Ghi chép từ sân Thanh Hóa: Có “Tài sản” thì phải biết giữ gìn

Trong đường hầm của sân Thanh Hóa và trước cửa phòng họp báo sau trận Thanh Hóa - Đồng Nai (3-0) tại vòng 15 V-League chiều 3/5, chúng tôi bắt gặp nhiều bạn trẻ níu lấy tay HLV Mai Đức Chung, xin được chụp ảnh lưu niệm. Trong đời mỗi HLV, còn gì hạnh phúc và tự hào hơn thế, khi được xem là một người hùng, một thần tượng!

 

“Cơn lốc vàng” ấn tượng trên sân Thanh Hóa.


Tuy nhiên, cũng có một cổ động viên trung tuổi, cầm cờ và mặc chiếc áo truyền thống của đội bóng xứ Thanh, tiến lại gần Chung “xe ca” mà rằng: “Ông Chung ơi, ông có biết khoảng 15 phút cuối trận, nhiều khán giả đã bỏ về hay không?”. Đó vừa như một lời trách móc, vừa là lời cảnh báo đối với HLV của Thanh Hóa.


Trong phòng họp báo ngay sau đó, như thường lệ, HLV Mai Đức Chung lại cảm ơn sự cổ vũ nhiệt tình của “cầu thủ thứ 12” của Thanh Hóa, rằng nhờ có người hâm mộ mà đội Thanh Hóa đã chơi tốt và tiếp tục nuôi hy vọng giành thứ hạng cao ở mùa giải này. Nhưng việc ông Chung cho rằng “tỷ số 1-0, 2-0, 8-0 hay 11-0 đều như nhau, đều là 3 điểm” và “mong người hâm mộ thông cảm” lại chưa cho thấy hết nỗ lực của đội bóng vì người hâm mộ.


Chính vì thái độ thi đấu thiếu quyết tâm đó của các cầu thủ Thanh Hóa, khi họ liên tục chuyền bóng qua lại cho nhau để “câu giờ” ở cuối trận gặp Đồng Nai, mà nhiều khán giả đã huýt sáo, la ó và đứng dậy ra về. Một bộ phận người hâm mộ Thanh Hóa đã rất chờ đợi một cuộc thanh toán sòng phẳng món nợ thua 0-8 trước Đồng Nai ở lượt đi, nhất là khi Đồng Nai bị mất người từ rất sớm, nhưng họ còn mong nhiều hơn ở thày trò Mai Đức Chung về một tinh thần thi đấu “nhiệt” từ đầu đến cuối trận.


Người hâm mộ không dễ bị lừa!


Kể từ đầu mùa giải này, sân Thanh Hóa đã trở thành một trong những “chảo lửa” hiếm hoi của V-League. Trong bối cảnh niềm tin vào bóng đá nội đang mong manh hơn bao giờ hết và sân Hàng Đẫy của đương kim vô địch Hà Nội T&T ở ngay giữa Thủ đô cũng chỉ lôi kéo được vài ba nghìn khán giả mỗi trận, thì sân Thanh Hóa lúc nào cũng gần như chật kín. Trận gặp Đồng Nai cuối tuần qua, sân Thanh Hóa có 10.000 khán giả. Ở các trận đấu trước đó với Becamex Bình Dương hay Hà Nội T&T, mức độ “phủ sóng” của sân Thanh Hóa lên tới 13.000 người, tức là còn cao hơn cả sức chứa của sân (12.000 người). Cũng dễ hiểu khi sân Thanh Hóa luôn bị đặt trong tình trạng có nguy cơ “vỡ sân” cao.


Có vào bên trong cái “chảo lửa” ấy, mới cảm nhận được hết sức nóng như thiêu đốt của nó. Cả khán đài B ngập trong một màu vàng, của áo đấu, cờ, băng rôn, tiếng trống khua dồn dập, tiếng loa phóng thanh… Có cả một nhóm “hot girl” giơ cao biểu ngữ 2 mặt: “Thanh Hóa FC” và “Cơn lốc vàng”. Trong hiệp 2 của trận đấu với Đồng Nai, sau khi Thanh Hóa dẫn 2-0, làn sóng người màu vàng đã nổi lên trên khán đài. Thậm chí có cả pháo sáng. Có lẽ, ở Việt Nam, chỉ đội tuyển quốc gia khi thi đấu tại sân Mỹ Đình (Hà Nội) mới tạo nên được những làn sóng người cổ vũ như thế!


Và có lẽ, cũng chỉ ở sân Thanh Hóa, người ta mới có thể đọc được những biểu ngữ lớn cho thấy họ biết tôn trọng người hâm mộ (ít nhất về hình thức là như vậy), như: “Tài sản lớn nhất của câu lạc bộ là người hâm mộ”, “Nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn nhân dân, cổ động viên về dự, động viên đội bóng Thanh Hóa”.


“Tài sản” đó không chỉ là thứ vô hình, là “cầu thủ thứ 12”, mà thực tế còn là thứ hữu hình, là tiền thu được từ bán vé và kinh doanh các sản phẩm liên quan đến đội bóng (áo đấu, cờ, băng rôn, đồ ăn…). Nếu tính trung bình mỗi trận sân nhà của Thanh Hóa có 10.000 khán giả, thì tiền vé thu được là khoảng 500 triệu đồng/trận (50.000 đồng/vé). Mùa giải này, Thanh Hóa chơi 11 trận sân nhà, vậy là kiếm được trên 5 tỷ đồng chỉ riêng tiền vé.


Dù đây chưa phải là khoản thu lớn, nhưng lại chính là con đường đúng đắn để tiến lên bóng đá chuyên nghiệp thực sự. Cốt lõi của bóng đá hay bất kỳ môn thể thao nào khác đều là khán giả. Khán giả là nguồn thu bền vững nhất của đội bóng, về lâu dài có thể giúp cầu thủ có thể tự đứng trên đôi chân của chính mình. Khi có khán giả sẽ không lo gì không có nhà tài trợ, quảng cáo…

 
Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ngồi trên khán đài A sân Thanh Hóa cuối tuần qua có lẽ hiểu rõ điều này. Bởi ngồi ở đó mới cảm nhận được sự lạnh lẽo thường trực của 4 bề sân Hàng Đẫy, sức chứa 20.000 người, nhưng phải nhờ tới cả nghệ sỹ Chí Trung đon đả mời chào khán giả vào sân miễn phí cũng không “đắt”.


Mắt hướng sang khán đài B ngập sắc vàng, nhưng HLV Mai Đức Chung cũng không nên quên phía sau lưng mình. Rất đông khán giả bỏ về trước tiếng còi mãn cuộc, vì thất vọng về thái độ thi đấu của cầu thủ, vì họ bị tổn thương. Mùa trước, Thanh Hóa cũng đã chơi tốt ở giai đoạn đầu và lôi kéo được rất đông khán giả tới sân, nhưng số lượng này cứ thưa dần đi theo đà xuống dốc phong độ của đội bóng. Thậm chí, một số trận, khán giả xứ Thanh còn hét “Thanh Hóa bán độ”!


Có, thì phải biết giữ!


Bài và ảnh: Song Long

V-League 2014: Ấn tượng Thanh Hóa
V-League 2014: Ấn tượng Thanh Hóa

Kể từ khi có mặt tại V-League, chưa bao giờ Thanh Hóa chơi hay đến thế. Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho thành công ấy của đội bóng xứ Thanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN