Đua xe F1: Hành trình từ hiểm nguy tới an toàn

Nguy hiểm mà các tay đua trong các mùa giải F1 phải đón nhận thường rất lớn, những tưởng khiến môn thể thao tốc độ này khó có thể tồn tại lâu.


Hiểm nguy trong gang tấc


Năm 1976, tai nạn suýt chết của tay đua Niki Lauda tại đường đua Nürburgring (Đức) khiến xe của Lauda bị cháy. Tay đua này may mắn thoát chết ngay trong chiếc xe bốc lửa ngùn ngụt. Ba năm sau tai nạn, Niki Lauda không hết bị ám ảnh và quyết định giải nghệ. Sự nguy hiểm của đường đua Nürburgring khiến cho đường đua này bị gọi bằng cái tên “Địa ngục xanh”.


Chiếc xe Ferrari mà Niki Lauda lái đã trở thành một quả cầu lửa, đốt cháy khoảng 900 lít xăng trong vụ tai nạn tại Đức năm 1976.


Tay đua hoạt bát, tự tin người Xcốtlen Jackie Stewart đã thay đổi bộ mặt của F1 khi khởi xướng phong trào tẩy chay các cuộc đua không an toàn. Ông là người đầu tiên không chấp nhận việc coi cái chết của nhiều tay đua chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Theo Jackie Stewart trong giai đoạn đỉnh cao của ông từ năm 1968 cho tới năm 1973, bất cứ tay đua nào thi đấu liên tục trong giai đoạn này cũng đều đã từng trải qua tai nạn trên đường đua và ít nhất hai trong số đó là những tai nạn có thể gây tử vong. Nhờ vào những nỗ lực của Stewart, các trang bị cơ bản hàng rào chống va đập, bờ cỏ giảm tốc được đưa vào sử dụng và cho đến nay trở thành điều hiển nhiên trong các cuộc đua.


Sự hiện diện của đội cứu hộ, các dịch vụ y tế và một trung tâm hồi sức cấp cứu ngay tại trường đua cũng trở thành yêu cầu bắt buộc tại mỗi chặng. Động cơ bị bốc cháy cũng được xác định là nguyên nhân lớn nhất gây ra các tai nạn trên đường đua. Các bình xăng bằng kim loại cũ được thay mới, được bao quanh bằng cấu trúc an toàn hơn.


Năm 1976, Liên đoàn ô tô quốc tế (FIA) thông qua yêu cầu trang bị dây an toàn bắt buộc, tăng kích thước buồng lái cũng như đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng về quần áo chống cháy. Cùng với đó là quy định thời gian để giải thoát cho các tay đua là 5 giây sau khi bị tai nạn.


Trong vụ tai nạn của Lauda, chiếc mũ bảo hiểm của anh bị bay ra ngoài, khiến những người chứng kiến kinh hãi. Kéo theo đó là một loạt các cải tiến của các đội đua để đảm bảo an toàn. Ví như Lauda, Carlos Reutermann và Mario Andretti sau đó đều được trang bị quần áo bằng vật liệu chống cháy do NASA phát triển. Những cải tiến đó được xem là cứu mạng cho rất nhiều tay đua sau đó, nhưng vẫn còn có nhiều yếu tố gây chết người khác trên đường đua tốc độ trong hàng chục năm sau đó trong đó phải kể đến độ an toàn của những chiếc xe đua chưa được đề cao.


Những năm đầu của thập niên 80, yêu cầu tăng tốc khi vào cua là nguyên nhân gây ra thêm ba cái chết khác cho các tay đua cũng như kết thúc sự nghiệp thi đấu của vô số tay đua khác. Để tăng độ bền chắc của xe, người ta cho thiết kế các khung gần tiêu chuẩn bằng sợi các bon, các thùng nhiên liệu được chuyển ra phía sau người lái xe và sử dụng nhiều cách để kiểm tra độ va đập của những chiếc xe đua. Những cải tiến trên mang tới gần 12 năm F1 không hề có pha tử nạn nào cho tới vụ tai nạn năm 1994.


Ngày 1/5/1994, Grand Prix San Marino, chặng đua thứ ba mùa giải năm đó, đã trở thành một sự kiện gây bàng hoàng. Ayrton Senna, 3 lần vô địch thế giới, ra đi sau một tai nạn khủng khiếp. Một nhân chứng nhớ lại: "Thay vì rẽ sang trái, chiếc xe của Senna lại đâm thẳng vào bức tường bê-tông với tốc độ khủng khiếp. Cát bụi và những mảnh vỡ bắn tung lên, tôi chẳng kịp nhận thấy điều gì khác cho đến khi chiếc xe văng trở lại giữa đường, gần như nát bét, chỉ còn mỗi một bánh". Đó là một trong những thời khắc đen tối nhất lịch sử môn đua xe Công thức 1. Trước đó 1 ngày, ngay tại vòng đua phân hạng, chính Senna đã chứng kiến cái chết của tay đua người Australia Roland Ratzenberg. Toàn thể đất nước Braxin chấn động. Tổng thống khi đó tuyên bố quốc tang. Gần một triệu người đã có mặt dọc các phố của Sao Paulo để đưa tiễn Senna.


Nỗ lực vì sự an toàn


Tai nạn của Senna gây sốc trong giới thể thao toàn cầu. Nó buộc FIA phải đưa ra hàng loạt các quy định khe khắt về đảm bảo an toàn cho các tay đua. Yêu cầu đầu tiên là việc giảm tốc độ và tăng cường giảm thiểu tai nạn. Cải tiến đầu tiên là việc giới thiệu cấu trúc bó phanh cạnh sườn và phía sau nhằm giảm tốc độ. Buồng lái rộng hơn tạo điều kiện đặt các thiết bị bảo vệ. Mũ bảo hiểm được thiết kế theo quy định nghiêm ngặt. Ở các góc có nguy cơ cao về tai nạn được đặt bẫy sỏi, thiết kế hàng rào lốp xe được thay đổi bằng hàng rào can nước, an toàn hơn.


Kể từ năm 2000, buồng lái cũng được tăng cường độ an toàn với các vật liệu bảo hiểm dày hơn cũng như được thiết kế để có khả năng bảo vệ đầu và cổ. Thế nhưng tai nạn vẫn chưa rời các đường đua F1. Hết tai nạn với các tay đua, các nhân viên đương đua trở thành nạn nhân. Năm 2000, nhân viên chữa cháy Paolo Ghislimberti cũng bị một bánh xe văng trúng người và thiệt mạng tại đường đua Monza của giải Italian Grand Prix. Năm 2001, nhân viên đường đua Graham Beveridge đã thiệt mạng vì một vỏ xe bị rơi ra, bắn xuyên một lỗ trống ở hàng rào an toàn tại giải Australian Grand Prix. Sự cố này đã làm các quan chức F1 phải xem lại mức độ an toàn ở các đường đua và đưa ra các biện pháp cải tiến nhằm bảo vệ nhân viên đường đua. Lốp xe sợi được giới thiệu, hệ thống đèn LED trong xe cho tín hiệu về các nhân viên đường đua và lái xe sẽ bị phạt nặng nếu đua gây đe dọa đến những người tham gia hỗ trợ vòng ngoài này.


Và rõ ràng, với tốc độ cao mà các tay đua F1 đạt được, nguy hiểm vẫn luôn rình rập các tay đua và cả những người tham gia vào cuộc đua này. Nguy hiểm tới nỗi trên các tấm vé người ta có in dòng chữ cảnh báo để nhắc nhở người xem. Nguy hiểm tới nỗi năm 2009, trên đường đua tại Hungary, tốc độ cao khiến tay đua Felipe Massa không kịp xử lý. Từ đó đến nay, cũng đã một thời gian dài người ta tạm yên tâm với F1 không tử nạn. Nhưng những nỗ lực để có những mùa giải F1 an toàn vẫn luôn được nỗ lực thực hiện.



Lê Sơn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN