Bối rối bản quyền truyền hình

Chưa bao giờ, vấn đề bản quyền truyền hình các giải bóng đá lớn tại Việt Nam lại trở nên nóng bỏng và phức tạp như hiện nay. Khi vụ tranh chấp về Giải Ngoại hạng Anh (EPL) 2013 - 2016 vẫn chưa có hồi kết, các đài truyền hình đã lại khởi động một cuộc đua mới: Bản quyền truyền hình Euro 2016.

 

Các nhà đài Việt Nam có chịu nổi giá bản quyền truyền hình Euro 2016? Ảnh: zimbio

 

Trong bối cảnh thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang “trăm hoa đua nở”, thì bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao lớn như EPL, Euro hay World Cup đã thực sự là chìa khóa quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các đơn vị.


Ví dụ điển hình là việc K+, một cái tên “sinh sau, đẻ muộn” trong làng truyền hình trả tiền, giờ đã ít nhiều có chỗ đứng trên thị trường, nhờ việc độc quyền phát sóng một gói EPL (các trận đấu ngày chủ nhật) trong giai đoạn 2010 - 2013. Có thể khẳng định, thương hiệu của kênh truyền hình này đã gắn liền với các trận “Super Sunday” của giải Ngoại hạng Anh.


Từ bước khởi đầu ấn tượng ấy, K+ đã nhanh chóng thâu tóm bản quyền phát sóng độc quyền 2 gói EPL trong 3 mùa giải tiếp theo (2013 - 2016), trước sự ngỡ ngàng của các đơn vị cạnh tranh khác tại Việt Nam. Canal+ (công ty mẹ của K+) đã không ngần ngại đầu tư tới 40 triệu USD cho thương vụ này và hiện làm dấy lên một cuộc tranh cãi lớn giữa các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền tại Việt Nam.


Phản ứng dữ dội của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VN -PayTV) thời gian gần đây, xung quanh việc K+ được quyền phát sóng độc quyền 2 gói EPL trong 3 mùa giải tới, càng cho thấy tầm quan trọng của các giải đấu thể thao lớn trong chiến lược phát triển thị trường của các nhà đài. Nhưng cũng chính bối cảnh “nước đục” đó đã tạo cơ hội để các công ty quốc tế lợi dụng để “thả câu”, thu lợi từ một phân khúc thị trường truyền hình đang còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

 

“Bão giá” bản quyền


Theo công văn mới đây của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã báo cáo về việc VTV không thể can thiệp vào chuyện K+ được Canal+ chuyển giao bản quyền EPL, thì K+ chỉ sở hữu độc quyền 26% các trận EPL trong 3 mùa giải tới. 26% mà đã có giá 40 triệu USD - như thông báo về mức giá mua của Canal+ trước đó!


Mặc dù quy luật của thị trường là “thuận mua, vừa bán”, nhưng cũng phải thừa nhận rằng giá bản quyền EPL đã tăng chóng mặt trong những năm gần đây. 3 mùa giải vừa qua (giai đoạn 2010 - 2013), bản quyền EPL tại Việt Nam đã được bán với giá 19 triệu euro. So với giai đoạn 2007 - 2010 (4 triệu euro), thì mức giá hiện nay đã tăng gấp 10 lần.


Tương tự như vậy, giá mua bản quyền truyền hình Giải vô địch các quốc gia châu Âu (Euro) cũng đang tăng theo cấp số nhân tại Việt Nam. Năm 2008, VTV đã phải trả 2 triệu USD cho vòng chung kết tại Áo - Thụy Sỹ. Đến Euro 2012, khoản chi này của VTV là 4 triệu USD. Còn trong hồ sơ của CAA Eleven gửi các đài truyền hình Việt Nam mời tham gia đấu thầu bản quyền Euro 2016 hồi đầu tháng 6/2013, mức giá dự kiến của sự kiện này là khoảng 8 triệu USD.
Về cơ bản, chính sự bùng

 nổ của thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã tạo nên “địa lợi” để những IMG, CAA Eleven có cơ hội đẩy giá bản quyền lên cao. Báo cáo cạnh tranh 2012 của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, trong vòng 10 năm qua, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền đã tăng từ 79.000 lên thành 3,7 triệu. Số lượng các đơn vị làm truyền hình trả tiền cũng ngày càng tăng, với Viettel là thành viên mới nhất. Bất cứ tên tuổi nào mới xuất hiện cũng muốn thu hút khách hàng bằng những “chiêu độc”, trong đó “độc” nhất là độc quyền các giải bóng đá lớn thế giới. Chính bằng cách chia nhỏ bản quyền EPL ra thành các gói độc quyền khác nhau, IMG đã gây ra cuộc chạy đua gay gắt, thậm chí là gây chia rẽ giữa các nhà đài Việt Nam. Rốt cuộc, giá bản quyền chỉ càng ngày càng tăng.


Với việc VTV vừa tuyên bố “bó tay” trong vụ ngăn cản K+ độc quyền EPL, không ai dám chắc vụ thương lượng mua bản quyền Euro 2016 sẽ diễn ra theo đúng ý đồ của VNPayTV, tức là muốn Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định một đơn vị đứng ra mua bản quyền cho cả thị trường Việt Nam, rồi chia sẻ với các đài. Hạn chót nộp hồ sơ tham gia đấu thầu lên CAA Eleven đã đến gần (17 giờ ngày 4/7). Liệu có xảy ra một vụ K+ nữa?


Song Long

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN