Hữu Thắng và giấc mơ Tiqui-taca

Chưa bao giờ việc một thầy nội lên ngồi ghế huấn luyện các đội tuyển quốc gia như HLV Nguyễn Hữu Thắng, lại tạo nên một hiệu ứng tích cực trong dư luận đến thế. Với Hữu Thắng, ước mơ của HLV trẻ này sẽ thiết kế lối chơi bóng ngắn, kỹ thuật cho các học trò. Về lý thuyết, Tiqui-taca là không quá phức tạp, nhưng trên thực tế, để trình diễn được lối chơi đẹp mắt như thế lại không đơn giản.

Xác định hướng đi

HLV Hữu Thắng không ngần ngại khẳng định, anh sẽ xây dựng lối chơi bóng ngắn, kỹ thuật cho các học trò. Hướng đi của tân HLV đội tuyển quốc gia đã đánh trúng tâm lý của người hâm mộ Việt Nam, vốn yêu bóng đá đẹp.

Hữu Thắng đang được đặt niềm tin sẽ đem đến làn gió mới cho tuyển Việt Nam.

Người hâm mộ Việt Nam đang muốn đội tuyển bóng đá quốc gia của mình đá thế nào cho phù hợp với thể chất người Việt Nam: Đó là đá ngắn, đá nhỏ. Tiqui-taca là mẫu để các HLV cho các học trò của mình học theo. Thế nhưng, đá Tiqui-taca khó hơn tất cả các lối đá khác. Thể lực cần có để đá Tiqui-taca trong suốt trận đấu, các cầu thủ Việt Nam không đủ sức theo. Khi chúng ta chuyển lối chơi sang đá ngắn, đá nhỏ theo trường phái Tiqui-taca, có nghĩa đội tuyển của chúng ta sẽ phải từ bỏ lối đá truyền thống của mình từ lâu nay là đá thọc sâu, chạy dài, lật cánh đánh đầu là chính.

Nói là phù hợp với thể trạng, nhưng đội tuyển hiện tại không có những cầu thủ đáp ứng được lối chơi này. Tiqui-taca đòi hỏi thể lực, nhanh và kỹ thuật cực tốt. Nếu xây dựng cách đá Tiqui-taca, thì những cầu thủ tốt nhất Việt Nam hiện nay như Công Vinh, Anh Đức sẽ rất khó đá. Đây là một vấn đề về mặt chiến thuật. Đá dài thì chúng ta không đủ sức, va chạm cũng không đủ sức, nên chúng ta chọn lối đá ngắn, phối hợp nhỏ. Nhưng thay đổi lối chơi là cả một vấn đề. Nó đòi hỏi cả một tập thể đồng đều, chứ không xây dựng lối chơi dựa trên một vài cầu thủ “ngôi sao”. Nhìn vào những cầu thủ hiện tại của đội tuyển Việt Nam, đá được Tiqui-taca là quá khó.

Đường còn dài

HLV Nguyễn Hữu Thắng trong ngày nhận nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia đã cho rằng: “Cần phải tạo một lối đá có bản sắc cho đội tuyển Việt Nam”. Nhưng muốn hình thành nên bản sắc, một đội bóng cần phải có thời gian cùng chiến lược để tạo nên sự nhất quán. Và qua các đời HLV, lối chơi của các đội tuyển bóng đá Việt Nam thay đổi xoành xoạch, thiếu nhất quán. Việc mỗi đội tuyển ở mỗi độ tuổi khác nhau chơi theo phong cách khác nhau là chuyện thường gặp. Mới đây thôi, dưới thời HLV Miura, ông thầy người Nhật Bản ưa dùng lối đá thiên về sức mạnh, tranh chấp và bóng dài. Nhưng khi ông Thắng lên cầm đội, lối chơi của Việt Nam đã thay đổi.

Lối chơi bóng ngắn, kỹ thuật được chú trọng dưới thời HLV Hữu Thắng.

Qua hai trận gặp Đài Loan (Trung Quốc) và Iraq ở vòng bảng Worl Cup 2018 khu vực châu Á, HLV Hữu Thắng đã cho các học trò của mình chơi ban bật, phối hợp trong cự ly ngắn và trung bình dựa vào những cầu thủ có lối chơi thiên về kỹ thuật của ông. Sơ đồ 4-1-4-1 tiếp tục được HLV xứ Nghệ sử dụng và bộ đôi tiền vệ trung tâm Xuân Trường, Tuấn Anh chính là những mắt xích quan trọng.

Lối chơi Tiqui-taca có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, và về cơ bản cách đá này không có gì quá đặc biệt hay nôm na là đơn giản khi nguyên tắc chủ yếu: Chuyền - chạy, đồng thời di chuyển không bóng với tần suất cao. Nghe đơn giản nhưng áp dụng điều này vào thực tế lại rất khó khi lối chơi này đòi hỏi một nền tảng thể lực tốt nhằm thực hiện việc… chạy chỗ liên tục. Thế nên phong cách đá đẹp mắt khởi nguồn từ Barca, rồi tới đội tuyển Tây Ban Nha trong nhiều năm qua nhưng rất ít đội bóng làm theo được.

Trước một đội bóng yếu là Đài Loan, có vẻ cách đá này khá hiệu quả và đẹp mắt. Nhưng đến khi gặp một đối thủ mạnh có lối chơi toàn diện cả về mặt sức mạnh và kỹ thuật như Iraq thì các cầu thủ Việt Nam đã bộc lộ sự lóng ngóng trong lối chơi của mình và đội tuyển Việt Nam đã không thể triển khai lối chơi theo đúng ý đồ. Các cầu thủ Việt Nam cố gắng chơi bóng kiểu… tiqui-taca, nhưng thực tế lại chơi rất loạn nhịp. Cầu thủ cầm bóng và chuyền trong thế khó, cầu thủ nhận bóng càng khó khăn hơn khi không chạy chỗ và lối chơi này hoàn toàn phá sản, bị đối phương áp sát và lấy bóng dễ dàng. Những cầu thủ có lối chơi kỹ thuật hàng đầu hiện nay như Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường cũng không thể vận hành được lối chơi kỹ thuật này vì... không đủ sức.

Thực chất khi Hữu Thắng lên nắm đội tuyển thì bóng đá Việt Nam cũng chẳng có nhiều thay đổi so với người tiền nhiệm Miura. Quân của Hữu Thắng hầu hết đều có mặt dưới thời HLV Miura. Nhưng qua hai trận đấu đầu tiên dưới thời của HLV Nguyễn Hữu Thắng có thể nhận ra sự thay đổi về tinh thần và một tư duy chiến thuật mới. Giấc mơ của tân HLV trưởng ĐTQG là rất đẹp, nhưng để làm được lại là một vấn đề khác, mà ở đây ngay lúc này là điều không thể khi mà cả về thể lực lẫn kỹ thuật của các cầu thủ Việt Nam đều yếu và thiếu. Thực tế, đến thời điểm này có thể nói chưa thể hình thành lối chơi này ở tuyển Việt Nam. Tuyển Việt Nam chưa có được bản sắc cho riêng mình, mà mới chỉ là bản sắc của HLV trưởng người xứ Nghệ.

HLV Hữu Thắng có thành công với đội tuyển hay không, cần phải chờ thời gian mới có thể trả lời được!
Lê Sơn
Màn ra mắt hoàn hảo của HLV Hữu Thắng
Màn ra mắt hoàn hảo của HLV Hữu Thắng

Tối 24/3, ở lượt trận áp chót bảng F vòng loại World Cup 2018 trên sân Mỹ Đình, trong lần đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và trước đối thủ không quá mạnh là đội tuyển Đài Loan (Trung Quốc), thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng đã đem đến bữa tiệc cảm xúc tại “chảo lửa” Mỹ Đình cho người hâm mộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN