Được và mất ở SEA Games

Nhiều người hâm mộ bị sốc khi một số môn thế mạnh của thể thao Việt Nam, như vật, cử tạ, karatedo hay bóng đá nữ, bị gạt khỏi chương trình thi đấu của SEA Games 2015…


Không bóng đá nữ, vật, cử tạ


Trong phiên họp Hội đồng Liên đoàn thể thao Đông Nam Á (SEAGF) mới đây tại Singapore, chương trình thi đấu của Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 28 - Singapore 2015 đã cơ bản được thông qua. Theo đó, sau khi 30 môn đã được khẳng định tại phiên họp tháng 12/2013, có thêm 6 môn nữa được SEAGF nhất trí đưa vào chương trình thi đấu. Tổng số nội dung thi đấu vào thời điểm này là 381 nội dung.




Việt Nam gần như chắc chắn mất “mỏ vàng” vật tại SEA Games 2015.


Theo kế hoạch, chương trình thi đấu của SEA Games 28 sẽ được SEAGF thông qua lần cuối cùng vào cuối tháng 4/2014, nhưng nhiều khả năng sẽ không có thay đổi lớn so với danh sách 36 môn hiện tại. Chỉ 1 - 2 môn nữa đang được cân nhắc đưa vào chương trình thi đấu.


Hiện tại, 30 môn chắc chắn có mặt tại SEA Games 28 bao gồm: Thể thao dưới nước (bơi, bơi nghệ thuật, nhảy cầu, bóng nước), bắn cung, điền kinh, cầu lông, bóng rổ, billiards & snooker, bowling, canoeing, xe đạp, đấu kiếm, bóng đá, golf, thể dục dụng cụ, khúc côn cầu, judo, netball, pencak silat, bóng bầu dục 7 người, đua thuyền, cầu mây, bắn súng, bóng mềm, bóng tường, bóng bàn, taekwondo, quần vợt, đua thuyền rồng, triathlon, lướt ván và wushu.


6 môn vừa được SEAGF nhất trí thông qua và chờ quyết định cuối cùng vào tháng 4, gồm: Quyền Anh, đua ngựa, bóng sàn, bi sắt, rowing và bóng chuyền.


Như vậy, con số 36 môn hiện tại của SEA Games 28 là nhiều hơn so kỳ SEA Games gần đây nhất tại Myanmar (34 môn), nhưng vẫn chưa thể so sánh với số môn kỷ lục tại Indonesia năm 2011 (44 môn).


Theo giới chuyên môn, chương trình thi đấu này gây một số bất lợi đối với Việt Nam. Đáng kể nhất là sự vắng mặt của 2 môn Olympic vốn là thế mạnh của các vận động viên Việt Nam tại đấu trường khu vực: Vật và cử tạ. Trong số này, vật đã trở thành một “thương hiệu” của Việt Nam, khi luôn giành được nhiều huy chương vàng tại các kỳ SEA Games (10 HCV tại SEA Games 27). Ngoài ra, sự vắng mặt của cờ, karatedo, futsal và đặc biệt là bóng đá nữ cũng khiến cho nhiều người hâm mộ tiếc nuối.


Vovinam khó “đua” với kempo


Hiện tại, Việt Nam đang tích cực vận động đưa vovinam (Việt võ đạo) vào chương trình thi đấu của SEA Games 28. Tương tự như vậy, môn vật cũng đang được nhiều quốc gia ủng hộ có mặt tại Singapore, nhưng có được hay không còn phụ thuộc vào quyết định của SEAGF.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 16/3, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC), Hoàng Vĩnh Giang đánh giá: “Nước chủ nhà Singapore đã đưa ra một chương trình thi đấu hợp lý. Trong số 36 môn gần như chắc chắn đã có mặt, có tới 34 môn thuộc nhóm các môn Olympic và Asiad. Mặc dù Việt Nam phải chịu thiệt khi môn vật không có trong chương trình thi đấu, nhưng bù lại, 2 môn thế mạnh khác của chúng ta đã xuất hiện trở lại: Thể dục dụng cụ và đấu kiếm”. Ở đây, TDDC từng là môn mang về nhiều HCV nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 26 (11 HCV), nhưng đã không có mặt ở SEA Games 27.


Về khả năng vovinam “gây bất ngờ vào phút chót”, ông Hoàng Vĩnh Giang cũng chia sẻ hết sức thẳng thắn: “Việt Nam đang rất tích cực vận động để vovinam có thể góp mặt ở SEA Games 28, trong khi một số quốc gia khác vận động cho vật, karatedo, cờ vua… Nhìn chung, cơ hội dành cho vovinam là khó khăn, bởi chúng ta đang phải cạnh tranh với kempo. Hiện tại, kempo được ủng hộ, nhằm tạo điều kiện để Brunei có thể giành HCV. Tuy nhiên, chủ nhà Singapore cũng tính toán có huy chương kempo thì mới đưa môn này vào chương trình thi đấu. Quyết định cuối cùng thuộc về nước chủ nhà. Tiểu ban chuyên môn và kỹ thuật sẽ họp vào ngày 28/4, trước khi Hội đồng SEAGF thông qua chương trình thi đấu vào ngày 29/4”.


Ông Hoàng Vĩnh Giang nhấn mạnh, trong Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã được Chính phủ phê duyệt cuối năm 2013, mục tiêu của Việt Nam tại SEA Games là xếp hạng 1 - 3 toàn đoàn (các năm 2015, 2017, 2019) và phấn đấu xếp hạng 1 - 2 toàn đoàn trong giai đoạn 2020 - 2030. Đặc biệt, SEA Games còn nhằm mục đích tăng cường hữu nghị, đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia Đông Nam Á. Vậy nên, cho dù chương trình thi đấu SEA Games có biến động như thế nào, nhiệm vụ của ngành TDTT vẫn là giữ vững mục tiêu này.

 

Bảo An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN