Đâu là chỗ đứng của HLV ngoại?

Việc bộ môn karatedo mới đây quyết định thay thế HLV kỳ cựu Lê Công bằng một HLV người Iran để dẫn dắt đội tuyển karatedo hướng tới Asiad 17 đã đặt ra câu hỏi về vai trò và hiệu quả công việc của HLV ngoại ở các đội tuyển quốc gia. Vậy họ đang đứng ở đâu?


Nhìn đâu cũng thấy “ngoại binh”


Xu thế sử dụng HLV ngoại đã không còn là chuyện mới mẻ trong làng thể thao Việt Nam. Không thể phủ nhận những đóng góp quý giá của các HLV nội, bởi họ chính là những người có công phát hiện và dìu dắt VĐV ở những bước chập chững ban đầu. Tuy nhiên, khi thể thao Việt Nam ngày càng vươn mình ra các đấu trường quốc tế và đặt những mục tiêu tham vọng ở Asiad, Olympic, thì luôn cần sự trợ giúp của các HLV, chuyên gia nước ngoài. Cũng không phải chờ tới những bước chuẩn bị cho Asiad 17, các bộ môn mới tiến hành “thay máu” trên băng ghế chỉ đạo.

HLV Lê Công (trái) vừa được bộ môn karatedo thay thế bởi một HLV người Iran. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN


Theo tìm hiểu, rất nhiều bộ môn đã và đang sử dụng HLV, chuyên gia nước ngoài theo hợp đồng dài hạn hoặc chỉ trong một sự kiện nhất định. Họ có thể trực tiếp đến Việt Nam làm việc, hoặc theo sát các VĐV ở các chuyến tập huấn. Thực tế này đang diễn ra ở môn bóng đá nữ (HLV Trần Vân Phát, người Trung Quốc), futsal nam (HLV Jose Garcia Formoso, Tây Ban Nha), quần vợt (chuyên gia Michael Baroch, Australia)…


Tại SEA Games 27 mới đây, số lượng HLV, chuyên gia nước ngoài kèm cặp các VĐV Việt Nam cũng rất đông đảo. Điền kinh có chuyên gia Yuryi Kobliakov người Ukraine; bơi có tới 3 chuyên gia là Holleman Frank (Mỹ), Noel Bertwistle (Australia), Wu Na (Trung Quốc); vật cũng có chuyên gia Abduraimov Edem (Uzbekistan) và bộ đôi Ri Ho Jun, Peak Myong Il (CHDCND Triều Tiên); bắn súng có các chuyên gia Hàn Quốc (Chung Gun Park, Choi Jung Ah); cử tạ có HLV Zhenya Ivanov Sarandaliev (Bulgaria)…


Có thể khẳng định, những tấm huy chương mà thể thao Việt Nam giành được tại các giải đấu quốc tế nhiều năm qua đều có dấu ấn của các HLV, chuyên gia nước ngoài. Họ giúp VĐV Việt Nam có cách tiệm cận mới mẻ, khác với phương pháp đào tạo truyền thống vốn dựa nhiều vào kinh nghiệm của các HLV trong nước. Các VĐV Việt Nam đang ngày càng bắt nhịp nhanh, thích nghi tốt với các kỹ thuật mới, nhằm nâng cao thành tích thi đấu.


Một ví dụ cụ thể là VĐV bơi Nguyễn Thị Ánh Viên đã có những tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua, nhờ quãng thời gian tập huấn dài hạn tại Mỹ; ăn uống, tập luyện và thi đấu theo giáo án của các chuyên gia Mỹ. Với một chương trình tập huấn như vậy, nữ kình ngư trẻ này đã có thể lao ra “biển lớn”, với rất nhiều hứa hẹn tại các kỳ Asiad hay Olympic sắp tới? Tương tự là Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi hay Lâm Quang Nhật, họ đều đã có sự đột phá về thành tích nhờ những chuyến tập huấn nước ngoài và được làm việc với các chuyên gia nước ngoài.


Yêu cầu của sự phát triển


Như vậy, bản chất của việc sử dụng HLV ngoại là xuất phát từ yêu cầu cải thiện thành tích của các VĐV. Việc thay thế HLV Lê Công gây bất ngờ đối với nhiều người, phần lớn là vì HLV này đã đứng ở vị trí của mình hơn chục năm qua và đã tạo ra ảnh hưởng lớn đối với nhiều thế hệ VĐV. Những cống hiến, đóng góp của những người như HLV Lê Công đã được lịch sử ghi nhận và luôn được trân trọng, nhưng sự ra đi của một “tượng đài” năm nay đã 62 tuổi suy cho cùng cũng phù hợp với yêu cầu của sự đổi mới, phát triển.


Ông Vũ Sơn Hà, Trưởng bộ môn karatedo Tổng cục Thể dục Thể thao, giải thích: “Liên đoàn karatedo thế giới vừa qua liên tục thay đổi thể thức, luật thi đấu, đặc biệt là nội dung kumite (đối kháng), để đưa karatedo vào Olympic, nên bắt buộc các quốc gia cũng phải thay đổi phương pháp huấn luyện cho phù hợp. Sau SEA Games 27, chúng tôi cân nhắc và thấy rằng cần có những thay đổi. Ở châu Á, Iran là quốc gia có trình độ cao về karatedo, nên chúng tôi đã lựa chọn phương án thuê HLV người Iran”.


Ngoài yêu cầu của sự phát triển, HLV ngoại còn giải quyết được những vấn đề ngoài chuyên môn mà các HLV nội không thể làm được. Ví dụ như xung đột liên quan đến chuyện “quân anh, quân tôi” ở môn bóng bàn như báo Tin Tức từng đề cập. Mặc dù trình độ của chuyên gia nước ngoài chưa được như mong muốn (với mức lương khoảng 2.000 USD/tháng thì khó kiếm được HLV tốt hơn), nhưng họ chắc chắn có cái nhìn khách quan và công tâm trong việc đánh giá, lựa chọn VĐV. Ngay như đội tuyển bóng đá nam cũng đang rục rịch trở lại với phương án HLV ngoại, bởi HLV ngoại không bị chi phối bởi những vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các CLB, các cầu thủ, đồng thời ít bị sức ép liên quan đến gia đình, cuộc sống…

Theo thông tin từ Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, có 24 HLV, chuyên gia nước ngoài trong thành phần 64 đội tuyển và đội tuyển trẻ đang tập huấn tại đây nhằm chuẩn bị cho các giải đấu lớn quốc tế năm 2014, với điểm nhấn là Asiad 17.


Song Long

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN