Bóng đá Việt trong cơn hỗn loạn thời lên chuyên: Khi các ông bầu "bỏ bóng"...

Chỉ với 0,05 giây, mạng tìm kiếm thông tin hàng đầu thế giới Google đã cho ra... 13,300,000 kết quả với cụm từ "ông bầu bóng đá Việt Nam", dĩ nhiên là bằng tiếng Việt "xịn"! Cái kết quả vui với tốc độ kiểu "chớp mắt" đó đã thêm lần nữa lý giải tại sao cả nền bóng đá quốc gia đang trở nên nháo nhào khi các ông bầu "bỏ bóng" để... đá người và... đá lẫn cả nhau!

1. Thiết nghĩ, chẳng cần phải tốn thêm giấy mực lẫn thời gian của bạn đọc để lý giải về vị trí và vai trò của các ông bầu trong đời sống bóng đá Việt Nam hiện tại. Đơn giản, bóng đá hôm nay tốn nhiều, thậm chí là rất nhiều tiền để khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp, nhưng thực chất thì vẫn chưa thể nuôi sống nổi chính mình, ngoài việc "hít thở" qua hầu bao của doanh nghiệp. Hay nói một cách hình ảnh hơn, thì chẳng phải VFF - tổ chức chuyên môn quyền lực nhất mà chính các ông bầu với túi tiền của mình mới là những người tóm "yết hầu" của cả nền bóng đá quốc gia.

Và đương nhiên, khi nắm trong tay "vận mệnh" của cả cái sân chơi được mệnh danh là chuyên nghiệp thì mỗi lời nói và hành động của các ông bầu có tác động lớn đến sự phát triển chung của bóng đá nước nhà. Bắt đầu từ việc giải thể gây sốc của Hòa Phát Hà Nội, tới màn "nổ bom" của bầu Kiên tại Lễ tổng kết mùa giải 2011 với thông điệp ly khai khỏi VFF và sau đó là cuộc họp "thượng đỉnh" tại TP.HCM... thực trạng nền bóng đá quốc gia đã được phơi bày mà "đối tượng" mà các ông bầu nhắm tới - chính là VFF!

Cú "bỏ bóng, đá... Liên đoàn" của giới chủ doanh nghiệp có sức tác động lớn đến không chỉ dư luận xã hội mà quả thật còn lật tung cả nền tảng bóng đá Việt Nam sau 10 năm lên chuyên nghiệp. 10 năm tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền (dù vẫn không làm ra tiền), nhưng thay vì sự phát triển như mong đợi, lại là thứ bóng đá nhuốm màu tiền bạc cùng tệ nạn tiêu cực ngày càng gia tăng theo chiều hướng biến thiên đến chóng mặt mà theo các ông bầu, VFF phải chịu trách nhiệm... hết (!?). Rồi khi mà họ (các ông bầu) bỏ số tiền túi không hề nhỏ ra làm bóng đá đỉnh cao, thì đó phải là thứ bóng đá "sạch" và kèm theo là sự tôn trọng cũng như vị thế cần thiết trên bản đồ bóng đá quốc gia.

2. Dĩ nhiên, cú "đá Liên đoàn" này chẳng hề sai mà sự đồng tình trong dư luận người hâm mộ Việt thời gian qua là minh chứng. Chỉ có điều, từ "phát ngôn" đến "hành động" của các ông bầu lại chẳng hề tương đồng bởi chính họ và giữa họ cũng đang tồn tại một cuộc chiến không kém phần nóng bỏng.

Ở đây, bầu Kiên thêm lần nữa là tâm điểm. Sau lần đăng đàn "nổ bom" để trở thành "người hùng mới" của làng cầu nội, vị chủ tịch với cái đầu bạc trắng này lại kích nổ thêm một "quả bom" nữa bằng thương vụ mang tên Lê Công Vinh. Hớt tay trên để mang về chân sút số 1 Việt Nam mà theo dân trong nghề, chắc chắn cái giá chuyển nhượng ở hàng "bom tấm" (theo nhiều nguồn thông tin thì khoảng 15 tỷ đồng - kỷ lục mới của bóng đá Việt Nam), bầu Kiên không chỉ đi ngược lại với những gì mình tuyên bố mà xem ra thương vụ này còn là lời tuyên chiến công khai với bầu Hiển (Chủ tịch Hà Nội T&T). Chưa hết, bất chấp, bầu Hiển đã sở hữu CLB Hà Nội đang chơi ở hạng Nhất, bầu Kiên đã quyết định sáp nhập Hòa Phát và ACB thành... CLB bóng đá Hà Nội để chơi ở V-League năm sau, mà theo lý giải, đây mới là đội bóng mang "quốc hồn, quốc túy" của bóng đá Thủ đô!

Qua vụ của Công Vinh, xét cho cùng thì chân sút xứ Nghệ rất có thể chỉ như "con tốt thí" trên bàn cờ cuộc chiến giữa các ông bầu Việt Nam mà đằng sau những mỹ từ kiểu như: Bóng đá "sạch", người hâm mộ, sự phát triển chung... là sự cạnh tranh khốc liệt về danh tiếng và quyền lực. Chả phải, bầu Kiên đã từng "phang" bầu Hiển về việc sở hữu 2 đội bóng (SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T) tại Lễ tổng kết mùa giải 2011 bằng tuyên bố... có thể mua 5, 10 đội bóng và ngược lại, bầu Hiển hôm rồi trong buổi trả lời trực tuyến cũng "đá xoáy" bầu Kiên... “Người lớn đừng làm hư trẻ con!”


Thay cho lời kết!

Ngày 29/9, tại Hà Nội, tới lượt VFF tổ chức hội nghị "thượng đỉnh" của các ông bầu nhằm tìm hướng đi cho bóng đá Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Liên đoàn và giới chủ doanh nghiệp có cuộc "đối mặt và đối thoại" trực tiếp sau cơn địa chấn vừa qua.

Nói một cách hình ảnh, thay vì "bỏ bóng đá người", khi VFF cùng các ông bầu và cả những ông bầu trực diện lẫn nhau, thử hỏi... ai sẽ đá ai và đá như thế nào?

Vũ Minh
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN