Ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia: Vẫn chưa có chủ

Việc tìm kiếm HLV đội tuyển quốc gia đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) rậm rịch từ vài tháng nay và đang bước vào giai đoạn nước rút. Theo tuyên bố của VFF, chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia sẽ có chủ sau vòng 20 giải V.League, tức là vào đầu tháng 6 tới. Tuy nhiên, mọi việc lại không đơn giản như vậy.

Chuyện VFF tìm kiếm ứng viên cho vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia đang khiến dư luận đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi những diễn biến được thay đổi một cách liên tục. Thực hiện chủ trương này, những người có trách nhiệm của VFF đã thực hiện các cuộc tiếp xúc với các HLV Nguyễn Hữu Thắng (Sông Lam Nghệ An) và Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng). Nếu không có gì thay đổi, trong thời gian sớm nhất, đại diện của VFF sẽ có cuộc tiếp xúc tương tự với HLV Phan Thanh Hùng của Hà Nội T&T. Đây là những ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia.

Hữu Thắng - ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia.

Đầu tiên là việc VFF bật đèn xanh để các huấn luyện viên nội được phép kiêm nhiệm, nhưng sau khi Tổng cục Thể dục Thể thao không đồng ý với phương án trên, thì ngay lập tức, VFF lại chuyển sang giải pháp tìm huấn luyện viên chuyên trách ngắn hạn. Tại buổi làm việc với lãnh đạo của VFF mới đây, khi đề cập đến các ứng cử viên cho đội tuyển quốc gia, Tổng cục Thể dục Thể thao thể hiện rõ quan điểm là không đồng ý với chủ trương huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia kiêm nhiệm nhiệm vụ ở câu lạc bộ.

Còn nhớ, trong buổi ra mắt của tân Tổng Thư ký VFF Ngô Lê Bằng, ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch VFF đã tuyên bố: Hợp đồng với HLV đội tuyển quốc gia mà VFF đặt ra có thời hạn 2 năm và mức lương 200.000 triệu đồng/tháng (theo quyết định mà Ban chấp hành VFF đã thông qua). Nhiều ý kiến cho rằng, với mức lương trên quả là hấp dẫn, nhưng thời hạn của hợp đồng là 2 năm lại là một trở ngại lớn cho các ứng cử viên mà VFF đặt lên bàn cân. Trong số 3 ứng viên Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng và Lê Huỳnh Đức, có 2 người từng làm việc với huấn luyện viên Calisto ở đội tuyển quốc gia trước đây. Về mặt chuyên môn thì HLV Phan Thanh Hùng được đánh giá cao nhất, bởi câu lạc bộ mà ông đang dẫn dắt (Hà Nội T&T) được đánh giá là đội bóng đáng xem bậc nhất V-League mấy năm gần đây, và hiện tại câu lạc bộ này cũng đang ở tốp đầu của V.League Eximbank 2012. Trước đó, ông Phan Thanh Hùng từng tuyên bố sẵn sàng nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển quốc gia, nhưng với điều kiện phải được kiêm nhiệm. Tuy nhiên, nguyện vọng của ông Phan Thanh Hùng chắc chắn sẽ không được chấp thuận bởi những lý do nêu trên. Hai ứng cử viên còn lại là Nguyễn Hữu Thắng và Lê Huỳnh Đức dù bày tỏ mong muốn được thử thách ở cương vị mới, nhưng đây mới chỉ là quan điểm của cá nhân họ, vì cả hai đều đang vướng hợp đồng với các câu lạc bộ chủ quản. Nếu muốn có một trong hai huấn luyện viên nói trên ngồi vào “ghế nóng”, VFF phải nhận được sự đồng thuận của Sông Lam Nghệ An hoặc SHB Đà Nẵng. Khách quan mà nói, công việc kiêm nhiệm sẽ là một thách thức lớn cho các huấn luyện viên nội. Bởi theo đánh giá của giới chuyên môn, với trình độ và năng lực của các huấn luyện viên nội hiện nay, thì việc kiêm nhiệm ở đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ là quá tầm với họ. Vẫn biết, các ứng cử viên lọt vào tầm ngắm của VFF đều từng đảm đương công việc trợ lý cho các huấn luyện viên ngoại ở đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rằng, ở cương vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia nó khác hẳn ở cương vị trợ lý. Cũng cần phải nói rằng, trên thế giới, không có đội tuyển quốc gia nào lại tuyển huấn luyện viên trưởng theo kiểu kiêm nhiệm và thời vụ như cách làm của VFF.

Thực tế cho thấy, ở cương vị chèo lái đội tuyển, vai trò của người HLV trưởng đặc biệt quan trọng. Họ không chỉ đơn thuần theo dõi mỗi giải vô địch quốc gia, mà còn phải quan tâm tới các giải đấu khác (hạng nhất, cúp quốc gia…) hòng tìm kiếm các tài năng cho đội tuyển. Bên cạnh đó, họ còn phải đảm đương nhiều công việc đòi hỏi sự nỗ lực cao nhất và là kết quả của cả một quá trình, chứ không thể ngày một ngày hai mà thực hiện được. Do vậy, nếu huấn luyện viên trưởng mà chỉ gắn bó với đội tuyển quốc gia trong một vài tháng, e rằng công việc sẽ khó trôi chảy và chắc chắn thành tích mang lại sẽ không được như mong muốn. Đó là chưa kể, mỗi huấn luyện viên đều có cách làm việc riêng của mình, và nếu thời gian gắn bó với đội tuyển chỉ vài ba tháng, thì họ khó mà tạo được dấu ấn tại đội tuyển. Cũng cần phải nói thêm rằng, việc VFF chỉ đặt mục tiêu tuyển một huấn luyện viên chuyên trách trong thời hạn 3 tháng với đích nhắm là AFF Cup 2012, thì liệu sau giải đấu nói trên, đội tuyển quốc gia sẽ còn lại những gì, rồi ai sẽ là người tiếp quản “cơ đồ” mà vị tiền nhiệm để lại?

Trả lời báo giới xung quanh vấn đề tìm huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển quốc gia, Tổng Thư ký VFF Ngô Lê Bằng cho biết: Đại diện của VFF đã có cuộc tiếp xúc với các HLV Hữu Thắng và Huỳnh Đức và đại diện của hai đội bóng mà hai HLV này đang dẫn dắt. Về cơ bản, cả hai đều ý thức rõ đó là một vinh dự lớn và sẵn sàng đóng góp công sức cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, các câu lạc bộ mà Hữu Thắng và Huỳnh Đức đang làm việc chưa phải là cấp cao nhất để đưa ra tiếng nói quyết định. Như trường hợp HLV Hữu Thắng, do có sự ràng buộc với phía nhà tài trợ, nên phải chờ kết quả sau cuộc thương lượng. Tương tự, HLV Lê Huỳnh Đức cũng cần phải đợi ý kiến từ phía lãnh đạo đội bóng và TP Đà Nẵng…

Với những động thái đang diễn ra, xem chừng, chủ nhân của chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia vẫn là vấn đề nan giải.

Yến Nhi
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN