Arsenal: Sự lung lay của một mô hình

Vào thời điểm hiện tại, đội bóng Arsenal danh tiếng của nước Anh do HLV Arsene Wenger dẫn dắt đang chỉ cách bờ vực xuống hạng tại “Premier” có hai điểm và chưa bao giờ các “pháo thủ” lại khởi đầu mùa bóng tồi tệ như thế này, kể từ năm 1953 đến nay.


Khung cảnh cuối cùng của trận derby thành London diễn ra trên sân White Hart Lane giữa Totteham và Arsenal, với chiến thắng 2-1 dành cho các spurs, là một hình ảnh tượng trưng hoàn hảo cho tình trạng hỗn độn của các gunners. HLV Arsene Wenger, một “giáo sư” nổi tiếng là người ăn nói khôn khéo và có cách ứng xử chuẩn mực kể từ khi đặt chân đến nước Anh năm 1996, đã từ chối bắt tay Clive Allen, một trong những trợ lý của người đồng nghiệp Harry Redknapp, và nhà cầm quân của Totteham đã không giấu nổi sự tức giận trước thái đội khiếm nhã nói trên. “Tôi đã bắt tay Harry và phó của ông ta, tôi còn phải làm thế với bao nhiêu người nữa?”, ông Wenger nói một cách chống chế sau đó. Về phần mình, trợ lý Allen bày tỏ: “ông ấy nói không nhìn thấy tôi và cũng không nghe thấy lời chào của tôi, nhưng đó không phải là sự thật”.



Arsenal đang rơi vào cơn khủng hoảng phong độ - Ảnh Getty


CLB Arsenal đặt chân tới lãnh thổ của Tottenham, đối thủ đáng gờm cùng thành phố có tới ba trận thắng và chỉ chịu một trận hòa trong bốn trận derby gần đây nhất, vào đúng ngày HLV người Pháp kỷ niệm 15 năm đến với giải ngoại hạng Anh. Và thật trớ trêu làm sao, vào thời điểm hiện tại, các pháo thủ lừng danh chỉ còn cách bờ vực xuống hạng tại Premier có hai điểm. Đây là sự khởi đầu mùa bóng tồi tệ nhất của Arsenal từ 1953 đến nay. “Chúng tôi đang kém Manchester United và City tới 12 điểm. Bây giờ mà nói Arsenal sẽ vô địch Premier League sẽ là một điều phi thực tế. Chúng tôi phải “chiến đấu” quyết liệt mới có thể trở lại vị trí nhóm đầu”, “giáo sư” Wenger cay đắng thừa nhận.

Ông Wenger có đủ lý do để lo lắng. Mô hình bóng đá mà ông gây dựng đã bắt đầu lung lay kể từ khi Arsenal giành được danh hiệu cuối cùng - FA Cúp - vào năm 2005 và từ khi Barca đánh bại các pháo thủ tại trận trung kết Champions League năm 2006 tại Paris. Trong cái đêm mưa gió trên sân Stade de France đó, “gã khổng lồ của xứ Catalunya” đã làm đảo lộn tỷ số của trận đấu vào chặng cuối của cuộc đọ súng, chấm dứt một thời kỳ huy hoàng của Arsenal, trong đó các pháo thủ giành tới ba chức vô địch giải ngoại hạng Anh (1998, 2002 và 2004) và làm nên danh tiếng của mình với lối chơi passing game đầy mê hoặc. Mô hình đầy sáng tạo này đã bừng sáng với "Những kẻ bất bại", với thế hệ mà thủ lĩnh là Thierry Henry và đỉnh cao là 2004, mùa bóng mà Arsenal không thua một trận nào.

Ngôi sao người Pháp đã di cư và theo đó là các cận vệ đã từng sát cánh Henry trong hàng trăm trận đánh, như Ashley Cole, Patrick Viera hoặc Robert Piret, nhưng Wenger chưa bao giờ thay đổi kịch bản của mình. Ông đã tìm thấy một thủ lĩnh mới, Cecs Fabregas, và tiếp tục cuộc săn tìm các tài năng trẻ để đem về sân Emirates những sát thủ như Van Persie hoặc Nasri. Đến hôm nay, chỉ có cầu thủ người Hà Lan là ở lại. Sự ra đi của Cecs và cầu thủ người Pháp đã làm Arsenal suy yếu hẳn từ trước khi mùa bóng mới khởi tranh. Ban lãnh đạo đội bóng đã phải vội vã vá víu các lỗ hổng bằng việc mua về hàng loạt các cầu thủ ở phút chót như Benayoun, Arteta, Andre Santos, Mertesacker và Park, sau đó bổ sung thêm Gervinho và Chamrlain, một cầu thủ trẻ có giá 13 triệu euro.


Tuy nhiên, Arsenal vẫn khởi động tậm tịt và một số người đã loại các pháo thủ khỏi nhóm Big Four (Bốn Ông lớn) truyền thống của Premier League (gồm Arsenal, Liverpool, Manchester United và Chelsea). Kể từ khi lá chắn người Đức Lehmann ra đi, khung thành của Arsenal không còn giữ được sự ổn định, với sự sự trám chỗ của Szczesny, một cầu thủ hầu như vô danh. Tấm lá chắn trước mặt khung thành, trước đây chắc chắn như thép nguội với sự góp mặt của Adam hoặc Campbell, giờ được thay thế bằng những hậu vệ non nớt. Không có gì ngạc nhiên khi hàng thủ của ông Wenger được đánh giá là “dễ vỡ”, với 16 lần để thủng lưới, chỉ sau Blackburn - 17 bàn, và Bolton -21 bàn. Hàng tiền vệ, hòn đá thử vàng trong sơ đồ chiến thuật của Wenger, đã yếu hẳn với việc Wilshere bị chấn thương, phải nghỉ thi đấu tới tận đầu năm sau, trong khi trên hàng công, tất cả phải chờ vào sự tỏa sáng của Van Persie.

Thế nhưng ông Wenger có vẻ rất bình tâm, bất chấp những lời xì xào nổi lên sau những cú ngã trước Liverpool, Tottenham và Manchester United, trong đó có thảm bại lịch sử 8-2 trên sân Old Trafford. “Tất cả những lời đồn đoán về sự ra đi của Wenger thật nực cười. Ai có thể thay ông ấy đây? Những gì ông ấy đã làm cho Arsenal đơn giản là không thể tin nổi”, có lúc Alex Ferguson, nhà cầm quân của MU, đã nói như vậy. Còn Redknapp đã nói với các phóng viên vào ngày trước khi xảy ra trận derby: “Các anh đều biết bóng đá là như thế nào. Chỉ mới thua có vài trận mà Wenger đã bị coi là một HLV tồi ư?” Trong khi đó, Ivan Gazidis, Giám đốc điều hành của Arsenal, tuyên bố: "người ta cứ nghĩ đổ một đống tiền ra là giải quyết được hết mọi vấn đề, hoặc sa thải HLV thì tình hình sẽ tốt hơn. Đó chỉ là cách điều trị ngắn hạn mà trên thực tế sẽ gây tổn thất lớn cho các CLB.”

Khang Chi (Theo El Pais)
(Theo Thể thao & Văn hoá)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN