Nghề tay trái của các ngôi sao:

Khi cầu thủ Việt kinh doanh

Những cầu thủ nổi tiếng thế giới lao vào kinh doanh không còn là chuyện gì mới lạ. Xu thế này thậm chí cũng đã trở nên quen thuộc trong giới cầu thủ Việt Nam những năm gần đây. Tận dụng sự nổi tiếng hay đơn giản hơn là muốn tranh thủ một số vốn nhàn rỗi để cải thiện điều kiện kinh tế và xa hơn là lo cho tương lai lâu dài của bản thân, đó là nhu cầu thực tế của nhiều cầu thủ khi mà sự nghiệp bóng đá thường kết thúc ở độ tuổi ngoài 30.


Huỳnh Đức là một ông chủ có tiếng trong giới buôn bán đồ thể thao ở Đà Nẵng. Ảnh: internet


Từ cửa hàng thể thao


Đi tiên phong cho phong trào “lập nghiệp” ngoài bóng đá trong giới cầu thủ Việt phải kể đến Lê Huỳnh Đức. Công việc chính hiện nay của cựu tiền đạo từng 3 lần giành Quả bóng vàng Việt Nam là HLV tại SHB Đà Nẵng và anh đang là ứng cử viên sáng giá để tiếp quản chiếc ghế HLV đội tuyển Việt Nam. Song song với những buổi tập, những trận đấu, kể từ khi chuyển gia đình về Đà Nẵng năm 2003, Huỳnh Đức cũng dời luôn cửa hàng thể thao nổi tiếng của anh trên Sài Gòn về thành phố sông Hàn. Anh hiện được biết đến là một “đại gia” buôn bán đồ thể thao tại Đà Nẵng, với trụ sở chính tọa lạc tại ngã 5, Phan Chi Trinh.


Tiếp sau Huỳnh Đức, một cựu cầu thủ nổi tiếng khác là Triệu Quang Hà cũng đã khai trương cửa hàng bán trang phục thể thao mang tên “T. QUANG HÀ SPORT” năm 2001. Tôi từng có dịp ghé thăm “công ty gia đình” của Quang Hà trên phố Tôn Đức Thắng Hà Nội, mặt hàng chủ yếu ở đây là quần áo, giày thể thao... hàng hiệu. Gọi là “công ty gia đình” bởi Quang Hà giao phó công việc quản lý cửa hàng cho mẹ và chị anh, ngoài ra còn tạo điều kiện để những người thân từ Thanh Hóa ra Hà Nội làm việc. Nặng lòng với bóng đá, Quang Hà hiện là HLV đội bóng quê hương Thanh Hóa, trong lúc công việc kinh doanh của anh đang gặp khó khăn trong thời gian gần đây.


Nói về những cựu cầu thủ làm kinh doanh thì không thể không nhắc tới anh em nhà Văn Sỹ. Với tình yêu bóng đá, cả gia đình đã dồn sức, dồn tiền để lập nên công ty đào tạo bóng đá trẻ mang tên VST, đặt trụ sở tại Cửa Lò, Nghệ An. Văn Sỹ Thủy làm giám đốc, Văn Sỹ Hùng làm HLV trưởng, Văn Sỹ Ngọc làm trợ lý giám đốc tài chính... Trung tâm đào tạo này từng cung cấp nhiều cầu thủ cho các CLB như Bình Dương, Hòa Phát, T&T hay Ninh Bình.


Qua nhà hàng, quán ăn


Trong bối cảnh các đội bóng Việt Nam đang gặp khủng hoảng tài chính, nhiều cầu thủ ngôi sao hiện bị đẩy ra đường hoặc ở trong trạng thái chờ đợi một lời đề nghị. Nhưng cũng có những cầu thủ không chờ “nước đến chân mới nhảy” và họ từ lâu đã thúc đẩy công việc kinh doanh để đảm bảo tương lai cho bản thân và gia đình.


Năm 2009, Phạm Thành Lương đã mở quán cafe Diva trên phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Đội tuyển Việt Nam sau khi tham dự SEA Games 25 từng đến đây ủng hộ Lương “dị”. Quán cafe này hiện vẫn làm ăn được, khiến Thành Lương không quá đau đầu về tài chính sau sự kiện CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên bị giải thể.


Cũng chưa tìm được CLB mới như Thành Lương, tiền đạo Lê Công Vinh mới đây nói đang tính chuyện kiếm cái bằng đại học để theo đuổi sự nghiệp HLV như rất nhiều đàn anh đã làm. Nhưng người ta cũng biết rằng Công Vinh cùng với đồng hương là thủ môn Dương Hồng Sơn đang sở hữu một nhà hàng “hoành tráng” mang tên hai người tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.


Công Vinh và Hồng Sơn chung nhau mở một nhà hàng ở Vĩnh Phúc. Ảnh: internet


Một trong những cầu thủ gây sốc trong thời gian qua là tiền vệ Nguyễn Mạnh Tú. Chán nản vì sự nghiệp chẳng đi đến đâu sau khi trôi dạt từ Ninh Bình vào Khánh Hòa, vợ chồng cầu thủ gốc Nam Định này đã mở một quán bánh cuốn Bắc tại đường Nguyễn Thị Thập, Q.7, Tp. Hồ Chí Minh. Sớm hôm vất vả nhưng lại có thu nhập, Mạnh Tú dù vậy vẫn đang chờ đợi cơ hội một lần nữa được xỏ giày ra sân.


Tới nghề bình luận viên


Kinh doanh thì vẫn kinh doanh, nhưng rõ ràng, bóng đá luôn là niềm đam mê đã ăn vào máu hầu hết các cầu thủ. Không ngạc nhiên khi nhiều cầu thủ chọn nghề HLV sau khi treo giày. Bên cạnh đó, một số người có tài ăn nói một chút thì lại đang được biết đến với tư cách là các bình luận viên bóng đá. Đặng Phương Nam là một trong số đó.


Cựu cầu thủ Thể Công này có cái duyên với truyền hình giống cha Đặng Gia Mẫn. Những người theo dõi V-League hay bóng đá Anh cuối tuần có thể thấy Phương Nam xuất hiện trong các chương trình bình luận trước, trong và sau các trận đấu trên kênh Bóng đá TV (truyền hình cáp Việt Nam). Khả năng diễn đạt lưu loát và đặc biệt là vững về chuyên môn, anh đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới mộ điệu túc cầu.


Đôi lúc xuất hiện bên cạnh và cùng tung hứng với Phương Nam là một gương mặt nổi tiếng khác của bóng đá Việt Nam một thời, cựu trung vệ Phạm Như Thuần. Không nhanh mồm, nhanh miệng như Phương Nam, nhưng Như Thuần lại có những đánh giá sâu và chính xác về lối chơi của các đội bóng... bên tận trời Tây.


Trong khi đó, một cựu trung vệ “thép” khác là Nguyễn Mạnh Dũng lại đang tham gia bình luận trên kênh VTC (truyền hình kỹ thuật số). Mạnh mẽ trên sân cỏ, những nhận định sắc sảo của Dũng “Giáp” cũng đang thu hút được sự chú ý của đông đảo người hâm mộ bóng đá Anh mỗi dịp cuối tuần.



Bảo An

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN