Bóng đá Việt từ V-League đến SEA Games: Con kiến và cành đa

Mùa V-League năm 2011 với kỳ vọng hấp dẫn hơn khi các đội đều "xuất phát đồng hàng" và một ông thầy ngoại mới cùng mục tiêu đã cũ "giấc mơ Vàng" SEA Games - Đó chính là 2 điểm nhấn đáng chú ý nhất trong bức tranh toàn cảnh bóng đá Việt Nam năm 2011. Chỉ có điều khi mà hơn một nửa mùa giải đã trôi qua, thay vì những bước tiến như mong đợi, vẫn chỉ là cái cảnh loay hoay kéo từ sân chơi nội ra đến đấu trường quốc tế...

1. Hãy bắt đầu với V-League, sân chơi chuyên nghiệp mà phải đến năm thứ 11 mới thực sự chính chuyên bằng việc áp chuẩn theo quy định quốc tế. Tất nhiên, cái khoảng cách giàu - nghèo thì vẫn tồn tại, nhưng không thể phủ nhận rằng, việc "xuất phát đồng hàng" đã khiến mùa này căng hơn nhiều nếu nhìn vào cuộc cạnh tranh trên sân cỏ. Hàng loạt đại gia tự đánh mất mình, thay vào đó là sự trở lại đầy ấn tượng của những giá trị cũ mang tính chất địa phương mà nổi bật nhất chính là SLNA, khi đội bóng xứ Nghệ bằng phong độ ấn tượng và lối chơi máu lửa truyền thống.

Nhìn cách thi đấu của Hà Nội T&T cho thấy: V.League ngày càng mất đi kịch tính.
Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

Sau chức vô địch lượt đi và khởi đầu lượt về với trận thứ 10 bất bại, SLNA giống như một thứ "cứu cánh" cho V-League, sân chơi số 1 trong hệ thống thi đấu quốc gia đang vào hồi "mất lửa". Vậy nhưng chính vào lúc mà sự kỳ vọng lên cao nhất, đội bóng xứ Nghệ lại khiến tất cả... cùng thất vọng. Chủ động "buông" AFC Cup ngay trên sân nhà với cái lý do đã cũ: Dồn sức cho mục tiêu V-League. Nhưng rồi, ngay ở vòng 16 V-League vừa qua, đánh mất chính mình, SLNA phơi áo trên chảo lửa Lạch Tray của V.Hải Phòng, để rồi tham vọng cũng như khả năng trở lại ngôi Vương của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng bị đặt dấu hỏi lớn.

Nếu nhìn vào 90 phút "mất điện" của SLNA, hay chuỗi trận bết bát đáng kinh ngạc của TĐCS. Đồng Tháp, K, Khánh Hòa, những đội bóng được mệnh danh là "ngựa ô", cũng như cái thái độ thi đấu kiểu "cầm chừng" của hàng loạt đại gia cũ, thì chẳng hề là quá lời khi nói - V-League vẫn thế! Vẫn chỉ là cái phương tiện kinh doanh cho các ông bầu đổ tiền, dốc bạc kiểu "ăn xổi, ở thì" nhằm PR cho chính bản thân, doanh nghiệp của mình chứ không hề là chuyện chuyên môn, hay sự phát triển mang tính bền vững. Những cựu Vương thì chẳng còn mấy thiết tha với ngôi Vương mà trường hợp của ĐKVĐ Hà Nội T&T là minh chứng rõ nhất, còn các đội bóng yếu dù "cờ" đến tay nhưng cũng chỉ... vừa "phất", vừa "dòm"! Căng thì có căng thật nếu nhìn vào khoảng cách của từng đội bóng, nhưng không khó để mà nhận ra, V-League đang ngày càng mất đi kịch tính.

2. Và khi những căn bệnh cũ của sân chơi nội đang có dấu hiệu tái phát thì bóng đá Việt lại vừa có phen sôi sục khi SEA Games 26, cái sân chơi quốc tế quan trọng nhất trong năm 2011 có nguy cơ bị xóa sổ.

Những rắc rối trong nội bộ khiến Inđônêxia đối mặt với án phạt cấm thi đấu quốc tế từ FIFA và đương nhiên, với tư cách chủ nhà của kỳ SEA Games 26 vào tháng 11 tới, bóng đá xứ vạn đảo cũng sẽ không có mặt. Chính vì thế, tương lai của môn bóng đá nam tại kỳ Đại hội này trở nên lung lay dữ dội bởi chính Inđônêxia từng gạt bóng đá nữ khỏi chương trình thi đấu và với quyền năng "vô hạn" của nước chủ nhà, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tất nhiên, Inđônêxia chắc chắn không muốn tổ chức một kỳ SEA Games không bóng đá, môn thể thao Vua và trong trường hợp xấu nhất xảy ra thì cũng đã có nhiều khả năng được tính đến như: Chuyển địa điểm tổ chức (Malaixia sẵn sàng nhận), hoặc tổ chức giải đấu khác bù vào (giống bóng đá nữ)... Chỉ có điều trong cái cơn sóng gió naày, bóng đá Việt Nam bỗng cũng bị bục ra những câu chuyện đã cũ.

Đã đành, SEA Games 26 là cái sân chơi số 1 của năm và ở đây vẫn còn một giấc mơ Vàng dang dở, nếu bóng đá nam không được tổ chức thì đó quả là khoảng trống lớn bởi đã từ rất lâu với bóng đá Việt Nam, có cái công thức đã tồn tại - Năm chẵn AFF Cup; Năm lẻ SEA Games để mà "xoay vòng". Rồi nếu không có SEA Games, thì xem ra chuyện tìm kiếm ông thầy ngoại thứ 8 đang đến hồi chót kia chẳng cần phải vội, bởi lẽ đơn giản là không còn mục tiêu để mà phải "tốn kém".

Cuối cùng là câu hỏi - SEA Games có thực sự là mục tiêu quan trọng với bóng đá Việt Nam hay không? Có lẽ có và cũng có lẽ không! Vô địch để mà xóa đi cái giấc mơ đã trở thành nỗi ám ảnh. Nhưng nếu vô địch để mà ghi thêm bước tiến nữa thì không, khi mà đâu xa, 2 năm trước tuyển Việt Nam lên đầu Đông Nam Á mà vẫn chẳng thể thoát khỏi cái ao làng. Nếu cứ quanh quẩn trong những mục tiêu cũ, câu chuyện cũ, đâu có quá lời khi so với chuyện "Con kiến mà leo cành đa..."!

Vũ Minh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN