Cứ mỗi chiều đến, sân tập của các đội chẳng khác gì ngày hội. Khán giả vây kín vòng trong vòng ngoài để được tận mắt chiêm ngưỡng các thần tượng của mình, để chia sẻ cảm xúc về những trận đấu hay, những bàn thắng đẹp... Thế hệ cầu thủ thời đó đã để lại những dấu ấn khó phai bằng những trận cầu gây tiếng vang không chỉ ở những giải đấu trong nước (như Tuyển Hải Phòng gặp Tuyển Hà Nội, Công an Hải Phòng gặp Công an Hà Nội…), mà cả ở những trận giao hữu quốc tế với Thiên Tân – Trung Quốc, hoặc các câu lạc bộ thuộc Liên Xô và các nước Đông Âu (cũ)… Hải Phòng những năm tháng ấy thực sự là điểm đến hấp dẫn của các đội bóng mạnh. Không ít đội bóng tên tuổi của nước ngoài đã chọn Hải Phòng làm đối tác để cọ sát chuẩn bị cho các giải đấu lớn. Những trận đấu với sự góp mặt của đội tuyển Hải Phòng luôn là những trận cầu hấp dẫn, đầy tinh thần thượng võ. Lối chơi của lớp thế hệ cầu thủ thời đó không phải là lối chơi “chém đinh chặt sắt”, triệt hạ đối thủ, mà là một lối hoa mỹ, hiệu quả, với chút lãng mạn của chú gà trống Goloa (Pháp), chút mạnh mẽ của “cỗ xe tăng Đức”, chút tổng lực của bóng đá Hà Lan… Tất cả yếu tố đó đã làm nên “thương hiệu” của bóng đá đất Cảng một thời.


Khi bóng đá bị thương mại hóa


Khó có thể ngờ bóng đá Hải Phòng lại sa sút nhanh đến vậy, nhất là khi bước vào cơ chế thị trường, thì truyền thống của bóng đá Hải Phòng nhanh chóng bị phủ một lớp bụi mờ. Nhiều chân sút có hạng của bóng đá đất Cảng không còn thiết tha thi đấu cho đội bóng quê hương, mà chạy theo tiếng gọi của đồng tiền. Ở thời điểm hiện tại, đội hình chính của đội chỉ còn vài ba cầu thủ gốc Hải Phòng trụ lại. Trong khi đó, sự bùng nhùng trong cơ chế quản lý (đội bóng bị đẩy cho hết cơ quan chủ quản này đến cơ quan chủ quản khác), sự đầu tư theo kiểu “ăn sổi”, thiếu bài bản, coi nhẹ công tác đào tạo lực lượng kế cận…, khiến bóng đá Hải Phòng bị tụt hậu so với đối thủ.


Hẳn người hâm mộ chưa thể quên thương vụ chuyển nhượng nổi đình đám ở mùa giải 2009 khi Hải Phòng đưa về sân Lạch Tray chân sút cựu vô địch thế giới Denilson. Thật đau lòng khi lãnh đạo đội bóng đã bỏ ra cả triệu USD chỉ đổi lấy 52 phút thi đấu của cầu thủ người Braxin này. Không thể lấp liếm và có thể coi đây là bài học đắt giá khi đội bóng đất Cảng phải bỏ ra một khoản tiền kếch xù để rước về “một thương binh” không hơn không kém. Sau “thương vụ” Denilson, nhiều người nhận xét rằng Hải Phòng chơi sang, họ được nhiều hơn mất, vì mục đích của canh bạc này không ngoài “đánh bóng thương hiệu”. Chưa hết, cách đây hai mùa bóng, Hải Phòng đã không ngần ngại rút hầu bao mua đến nửa quân số của đội bóng thành Nam. Thế nhưng, cách làm trên chẳng khác một mảnh ghép chắp vá trong đội hình, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Sự chia rẽ giữa các cầu thủ gốc Hải Phòng với các cầu thủ gốc Nam Định trong phòng thay đồ cũng như trên sân cỏ khiến lối chơi của đội như vô hồn, mạnh ai nấy đá... Kết cục, đội bóng đất Cảng đã trồi sụt ở nửa cuối bảng xếp hạng. Bệnh hám thành tích cũng như động cơ làm bóng đá để kinh doanh của những người cầm cân nảy mực đã đẩy bóng đá Hải Phòng vào ngõ cụt.


Nhiều người nhận xét, cách làm bóng đá của Hải Phòng hiện nay chẳng khác “xây nhà từ nóc”, nó không bắt nguồn từ nền tảng truyền thống cũng như thế mạnh của bóng đá đất Cảng, mà bị chi phối bằng đồng tiền. Có thông tin, để cứu vãn tình thế trước nguy cơ tụt hạng, Vicem Hải Phòng tiếp tục sử dụng sức mạnh của đồng “mã kim” để kích thích tinh thần thi đấu của các cầu thủ.


Còn nhớ ở giai đoạn lượt về V.League 2011, Vicem Hải Phòng cũng từng lâm vào tình cảnh tương tự. Khi mùa giải chỉ còn 4 vòng đấu, “ông bầu” Nguyễn Văn Thành bất ngờ tuyên bố sẽ thưởng 1,5 tỷ đồng cho mỗi trận thắng bất kể sân nhà hay sân khách cùng 3 tỷ đồng nếu đội trụ hạng thành công. Kết quả của liều “doping” thể hiện ngay sau đó: Vicem Hải Phòng thoát hiểm ngoạn mục và các cầu thủ hả hê với khoản thu nhập khổng lồ.


Còn mùa giải này, cũng bằng cách đó, Vicem Hải Phòng liệu có trụ hạng? Nếu giả thiết trên trở thành hiện thực, thì trong con mắt của người hâm mộ, bóng đá Hải Phòng cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà thôi. Điều nguy hại hơn, nó sẽ tạo nên một tiền lệ xấu không chỉ riêng với bóng đá đất Cảng.


Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN