Bóng bàn chống lại chính sách 'nhập khẩu' từ Trung Quốc

Chiến thắng của tay vợt 20 tuổi người Thái Lan Suthasini Sawettabut ở nội dung bóng bàn đơn nữ trong ngày 5/6 được báo chí Singapore xem như là một trong những bất ngờ lớn nhất của SEA Games 2015.

Vận động viên Suthasini Sawettabut (trước).


Sở dĩ nói thế là bởi suốt 20 năm qua, kể từ khi Jing Junhong, hiện là HLV trưởng ĐTQG, giành chiếc HCV bóng bàn đơn nữ đầu tiên cho Singapore, bóng bàn “đảo quốc sư tử” đã duy trì sự thống trị của mình ở nội dung này suốt từ năm 1995 cho tới nay nhờ sự xuất hiện của những VĐV gốc Trung Quốc như: Jing Junhong, Li Jiawei, Zhang Xueling, Wang Yuegu, Feng Tianwei và Yu Mengyu.

Tuy nhiên, tình trạng ấy đã không còn tồn tại ở SEA Games này, khi Feng Tianwei, cây vợt hạng 4 thế giới và từng đoạt HCĐ Olympic London 2012, phải hứng chịu thất bại trước Suthasini ở vòng bảng và không thể tham dự vòng bán kết.

Trận thua bất ngờ của Feng Tianwei đã khiến cho mục tiêu giành trọn bộ HCV ở cả bảy nội dung bóng bàn mà Singapore đặt ra trước ngày khai mạc SEA Games 2015 sớm tan vỡ.

Với chính sách nhập tịch VĐV gốc Trung Quốc, bóng bàn Singapore đã vươn tới đẳng cấp thế giới và đây cũng là một trong những môn thể thao được hâm mộ nhất đảo quốc sư tử, bên cạnh bóng đá và bơi lội.

Đó cũng là nguyên nhân khiến BTC SEA Games 2015 đẩy lịch thi đấu của môn bóng bàn lên trước cả ngày khai mạc Đại hội nhằm tranh thủ sự chú ý của người hâm mộ nước nhà.

Sự thống trị của Singapore với dàn VĐV nhập tịch từ Trung Quốc là vấn đề mà các nước trong khu vực Đông Nam Á đều đã biết đến từ lâu, nhưng không phải nước nào cũng nghĩ ra cách đối phó hữu hiệu, và Thái Lan là một trong số ít quốc gia đã làm được điều đó.

Trao đổi với phóng viên bên lề nhà thi đấu bóng bàn, ông Nguyễn Đức Long, Trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT, cho biết ở SEA Games này Thái Lan đã mang tới hai cây vợt rất tài năng là Padasak Tanviriyavechakul và Suthasini.

Cả hai tay vợt này đều được Thái Lan đưa đi tập huấn ở nước ngoài từ khi mới 12 tuổi, và không chỉ tập huấn ở Trung Quốc, cái nôi của bóng bàn thế giới, Padasak và Suthasini còn được đưa sang tập huấn ở Thuỵ Điển dưới sự chỉ bảo của Peter Karlsson, cây vợt từng 4 lần giành chức vô địch thế giới.

Nhờ thế, Padasak và Suthisini đã học được rất nhiều từ hai trường phái bóng bàn hàng đầu thế giới, để rồi tại SEA Games này, cả hai đều thi đấu cực kỳ xuất sắc. Suthasini giành được HCV bóng bàn đầu tiên cho Thái Lan sau 32 năm liên tiếp trắng tay, còn Padasak thì đoạt HCĐ đơn nam sau khi thất bại sát nút ở bán kết trước Gao Ning, cây vợt cũng gốc Trung Quốc xếp hạng 15 thế giới và sau đó đã giành HCV đơn nam SEA Games 28.

Padasak cũng cùng với Suthasini thi đấu ở nội dung đôi nam nữ và họ đã loại được đôi hạt giống hàng đầu của nước chủ nhà là Li Hu và Zhou Yihan ở Bán kết, trước khi chịu gác vợt trước một cặp VĐV Singapore khác là Yang Zi và Yu Mengyu ở trận chung kết.

Trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times, Suthasini tiết lộ: “Singapore rất mạnh nhưng chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ, và không chỉ dành riêng cho kỳ SEA Games này. Trên tất cả, chúng tôi là những VĐV chuyên nghiệp nên chúng tôi phải tìm cách nắm được ưu điểm cũng như nhược điểm của đối phương. Tôi nghĩ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chẳng có gì phải lo ngại khi đối đầu với Singapore. Để cạnh tranh cho vị trí số một khu vực thì chúng tôi không sợ bất cứ điều gì”.

Cách làm của Thái Lan có lẽ chính là bài học mà bóng bàn Đông Nam Á cần nhìn vào để học tập, nếu như muốn phá vỡ thế thống trị của Singapore ở môn thể thao Olympic này.
TTXVN/Tin tức
Giải mã thành công bước đầu của kiếm Việt
Giải mã thành công bước đầu của kiếm Việt

Đâu là bí quyết giúp các kiếm thủ Việt Nam gây ấn tượng đặc biệt tại Singapore trong những ngày này?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN