Bóng đá thời khủng hoảng: Cả châu Âu cũng đau đầu

Khủng hoảng tài chính không chỉ là vấn đề của riêng bóng đá Scotland khi hầu hết các giải đấu lớn và ngay cả những đội bóng lớn nhất châu Âu cũng đang đau đầu vì vấn đề chi vượt quá thu.

Didier Drogba được chào đón như một siêu sao nhạc rock ở Thân Hoa Thượng Hải - Ảnh Getty


Giáo sư thương mại thể thao Simon Chadwick của đại học Coventry (Anh) cho biết nhiều câu lạc bộ đang phải gồng mình chi trả những khoản lương, chuyển nhượng và chi phí hoạt động khổng lồ. Thêm vào đó, trong 5 năm tới, các câu lạc bộ châu Âu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa trong việc lên kế hoạch dài hạn bởi thách thức từ những gã nhà giàu mới từ Nga, Trung Đông, Brazil và Trung Quốc trong cuộc tranh giành các ngôi sao mang tính biểu tượng toàn cầu.


Giáo sư Chadwick phân tích: “Có hai vấn đề chung các câu lạc bộ ở châu Âu sẽ phải giải quyết. Thứ nhất là tạo nguồn thu. Nhiều đội bóng không có nguồn thu nào khác ngoài bán vé. Thứ hai là quản lý chi phí, nhiều nhất là phí chuyển nhượng và tiền lương. Nếu tiền lương và chuyển nhượng được điều tiết, những khó khăn tài chính sẽ được xoa dịu”.


Nhưng sẽ không dễ trong bối cảnh các nền bóng đá trước giờ được cho là ở bên rìa của bóng đá đỉnh cao như Nga, Brazil, Trung Đông hay Trung Quốc, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đang chi tiền không tiếc tay vào thị trường chuyển nhượng đẩy mức giá và tiền lương cầu thủ lên cao ngất.


Theo đánh giá của giáo sư Chadwick, tình hình tài chính chung của các câu lạc bộ châu Âu, từ Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan tới Bồ Đào Nha, hiện rất ảm đạm. Ngay cả hai đội bóng vào hàng đại gia bậc nhất châu lục, tức là cả hành tinh, Barcelona và Real Madrid, tuy kiếm được rất nhiều tiền nhưng cũng đang có một khối nợ treo lơ lửng trên đầu. “Hai trong số ba đội nợ nhiều nhất thế giới chính là Barcelona và Real”, Chadwick cho biết.


Bundesliga, giải đấu có tình hình tài chính lành mạnh nhất châu lục nhờ sự quản lý chặt chẽ, cũng không hoàn toàn thoát được cơn bão. Chẳng hạn, Schalke tuy lọt vào tốp ba tới bốn lần trong bảy năm qua nhưng cũng đang nợ như chúa chổm bởi đã vay quá nhiều tiền để xây sân vận động mới. Mùa 2010-2011, Schalke đã kiếm được không ít tiền nhờ lọt vào bán kết Champions League, nhưng trước đó, thậm chí họ còn chi nhiều hơn vào thị trường chuyển nhượng và đã ở bên bờ vực phá sản sau mùa giải vừa rồi.


Chiếc phao luật công bằng tài chính


Theo thống kê, tổng số tiền thâm hụt ngân sách của các câu lạc bộ thuộc Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) mùa 2010-2011 đã lên tới hơn 1 tỉ euro. Để ngăn chặn sự sụp đổ của hàng loạt đội bóng, UEFA đã công bố đạo luật Công bằng tài chính, có hiệu lực thi hành từ mùa giải tới. Đạo luật này quy định những đội bóng làm ăn thua lỗ tới 45 triệu euro trong ba mùa giải sẽ không được tham gia thị trường chuyển nhượng và dự cúp châu Âu trong 3 năm tiếp theo. Quy định này được hy vọng sẽ buộc các câu lạc bộ không vung tay quá trán như trước nữa, do đó tránh khả năng phá sản.


Tuy nhiên, đạo luật này vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Thứ nhất, các câu lạc bộ mới nổi sẽ không thể có đủ tiền để tăng cường lực lượng cho bằng với những gã khổng lồ đã có đội hình hùng mạnh như Barcelona, Real Madrid hay Bayern. Thêm vào đó, những đội bóng lớn như Real có muôn vàn cách để lách luật và dễ dàng che giấu khoản nợ kếch xù của mình.


Thứ hai, cấm các câu lạc bộ lớn chi tiền cho chuyển nhượng, nhiều đội nhỏ sẽ thực sự lâm nguy. Nếu không có Manchester City bỏ ra tới sáu triệu bảng mua Stefan Savic, Partizan Belgrade sẽ khó có đủ tiền trả lương cho các cầu thủ nếu chỉ biết trông chờ vào tiền vé.


Bên cạnh đó, đạo luật này cũng làm giảm sức mạnh của các câu lạc bộ châu Âu trên thị trường toàn cầu. Một cầu thủ chưa mấy tiếng tăm như Dario Conca mỗi mùa cũng nhận được 10,6 triệu euro từ Guangzhou Evergrande, tức gần bằng lương của Zlatan Ibrahimovic và gần gấp đôi lương của Wesley Sneijder, những ngôi sao lớn nhất của Serie A. Nhờ tiềm lực tài chính dồi dào, trong kỳ chuyển nhượng này, Super League của Trung Quốc đã mang về được nhiều tên tuổi nữa như Didier Drogba, Seydou Keita, Lucas Barrios hay Frederic Kanoute.


Tuy chiếc phao luật công bằng tài chính vẫn còn rất nhiều lỗ hổng, có thể gây cản trở cho sự phát triển của bóng đá châu Âu nhưng trong cơn bão tài chính ngày một nghiêm trọng như hiện nay, đây gần như là biện pháp duy nhất có thể giúp các câu lạc bộ của lục địa già sống sót.

Những khoản nợ thuế khổng lồ tích lại từ năm 2001 rồi thói vung tay quá trán (mùa 2008-2009 còn chi 20 triệu euro cho mua sắm) là những nguyên nhân chính khiến Rangers chìm trong nợ nần. Tuy nhiên, Rangers cũng thanh minh rằng nguồn thu của họ ngày một ít ỏi. Năm 2009, câu lạc bộ này từng có ý định xin chuyển sang Premier League bởi đội đứng đầu SPL chỉ nhận 2,6 triệu bảng từ tài trợ và bản quyền truyền hình nhưng một đội tầm trung ở Anh đã nhận hàng chục triệu bảng.




T.K.A
(TT&VH Cuối tuần)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN