11:14 17/11/2011

Thể thao Việt Nam tại SEA Games 26: Chỉ tiêu và kỳ tích

Khi mà SEA Games 26 bước vào đoạn cao trào, thì áp lực về cái gọi là "chỉ tiêu Vàng" dường như trở nên tan biến để nhường chỗ cho những kỳ tích mới mang tính lịch sử của Thể thao Việt Nam (TTVN) tại sân chơi khu vực.

1. Tốp đầu với 70 HCV trở lên! Đó là chỉ tiêu mà thể thao Việt đề ra trước ngày lên đường tới xứ vạn đảo. Dù là chẳng cao hơn so với nhiều kỳ đại hội trước, thậm chí còn được xem là nằm trong khả năng, nhưng bài học "thất hứa" tại ASIAD 2010 vẫn còn chưa nguội và cái sân chơi SEA Games vốn quá nhiều biến động theo kiểu "hội làng" khiến mọi dự báo chuyên môn chỉ là tương đối.

VĐV Đào Xuân Cường (trái) đoạt HCV nội dung 400m vượt rào nam với thành tích 51"45. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

Và khi ngọn lửa SEA Games 26 chính thức bùng cháy ở Palembang, thì nỗi lo ấy thực sự trở nên hiện hữu. Đội tuyển U23 Việt Nam chưa thực sự gây ấn tượng ở vòng đấu bảng; canoeing "trắng tay" trong một ngày thi đấu, những tưởng cầm chắc 2 HCV; hai thế mạnh võ thuật là karatedo, taekwondo... thua nhiều hơn thắng; đỉnh điểm với thất bại của "nữ hoàng tốc độ" Vũ Thị Hương trên đường chạy 100m mà sự sa sút phong độ là nguyên nhân chính... 70 HCV, bỗng trở thành con số lớn.

2. Nhưng chính trong bối cảnh đó, kỳ tích đã tới và xứng đáng là kỳ tích lớn cho thể thao nước nhà khi đến từ những môn thể thao cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu Olympic, ASIAD. Dấu ấn lớn nhất thuộc về điền kinh - đội tuyển có lực lượng đông đảo nhất trong thành phần của đoàn TTVN dự SEA Games 26. Nếu việc nhà vô địch châu Á Trương Thanh Hằng hay "người không phổi" Vũ Văn Huyện... bảo vệ thành công ngôi vị của mình là chuyện nằm trong dự báo, thì rõ ràng, tấm HCV nhảy cao nữ của Dương Thị Việt Anh, chiến thắng ấn tượng của Thanh Phúc tại nội dung đi bộ 20km nữ là sự xuất sắc vượt trên cả kỳ vọng.

Còn trên đường đua xanh, kỳ tích càng trở nên tuyệt vời hơn khi gắn nhiều với những gương mặt trẻ, thế hệ được xem là tương lai mới của thể thao Việt. Hoàng Quý Phước, chàng trai Đà Nẵng, sinh năm 1993, VĐV đầu tiên của TTVN đạt chuẩn B tham dự Olympic 2012 vào đầu năm đã thêm lần nữa tỏa sáng khi phá sâu thành tích của mình để đăng quang ở cự ly 100m bơi bướm nam. Kình ngư nhí 14 tuổi, Ánh Viên mới chỉ lần đầu tham dự SEA Games cũng có được ngôi Á quân 400m hỗn hợp nữ.

Rồi cũng không thể không nhắc đến tấm HCV lịch sử của đồng đội nam môn TDDC, thành tích 2 HCV của canoeing, đội tuyển kết thúc sớm nhất phần tranh tài tại đại hội cùng sự trở lại của Á quân súng ngắn nam ASIAD 16, Hà Minh Thành; chức vô địch SEA Games thứ 4 của tay kiếm nữ Hà Nội Nguyễn Thị Lệ Dung... Thay vì nỗi ám ảnh về số lượng, TTVN phần nào đã khẳng định được bước tiến của mình qua những kỳ tích như thế.

3. SEA Games 26 gần đi qua nửa chặng đường, dù những cuộc tranh tài vẫn còn ở phía trước, nhưng cái kết chung cuộc được dự báo đã sớm được hình thành. Inđônêxia với lợi thế chủ nhà cùng số lượng đông đảo ở tất cả các môn thi và sự chuẩn bị chuyên môn khá kỹ lưỡng đang nhanh chóng vượt lên dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương. Thái Lan cũng đứng khá vững ở vị trí thứ 2 nhờ sự đồng đều về lực lượng và nếu không có gì biến động lớn, TTVN sẽ kết thúc kỳ SEA Games này với vị trí trong tốp 3 đoàn dẫn đầu.

Khẳng định điều này là chẳng hề sớm, bởi lẽ sau những canoeing, karatedo, taekwondo... kết thúc phần tranh tài của mình, thì còn rất nhiều thế mạnh khác của đoàn TTVN như: Vovinam, vật, wushu, cử tạ, rowing, judo; lặn, quyền Anh nữ... tiếp tục vào cuộc để tiếp nối cơn mưa Vàng. Vấn đề đặt ra lúc này, là bên cạnh việc cần có được phong độ tốt nhất, những cú bứt phát quyết định nhất để duy trì thành tích cũng như thứ hạng, thì TTVN hoàn toàn có thể hướng đến những kỳ tích mới ở những môn thể thao cơ bản.

Đơn giản, với theo Chiến lược phát triển đến năm 2020 đã đề ra, SEA Games không còn là mục tiêu chính mà chỉ là bàn đạp để TTVN hướng tới những đấu trường lớn nhất - ASIAD, Olympic. Mà để hướng được tới đó, thì phải là kỳ tích và phải là những môn thể thao cơ bản.

Vũ Minh