Lại chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”

Lại thêm một lần, mâu thuẫn giữa đơn vị quản lý và vận động viên lại xảy ra ở thể thao đỉnh cao, khi “nữ hoàng judo” Văn Ngọc Tú mới đây có đơn gửi Tổng cục TDTT đề nghị can thiệp việc Trung tâm Huấn luyện thể thao Gia Lai gây khó dễ khi cô muốn chấm dứt hợp đồng.


Có thể nói, Văn Ngọc Tú đang là “công thần” của judo Việt Nam, bởi cô từng 5 lần góp mặt tại SEA Games và giành 5 Huy chương vàng ở đấu trường này. Có lẽ vì thế, mà Tú được rất nhiều địa phương trải thảm đỏ mời gọi về đầu quân. Tháng 6/2011, Tú rời cơ quan cũ là Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng để về thi đấu cho Trung tâm Huấn luyện thể thao Gia Lai với mức lương 10 triệu đồng/tháng trong một hợp đồng được ký tới năm 2014. Nhiệm vụ của Tú là ngoài tập luyện và thi đấu cho đội tuyển quốc gia, cô phải thi đấu tại các giải Judo quốc nội trong màu áo của Gia Lai.


Tuy nhiên, sau gần 3 năm khoác áo cho đội tuyển judo Phố núi, sự nghiệp thi đấu của cô đã gặp không ít trắc trở. Cụ thể, cô không được đơn vị chủ quản trả lương theo đúng hợp đồng đã ký, buộc cô phải làm đơn xin chấm dứt hợp đồng để tìm bến đỗ mới. Theo quan điểm của Tú , tuổi nghề của vận động viên đỉnh cao không được lâu, nên khi không được trả công và lương theo đúng thỏa thuận, việc cô xin chấm dứt hợp đồng là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị của cô đã không được Trung tâm HLTT Gia Lai chấp thuận, khiến cô phải gửi đơn kêu cứu lên Tổng cục TDTT. Sở dĩ Tú có hành động như vậy bởi theo điều khoản ghi trong hợp đồng lao động, phía vận động viên có quyền được xin thanh lý hợp đồng trước thời hạn.


Trường hợp của Văn Ngọc Tú đúng hay sai thế nào rất cần được các bên liên quan sớm giải quyết, bởi nếu kéo dài, nó không chỉ làm ảnh hưởng tới tâm lý luyện tập cũng như thi đấu của cô, mà còn ảnh hưởng tới tâm lý của nhiều vận động viên khác đang tham gia tập huấn chuẩn bị cho SEA Games 27.


Xung quanh câu chuyện của “nữ hoàng judo” Văn Ngọc Tú, nhiều người cho rằng, những bất cập nảy sinh trong cung cách quản lý của ngành TDTT địa phương, cũng như ý thức tuân thủ các quy định trong hợp đồng lao động không còn là cá biệt, nếu không được quan tâm thỏa đáng, nó sẽ tạo những tiền lệ xấu về sau.


Thể thao đỉnh cao Việt Nam đã từng xảy ra không ít trường hợp “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong việc tuyển chọn, sử dụng vận động viên. Cách đây chưa lâu, đã từng xảy ra mâu thuẫn về hợp đồng giữa vận động viên bóng chuyền Nguyễn Hữu Hà và CLB Tràng An Ninh Bình, khiến tuyển thủ quốc gia này phải nghỉ thi đấu 1 năm. Điền kinh cũng từng gặp rắc rối trong trường hợp của Vũ Thị Hương với đơn vị cũ Thái Nguyên, hay Trương Thanh Hằng và TP Hồ Chí Minh… Nhìn chung, cái gốc của vấn đề vẫn là vận động viên muốn chuyển đến thi đấu cho các đơn vị có điều kiện kinh tế ổn định hơn, được đãi ngộ tốt hơn và có cơ hội phát triển tài năng hơn…, nhưng đều bị đơn vị chủ quản cũ giữ chân.


Trở lại trường hợp của Văn Ngọc Tú. Khi được hỏi về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, đã nhận được đơn của Văn Ngọc Tú. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng , trước mắt lãnh đạo Tổng cục TDTT đề nghị các bên liên quan ngồi lại với nhau giải quyết. Do đây là hợp đồng về lao động, nếu sự việc không được giải quyết ổn thỏa, chỉ còn cách là nhờ tòa án phân xử. Hy vọng, Tú và đơn vị chủ quản là Trung tâm Huấn luyện thể thao Gia Lai sẽ tìm được tiếng nói chung trong thời gian sớm nhất.


Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN