Chuyện chỉ có ở Sông Lam Nghệ An

Tại sao các cầu thủ Sông Lam Nghệ An luôn cháy hết mình trên sân? Lý do thật đơn giản: Phía sau họ lúc nào cũng có sự tiếp sức của hàng vạn cổ động viên. Dù SLNA có thi đấu ở bất cứ sân nào, nơi đó cũng rực một màu vàng xứ Nghệ. Hơn thế, khi đội bóng rơi vào khó khăn, cũng chính người hâm mộ SLNA bỏ tiền túi của mình ra để nuôi cầu thủ.


Khó khăn đeo bám


Tham vọng vô địch V-League 2013 của SLNA như vậy đã tan thành mây khói. Sự kiện XMXT Sài Gòn bỏ giải đã “tiếp tay” cho Hà Nội T&T đăng quang sớm vào cuối tuần qua. Thầy trò Nguyễn Hữu Thắng đau bao nhiêu, thì người hâm mộ xứ Nghệ cũng buồn bấy nhiêu. Nhưng cuộc chơi là vậy. Giờ đây, bên cạnh một mùa giải trắng tay danh hiệu, SLNA còn đau đầu với bài toán kinh tế để giữ chân 12 cầu thủ sẽ hết hợp đồng sau V-League 2013, trong đó có 5 cầu thủ luôn xuất phát trong đội hình chính thức, là Nguyễn Trọng Hoàng, Hoàng Văn Bình, Nguyễn Quang Tình, Âu Văn Hoàn, Trần Đình Đồng.


SLNA thăng hoa vì bên cạnh họ luôn có sự đồng hành của các CĐV.


Còn nhớ, vào cuối mùa giải 2012, SLNA cũng đã không đào đâu ra kinh phí để giữ chân hàng loạt trụ cột, do nguồn ngân sách của tỉnh và kinh phí từ Ngân hàng Bắc Á hạn chế. Lúc đó, đích thân HLV Hữu Thắng và Ban lãnh đạo CLB đã phải chạy đôn, chạy đáo, tận dụng mọi mối quan hệ để kêu gọi hỗ trợ từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hồi đó, SLNA đã kêu gọi được khoảng 5 tỷ đồng tiền tài trợ và đó là một số tiền vô cùng quan trọng, để SLNA không bị chảy máu lực lượng ồ ạt như dự đoán của nhiều người.


Ở mùa giải này, SLNA lại một lần nữa trải qua khó khăn như vậy, khi con số 20 tỷ đồng ngân sách từ phía UBND tỉnh mới chỉ giải ngân được 1/3. NH Bắc Á “chống lưng” 30 tỷ đồng, nhưng số tiền rót xuống chỉ nhỏ giọt và theo tìm hiểu thì đến thời điểm này, mới chỉ có một nửa số tiền được chuyển đến tay SLNA. Vì thế mà mọi chi phí sinh hoạt, lương, thưởng của SLNA bị cắt giảm tối đa và trở nên quá thấp so với mặt bằng chung V-League. Đơn cử như tuyển thủ quốc gia Phạm Mạnh Hùng chỉ được nhận lương 5 triệu đồng/tháng, Trọng Hoàng nhận cao nhất - khoảng 25 triệu đồng/tháng và Lê Công Vinh trước khi sang Nhật Bản cũng chỉ được nhận 20 triệu đồng/tháng…


Sức mạnh từ “Cầu thủ thứ 12”


Khó khăn là vậy, nhưng SLNA luôn cháy hết mình trong các trận đấu, bởi trên những bước đường SLNA đi luôn có sự đồng hành của những người hâm mộ. Đây là điều mà nhiều đội bóng thuộc hàng “đại gia” có nằm mơ cũng không bao giờ có được. Không ít lần HLV Hữu Thắng phải thốt lên: “SLNA thi đấu thăng hoa chính là nhờ cầu thủ thứ 12”.


“Chúng tôi hy vọng, sau đợt quyên góp này, đội bóng sẽ có thêm một nguồn tài chính để giữ chân các trụ cột, nhằm tiếp tục tham vọng chinh phục các danh hiệu cao nhất của bóng đá Việt Nam và khu vực”. Chủ tịch Hội CĐV SLNA, ông Trần Hữu Thuật

Không chỉ đốt nóng sân cỏ bằng tinh thần cổ vũ cuồng nhiệt, giờ đây, những cầu thủ thứ 12 ấy của đội bóng xứ Nghệ đã lại ghi được một bàn thắng vô cùng ấn tượng: Họ phát động chương trình “Người hâm mộ chung tay vì bóng đá SLNA”. Chỉ mới gần 1 tháng kể từ ngày phát động chương trình, Hội CĐV SLNA đã nhận được số tiền quyên góp lên đến hơn nửa tỷ đồng, nhằm góp phần giữ chân các trụ cột sắp đáo hạn hợp đồng. Con số này tất nhiên vẫn chưa dừng lại ở đó.


Chương trình này đã nhận được sự chia sẻ của rất nhiều người con xứ Nghệ đang sinh sống trên khắp mọi miền cả nước, từ trí thức, doanh nhân đến học sinh, sinh viên và những người lao động bình thường nhất. Người nhiều thì ủng hộ 100 triệu đồng, người ít thì 100.000 đồng. Ngay cả Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cũng ủng hộ 5 triệu đồng.


Ông Trần Hữu Thuật, Chủ tịch Hội CĐV SLNA, chia sẻ: “Mặc dù có sự hỗ trợ từ tỉnh và nhà tài trợ, song SLNA vẫn luôn được coi là một trong những đội bóng nghèo nhất V-League, phải trang trải gói kinh phí khiêm tốn cho hơn 300 con người, từ các tuyến trẻ đến đội hình chính. 3 chức vô địch (2001, 2002 và 2011) và giữ các vị trí thứ hạng cao trong 12 năm bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, đã thể hiện rõ tinh thần vượt khó của Sông Lam. Đó là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Giờ đây, chứng kiến đội bóng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi - những người hâm mộ, không thể khoanh tay đứng nhìn”.


Ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc điều hành SLNA, thì bày tỏ: “Những tình cảm của người hâm mộ SLNA là rất quý và đáng trân trọng. Các cầu thủ phải hiểu được điều đó, để tiếp tục đá vì màu cờ sắc áo, vì người hâm mộ và vì danh dự. Nếu cầu thủ ra sân thi đấu mà không hết mình thì có lỗi lớn với người hâm mộ”.


Tuy nhiên, thiết nghĩ việc người hâm mộ quyên góp, ủng hộ đội bóng chỉ là một việc làm nhất thời và không thể mang tính bền vững lâu dài được. Chính lúc này, SLNA hãy nhìn lại và nhận thức rõ một điều: Cũng là tiền từ người hâm mộ, nhưng cái cách SLNA nhận tiền phải khác. Mỗi một tấm vé, mỗi đồ lưu niệm chính là một phần lương cho cầu thủ. Các phòng ban, đặc biệt là phòng kinh doanh của SLNA, cần phải hoạt động một cách hiệu quả, tích cực hơn để mang lại nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh bóng đá. Có thế thì SLNA mới có nền móng để phát triển bền vững.



Bài và ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN