5 VĐV điền kinh huyền thoại của Olympic

Những tiếng reo hò cổ vũ của CĐV là động lực giúp các VĐV phấn chấn. Những buổi lễ trao giải trang trọng và đẫm nước mắt của những người chịu nhiều gian khổ để có được những chiếc huy chương. Olympic là một sự kiện thể thao lớn của các VĐV. Năm trong số các VĐV điền kinh đã trở thành huyền thoại từ đó.


1. Thomas Bimis và Nikolaos Siranidis


Hai VĐV nhẩy cầu Thomas Bimis (29 tuổi) và Nikolaos Siranidis (28 tuổi) bị cho là không có cơ hội nhận huy chương tại Olympic Athens năm 2004. Bỏ qua dư luận, hai VĐV giành HCV đầu tiên cho Hy Lạp tại kỳ Olympic năm đó, giành HCV môn lặn đầu tiên trong lịch sử tham dự Olympic của Hy Lạp. Họ thực sự là một bất ngờ của kỳ Olympic này.


Thomas Bimis và Nikolaos Siranidis tham dự Olympic Athens năm 2004.


Cả hai đã trình diễn một phong độ tuyệt vời trong nội dung nhảy cầu 3m đôi nam để đoạt chức vô địch trước các đối thủ mạnh truyền thống như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Đức và Ôxtrâylia...


Tất cả người dân Hy Lạp đều nghẹn ngào vì xúc động khi đôi VĐV này giành HCV từ dưới đáy bể bơi. Ngay sau khi giám khảo công bố kết quả, cặp đôi anh hùng được vây quanh bởi tất cả CĐV có mặt hôm ấy, họ hát, nhẩy và vẫy cờ Hy Lạp với niềm tự hào mới được xác lập.


2. Babe Didrikson Zaharias


Babe Didrikson Zaharias chỉ tham dự duy nhất kỳ Olympic tại Mỹ nhưng vẫn là VĐV điền kinh có những thành tích đáng nể bậc nhất. Tại Los Angeles năm 1932, Zaharias đủ thể lực để vượt qua vòng loại của 5 môn điền kinh nhưng chỉ được cho phép thi 3 môn (quy định cho VĐV nữ thời bấy giờ). Cô giành ngay HCV ở các môn ném lao, 80 m vượt rào và HCB ở bộ môn nhảy cao.


Bên ngoài Olympic, Zaharias chơi giỏi các môn bóng rổ, bóng ném, bóng chuyền, tennis, bơi lội, lặn, boxing, đi xe đạp, trượt băng, bowling, bi-a và golf. Và người ta vẫn nói, nếu Zaharias được sinh ra ở thời mà phụ nữ được coi trọng hơn, hẳn cô đã chứng tỏ được nhiều hơn nữa. Với khả năng của mình, cô đã góp phần phá vỡ rào cản, mở đường cho việc tham dự các môn thể thao khác của các nữ VĐV tài năng bẩm sinh.


3. Larisa Latynina


Larisa Latynina cho tới tận bây giờ vẫn là một huyền thoại chưa thể lật đổ trong lịch sử Olympic. Cô không chỉ là VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) giành huy chương ở tất cả các nội dung mà thành tích giành 18 huy chương tại ba kỳ Olympic của cô cho đội tuyển Liên Xô (cũ) vẫn chưa bị đánh bại.


Latynina là một VĐV TDDC kỳ lạ. Năm 1956 tại kỳ Olympic được tổ chức tại hai thành phố là Melbourne/Xtốckhôm, cô giành bốn chiếc HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Bốn năm sau tại Rôma, cô tiếp tục nhận về 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Năm 1964, cô giành thêm hai huy chương mỗi loại để đưa vào bộ sưu tập của mình.


Đó mới chỉ là bộ huy chương Olympic. Ở thời của mình, cô còn giành thêm 14 huy chương (9 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ) tại các giải vô địch thế giới. Tại các giải vô địch châu Âu, cô cũng có thêm 14 chiếc huy chương. Thậm chí, có chiếc huy chương cô đoạt được khi đang mang thai.


4. George Eyser


Một huyền thoại Olympic tiếp theo là thành viên của bộ môn thể thao TDDC, người đã khiến kỳ Olympic năm 1904 náo loạn mang tên George Eyser. Kết thúc kỳ Olympic, anh giành 3 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ - trong một ngày. Trong một ngày đó, George Eyser hoàn thành các môn thi cầu thăng bằng, nhẩy ngựa, đu dây, xà kép... Có rất nhiều VĐV giành nhiều huy chương, nhưng tại một kỳ Olympic là người tàn tật đạt thành tích kỷ lục như vậy thì xưa nay chưa có tiền lệ. Ông bị tai nạn mất chân trái và chiếc chân giả không ngăn ông đam mê thể thao. Ở thời chưa có sợi tổng hợp cũng như các vật liệu nhựa tổng hợp khác thì rõ ràng những gì George Eyser làm được là sự nỗ lực vượt bậc. Cho tới mãi năm 1948, sân chơi cho người khuyết tật Paralympic mới bắt đầu được tổ chức và tiền lệ tham dự Olympic với cái chân giả không được lặp lại cho tới tận năm 2008 tại Olympic Bắc Kinh.


5. Jesse Owens


Jesse Owens, VĐV da màu người Mỹ đã chứng minh là một VĐV điền kinh bẩm sinh, anh đã lập những kỷ lục đáng nể ngay từ thời còn học trung học cơ sở. Trước khi tham dự Olympic, anh từng phá ba kỷ lục thế giới. Ngày đầu tiên tại kỳ Olympic, anh giành HCV 100m, xác lập kỷ lục thế giới với thành tích 10,3 giây. Ngày tiếp theo, anh giành tiếp chiếc HCV nhẩy xa với thành tích 8,06m - kỷ lục Olympic. Ngày thi đấu thứ ba, anh phá thêm một kỷ lục Olympic nữa ở đường chạy 200m với thành tích 20,7 giây. Ngày thi đấu cuối của môn điền kinh, thật bất ngờ, thêm một kỷ lục thế giới và kỷ lục Olympic nữa được anh xác lập cùng chiếc HCV ở cự ly chạy tiếp sức 4x100m nam.



Minh Đăng

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN