Chờ đợi một SEA Games công bằng

SEA Games 28 được đánh giá là kỳ SEA Games khó khăn hơn đối với đoàn thể thao Việt Nam về nhiều mặt. Tuy nhiên, vững bước tới SEA Games lần này, đoàn thể thao Việt Nam vẫn đưa ra chỉ tiêu bảo toàn vị trí trong tốp 3 trên bảng tống sắp huy chương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong chờ một sự công bằng trong thể thao mà tại kỳ SEA Games 27 trước đó chưa có được.

Vắng nhiều môn thế mạnh

Ngày 6/6 tới đây, SEA Games 28 chính thức khai mạc tại đảo quốc sư tử Singapore. Năm nay, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games đặt chỉ tiêu dành 65 Huy chương vàng (HCV), thấp hơn chỉ tiêu SEA Games 27 (70 HCV). Tuy nhiên, đây cũng là chỉ tiêu có tính toán khi Đoàn thể thao Việt Nam được đánh giá gặp khá nhiều khó khăn và bất lợi.

Lễ xuất quân Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 28 tối 19/5 tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia. Ảnh: AFP


Đoàn thể thao Việt Nam tham gia thi đấu tại Seagame 28 có 570 thành viên bao gồm 392 VĐV và 178 HLV, chuyên gia. Các VĐV sẽ tham gia thi đấu tại 28/36 môn thi với chỉ tiêu giành 65 HCV và nằm trong tốp 3 toàn đoàn sau khi kết thúc SEA Games.

Khó khăn đầu tiên là một số bộ môn thế mạnh của thể thao Việt Nam không có trong danh sách thi đấu tại giải như: Vovinam, Karatedo và Vật. Đây đều là các môn thi đấu “hái ra vàng”, thậm chí là môn “độc tôn” của Việt Nam khi thi đấu là dành HCV. Không chỉ vậy, thể thao Việt Nam còn gặp khó trong việc nâng thành tích bởi một số bộ môn thế mạnh của thể thao Việt Nam cũng bị nước chủ nhà “cắt gọt” không tổ chức thi đấu. Tại môn Boxing, những hạng cân thế mạnh của chúng ta như 60kg nữ hay 64kg nữ đều bị nước chủ nhà loại bỏ. Ở môn Wushu, Singapore đã cắt bỏ nội dung Tán thủ nữ, thế mạnh của các nữ võ sĩ chúng ta (với 2 HCV tại SEA Games 27).

Không chỉ thiếu vắng một số môn, bộ môn thế mạnh với nhiều hi vọng dành giải cao, hành quân tới Singapore trong kỳ SEA Games lần này, Đoàn Việt Nam cũng thiếu vắng nhiều gương mặt vận động viên (VĐV) quen thuộc, từng “làm mưa làm gió” tại các kỳ SEA Games trước, khi mang về nhiều “vàng” cho thể thao nước nhà. Trong số những cái tên đó, trước tiên phải nhắc tới Nữ hoàng điền kinh Vũ Thị Hương (8 HCV SEA Games), hay những VĐV từng mang về nhiều giải cao ở nội dung này như Trương Thanh Hằng, Nguyễn Thị Bình…

Kình ngư Ánh Viên, một trong những niềm hi vọng gặt hái nhiều HCV cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28



Trong khi chúng gặp nhiều khó khăn để giành thành tích cao thì thêm một trở ngại khác đối với thể thao Việt Nam là sự lớn mạnh của các đoàn thể thao nước bạn, đặc biệt là ở một số nội dung thế mạnh, nhiều cơ hội giành giật HCV. Ví dụ, nội dung nhảy cao tại SEA Games 27, hai năm trước, VĐV Dương Thị Việt Anh giành HCV với thành tích 1m84 thì mới đây, tại giải điền kinh Đài Loan, VĐV người Thái Lan đã nhảy qua mức xà 1m86. Hay nội dung Nhảy xa, huy chương bạc Asiad 2014 Bùi Thị Thu Thảo với thành tích 6m44 thì SEA games này cũng khó dành “vàng” vì thành tích của VĐV người Indonesia - huy chương vàng Asiad luôn ổn định 6m50-6m55, chưa kể tới sự trở lại của VĐV nhảy xa người Philippin sau trấn thương có thành tích 6m53...

Ngoài ra, việc thi đấu trong thời gian hè, khác với các kỳ SEA Games khác thường được tổ chức dịp cuối năm cũng trực tiếp ảnh hưởng tới thể lực cũng như thành tích của các vận động viên tham gia thi đấu. Đặc biệt, tại SEA Games 28 này, nước chủ nhà Singapore cũng không có Làng vận động viên, chính vì thế Đoàn Việt Nam không thể tập trung tại một điểm, dẫn tới khó trong công tác điều hành và kịp thời bổ sung, chỉnh sửa những thiếu sót cũng như gặp khó trong việc huấn luyện, hỗ trợ, chăm sóc các vận động viên từ nhiều chuyên gia, bác sĩ.

Cần sự công bằng

Thiếu vắng nhiều môn, bộ môn lợi thế của Việt Nam, nhưng Đoàn Việt Nam vẫn đặt nhiều hi vọng vào các môn thế mạnh còn lại cùng các vận động viên kỳ cựu, thậm chí cả những gương mặt trẻ triển vọng khác như Điền kinh (chỉ tiêu 10 HCV trở lên) với Huệ Hoa, Phạm Thị Huyền, Dương Văn Thái, hay hai anh em Quách Công Lịch và Quách Thị Lan… Thể dục dụng cụ với Phan Thị Hà Thanh, niềm hy vọng hàng đầu (với dự đoán dành 3 - 5 HCV) hay một số tên tuổi khá triển vọng như Đinh Phương Thành, Thanh Tùng. Môn Bắn súng cũng được hi vọng mang về 5 – 6 HCV cho đoàn Thể thao Việt Nam. Đặc biệt là tại bộ môn Bơi, nơi chúng ta có nữ kình ngư hàng đầu Đông Nam Á Ánh Viên và Hoàng Quý Phước đủ sức chinh phục các nội dung sở trường ở SEA Games. Ngoài ra, còn có Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi… đều là các gương mặt tiêu biểu. Taekwondo và Wushu cũng là những môn mà đoàn chúng ta hi vọng thu được nhiều HCV bên cạnh các môn hi vọng có “vàng” như Judo, Petanque, Billiards & Snooker, xe đạp, đấu kiếm…

Phan Thị Hà Thanh - VĐV hàng đầu môn Thể dục Dụng cụ của Việt Nam, một trong những niềm hi vọng gặt hái nhiều HCV tại SEA Games 28



Kết thúc SEA Games 27, thất vọng lớn nhất của chúng ta là sự thiếu công bằng và thiên vị đoàn chủ nhà. Chính sự ưu ái của các trọng tài, trong những môn đơn thuần cảm tính thiên vị ấy mà đoàn Việt Nam mất khá nhiều huy chương và chính nó cũng đưa Myanmar lên vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp với 84 HCV (trong khi SEA Games 26, Myanmar chỉ dành 16 HCV và về đích ở vị trí đứng thứ 7). Điều đáng nói, đa số chúng đều là những HCV không được đánh giá cao và gây nhiều tranh cãi. Bởi vậy, dù tham gia kỳ SEA Games thứ 28 này với nhiều khó khăn hơn các kỳ trước, nhưng điều mà Việt Nam chờ đợi nhất chính là sự công bằng mà tại SEA Games 27 không có được.. Nếu được thi đấu trong môi trường không thiên vị, chắc chắn thành tích của Việt Nam sẽ cao hơn, đồng thời tâm lý VĐV cũng sẽ tốt hơn để cống hiến và tự tin giành giải.
Anh Đức
Việt Nam giữ vững vị trí thứ 2 tại SEA Games 28
Việt Nam giữ vững vị trí thứ 2 tại SEA Games 28

Đoàn Thể thao Việt Nam đang giữ vững vị trí thứ 2 trên Bảng xếp hạng tại SEA Games 28 đang diễn ra tại Singapore.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN