Bóng đá Việt qua 4 vòng đấu đầu tiên của V-League 2011: Trở nên khó lường!

Một vòng đấu nữa đi qua và khi nỗi lo về bạo lực sân cỏ tạm lắng lại, người hâm mộ bỗng giật mình với cái sự khó lường về chuyên môn dù cho V-League 2011 mới chỉ ở đầu mùa.

1. Thời bóng đá lên chuyên, ngoại trừ 2 mùa đầu mang tính thử nghiệm, thì sau này sân chơi V-League quá quen với cảnh "một mình, một ngựa về đích" của những đội bóng đại gia. Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, rồi Becamex Bình Dương lần lượt chia đều 6 mùa kế tiếp. Năm 2009, tới lượt SHB Đà Nẵng cũng là màn cán đích sớm khi thày trò HLV Lê Huỳnh Đức chiếm ưu thế từ đầu và gần nhất là năm 2010, tuy muộn hơn nhưng việc Hà Nội T&T giành chiếc Cúp Vàng về cho Thủ đô đúng dịp 1000 năm tuổi cũng là chuyện được... biết trước!

Navibank SG (trái) thi đấu khá ấn tượng ở những vòng đầu.

Đã đành V-League 2011 được dự báo là nóng hơn khi lần đầu quy tụ hết các đội bóng có máu mặt, nhưng quả thật chức vô địch xem ra vẫn chỉ là "chuyện riêng" những đại gia "lắm tiền, nhiều lực" đủ sức cho cuộc đua kiểu đường trường này.


Ấy vậy, mới qua 4 vòng đấu, ngôi đầu bảng đã 3 lần đổi chủ. Hà Nội T&T liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng qua 2 vòng đấu trước Tết, khiến không ít nguời vội nhắc tới khả năng lập cú đúp của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng, tuy nhiên, tới vòng đấu tân niên khi phơi áo ngay trên sân nhà trước người anh em SHB Đà Nẵng, đại diện Thủ đô đã tụt xuống


. Cũng ở vòng đấu thứ 3 này, một thế lực cũ của làng cầu nội là Sông Lam Nghệ An đã bất ngờ vươn lên dẫn đầu nhờ trận thắng 2-1 trước Hòa Phát Hà Nội. Tuy nhiên, tới vòng đấu thứ 4 vừa diễn ra, thêm một lần nữa, vị trí các đội lại xáo trộn lớn. SHB Đà Nẵng và Khatoco Khánh Hòa vươn lên chiếm 2 thứ hạng đầu với 9 điểm khi cùng có được trận thắng thứ 3. Sông Lam Nghệ An tụt xuống hạng 6 và Hà Nội T&T còn tệ hơn khi rớt thẳng về giữa bảng. Có 14 đội tham dự, thì khoảng cách từ đội đứng đầu đến thứ 8 chỉ là 1 trận thắng, vậy nên, ngôi đầu bảng hoàn toàn có thể đổi chủ vào cuối tuần này khi vòng đấu thứ 5 diễn ra.

Và không chỉ là cuộc đua đến ngôi đầu, phía đáy bảng xếp hạng cũng đang trở thành điểm nóng đầy bất ngờ. Ngoài Hà Nội ACB có vẻ như sớm buông xuôi khi đá 4 trận thua cả 4, thì đáng ngạc nhiên là ở đó có rất nhiều cái tên mà đầu mùa được xếp vào hàng ứng cử viên chức vô địch như: Xi măng The Vissai Ninh Bình, Hoàng Anh Gia Lai, Becamex Bình Dương... Tóm lại, chưa ai khẳng định được ưu thế và chắc chắn V-League 2011 sẽ còn nhiều nữa những bất ngờ khi phía trước là con đường dài

2. Nóng về chuyên môn, đó là điều không thể phủ nhận trong chặng đầu của V-League 2011, nhưng bóng đá Việt vốn chẳng hề đơn giản như thế khi cũng trong tuần qua, một câu chuyện cũ lại trở thành thời sự - Câu chuyện về sự ảnh hưởng của các ông bầu đang "dốc tiền, đổ bạc" vào làm bóng đá đỉnh cao.

Với cái hầu bao rủng rỉnh, cùng các quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường, chính các doanh nghiệp đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của bóng đá Việt Nam. Thậm chí, chính cái mô hình bóng đá doanh nghiệp này còn được xem là biểu tượng thành công của thời bước lên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi bóng đá có quá nhiều những ông bầu và các ông bầu cũng đang nắm quá nhiều đội bóng, thì câu hỏi về tính minh bạch cần thiết lại được đặt ra.

Trước hết là chuyện "1 ông chủ, 2 đội bóng" - Tất nhiên là chẳng có ông bầu nào trong nước "chính danh" nắm nhiều đội bóng, nhưng khi mà bóng đá còn chưa thể tự nuôi sống được chính mình mà vẫn phải "hít thở" bằng hầu bao của họ, thì tầm ảnh hưởng đến chuyện chuyên môn là có thể hiểu được.


Vì thế mùa trước, rồi đến mùa này, đã có nhiều dấu hỏi đặt vào cặp "anh em" SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T mà ai cũng biết đều "tiêu tiền" của riêng bầu Hiển. Hay ở giải hạng Nhất cũng là chuyện tương tự giữa Sài Gòn Xuân Thành và BHTS Quảng Nam khi phía sau là một nhà đầu tư. Khi những đội bóng "cùng chủ" này gặp nhau, thì đương nhiên, quyền lợi của họ phải được đặt lên cao nhất.

Thứ nữa là chuyện giờ đây bóng đá đỉnh cao nằm hết trong tay các ông chủ mà với họ bản chất là phương tiện kinh doanh, PR cho tên tuổi của mình. Rõ ràng, vào thời điểm này, chính các ông bầu mới là những quyết định chính đến sự thành bại của từng đội bóng cũng như cả của V-League. Nếu họ chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, đó là động lực tốt cho sự phát triển, còn ngược lại, sân cỏ nội cũng rất dễ biến thành bàn tiệc với những cái bắt tay ngầm. Đó là chưa kể việc coi bóng đá là kinh doanh, một khi công việc kinh doanh đó không được như ý, thì chuyện doanh nghiệp... bỏ bóng đá cũng không có gì là ngạc nhiên.

Vậy nên mới nói, từ chặng đầu V-League 2011 thôi đã thấy bóng đá Việt đang trở nên khó lường hơn bao giờ hết.

Vũ Minh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN