Bầu bỏ bóng

Bóng đá Việt Nam vài năm trở lại đây gắn liền với các ông bầu. Họ là các doanh nghiệp, vì những mục đích khác nhau, sẵn sàng bỏ “tiền tấn” để đầu tư vào các đội bóng, sẵn sàng chi đậm để lôi kéo các ngôi sao – nội, ngoại đủ cả. Khi túi tiền rủng rỉnh thì họ “thét ra lửa”, thậm chí dồn ép và lấn áp bộ máy lãnh đạo bóng đá Việt Nam vốn đang chập chững chữ “chuyên”. Nhưng đến khi cuộc khủng hoảng tài chính gõ cửa, các ông bầu thi nhau “bỏ của chạy lấy người”, để lại một bức tranh bóng đá Việt Nam hỗn loạn: mô hình bóng đá chuyên nghiệp bị đánh dấu hỏi, nhiều CLB bị giải thể, nhiều cầu thủ triệu phú bỗng nhiên bị đẩy ra đường và rơi vào cảnh thất nghiệp.


Bầu Thụy (trái) và bầu Trường đều đã chia tay bóng đá. Ảnh: internet



Theo thống kê thì trong vòng 2 năm trở lại đây, đã có tới 8 ông bầu bỏ bóng đá và phần lớn xuất phát từ lý do “đuối sức” về tài chính, dù không phải ai cũng công khai điều này. Nổ phát súng đầu tiên cho cuộc tháo chạy hàng loạt này là bầu Long và bầu Tuấn ở Hòa Phát Hà Nội. Ông Trần Đình Long và ông Trần Mạnh Tuấn đều được đánh giá là những người có tâm huyết với bóng đá, đặc biệt với bóng đá thủ đô. Nhưng vì bức xúc với cách điều hành của trọng tài trong trận đấu với Hải Phòng ở cuối mùa giải 2011 mà họ đã tuyên bố rút lui. Đến tháng 10 vừa qua, có tin đồn về việc bầu Long và bầu Tuấn sẽ tái xuất ở CLB Hà Nội, giải cứu đội bóng này sau khi bầu Kiên vướng vào vòng lao lý, nhưng cuối cùng, tất cả chỉ là tin đồn.


Nói đến bầu Kiên thì ai cũng biết đến màn “cướp diễn đàn” nổi tiếng của ông tại lễ tổng kết mùa giải của LĐBĐ Việt Nam (VFF) cách đây 1 năm, dẫn tới sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Nhưng sự đời thay đổi nhanh khó ai ngờ. Việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ hồi cuối tháng 8 vừa qua vì những sai phạm kinh tế đã làm rúng động không chỉ làng bóng đá. Hậu quả không thể tránh khỏi của vụ việc này là CLB Hà Nội và Trẻ Hà Nội bị giải thể.


Tiếp sau vụ việc của bầu Kiên, rất nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự “chán” bóng đá ở giai đoạn cuối mùa giải 2012. Đến khi mùa giải khép lại, cái sự “chán” này đã tạo ra một hiệu ứng domino. Đầu tiên là bầu Hiển, ông rút lui trước sức ép từ nhiều phía về cái gọi là “một ông chủ, hai đội bóng”. Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Hiển vẫn đang “lách luật” để rót tiền vào Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng với tư cách là nhà tài trợ.


Về phần bầu Thụy, ông vốn là một nhân vật luôn phản đối ra mặt việc phải làm “quân xanh” cho Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Nhưng khi người ta chờ đợi một phản ứng khác từ ông Nguyễn Đức Thụy sau khi bầu Hiển rời cuộc chơi, thì chính ông này lại sang nhượng Sài Gòn Xuân Thành cho em trai là ông Nguyễn Xuân Thủy cách đây vài ngày. Khi đội bóng giờ đã khoác trên mình một cái tên mới, Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn, người ta vẫn chỉ nhớ đến bầu Thụy về khả năng chịu chơi và những phát biểu... khó hiểu của ông trong một số hội nghị, thay vì một cách làm bóng đá căn cơ, bài bản.

Những ông bầu bỏ bóng đá

Bầu Long và bầu Tuấn: Hòa Phát Hà Nội

Bầu Kiên: CLB Hà Nội, Trẻ Hà Nội

Bầu Hiển: Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng

Bầu Thụy: Sài Gòn Xuân Thành

Bầu Trường: XM The Vissai Ninh Bình

Bầu Tiến Anh: Khatoco Khánh Hòa

Bầu Thọ: Navibank Sài Gòn



Một sự ra đi nữa cũng không làm cho những người yêu bóng đá phải tiếc nuối là của bầu Trường. Ông Hoàng Mạnh Trường đã rút lui khỏi vị trí Chủ tịch CLB Xi-măng The Vissai Ninh Bình với lý do: quá thất vọng về cách hành xử của các cầu thủ, sau khi toàn đội đình công để đòi lương, thưởng. Bầu Trường cũng làm bóng đá kiểu “ngẫu hứng” giống như bầu Thụy. Làm bóng đá chuyên nghiệp mà “đỏng đảnh” như vậy thì rõ ràng không có tương lai lâu dài.


Trong vòng xoáy khủng hoảng tài chính, bầu Lê Tiến Anh đã phải bỏ Khatoco Khánh Hòa. Suất tham dự V-League 2013 của đội bóng này vừa được chuyển giao cho Hải Phòng. Trước đó, bầu Thọ (Nguyễn Vĩnh Thọ) đã tuyên bố giải tán Navibank Sài Gòn, bán nhiều cầu thủ cho Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn. Và tiếp theo là ai nữa trong thời gian tới?


Không thể phủ nhận đóng góp của các doanh nghiệp đối với bóng đá Việt Nam, nhưng hơn lúc nào hết, mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp chỉ dựa vào tiền của các ông bầu đang bộc lộ những bất cập. Vấn đề quan trọng nhất là tiền đó phải giúp bóng đá nuôi được bóng đá.



Song Long
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN